Quê hương của Doraemon luôn là điểm đến hàng đầu trong check-list của những tín đồ du lịch. Dù vậy, chi phí đắt đỏ tại đây khiến nhiều người còn e dè, chưa dám thực hiện ước mơ.
“Mùa thu Nhật Bản” - 4 từ ngắn ngủi cũng đủ để vẽ nên khung cảnh hàng cây đỏ rực màu lá, bầu không khí trong lành, dễ chịu, một nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi cùng gia đình, người yêu, bạn bè. Xứ sở mặt trời mọc còn biết cách thu hút khách du lịch bằng nhiều hoạt động lễ hội đa dạng và nền ẩm thực hấp dẫn.
Tuy nhiên, hành trình đến Nhật Bản cũng còn vướng phải một số rào cản nhất định về thủ tục xin visa và mức chi phí đắt đỏ. Nếu biết cách sắp xếp, vun vén cho chuyến đi và tìm kiếm thông tin kỹ lưỡng từ khi ở Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể tạo ra chuyến du lịch tự túc thú vị.
Săn vé máy bay giá rẻ
Mùa hoa anh đào vào tháng 2, 3 và mùa thu lá đỏ vào tháng 10 hàng năm luôn là thời điểm vé máy bay đi Nhật Bản đắt hàng nhất. Nếu đã chắc chắn thực hiện chuyến đi, cách tốt nhất để tiết kiệm là đặt vé từ sớm và săn vé giảm giá.
Hầu hết hãng hàng không đều có chương trình khuyến mãi chuyên biệt dành cho những nhóm khách hàng khác nhau, bạn nên chú ý theo dõi website, fanpage của các hãng để không bỏ lỡ thông tin.
Để giảm áp lực chi phí, bạn có thể chọn cách bay nối chuyến. Nếu không thích ngồi chờ transit, bạn có thể tìm đến những hãng có đường bay thẳng đến Nhật như Vietnam Airlines, Jetstar… Trung bình mỗi tuần, hai hãng này có khoảng 70 chuyến bay từ Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng tới 5 sân bay tại Nhật Bản là Haneda, Narita, Kansai (Osaka), Centrair (Nagoya) và Fukuoka. Mức phí chênh lệch không quá cao nhưng bù lại, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để trải nghiệm Nhật Bản trọn vẹn hơn.
Chọn dorm, capsule thay vì khách sạn
Giá phòng ở Nhật dao động từ 300.000 đồng lên đến 20 triệu đồng một đêm, tùy theo điều kiện ngân sách và nhu cầu mà bạn có thể đưa ra lựa chọn thích hợp.
Nếu đi một mình, bạn có thể tham khảo phương án ngủ giường tầng (dormitory) hoặc giường con nhộng (capsule) giá hợp lý, chỉ trong khoảng 300.000-1 triệu đồng/đêm (khoảng 1.500-5.000 yen).
Giường dorm ở Nhật Bản khá rộng, nằm thoải mái. Một số trong đó còn cho phép nấu ăn tại khu bếp chung của hostel. Mẹo nhỏ dành cho bạn là đặt phòng từ Việt Nam để được hưởng mức giá tốt hơn một chút, do hệ thống đặt phòng thiết lập giá theo IP và IP Nhật sẽ có giá đắt hơn.
Khi đi theo nhóm bạn đông người, bạn có thể tìm đến các hostel giá rẻ. Gợi ý cho khách du lịch tự túc là Japanize Guesthouse ở Tokyo giá 250.000-700.000 đồng/đêm, Shiori-an Guest House ở Kyoto giá 300.000-500.000 đồng/đêm hay Peace House Suzunami ở Osaka giá khá tốt 250.000-300.000 đồng/đêm.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng
Giá taxi ở Nhật Bản vô cùng đắt đỏ. Cước taxi tham khảo ở Tokyo khoảng 710 yen (140.000 đồng) một km. Nếu di chuyển từ sân bay Nirita về trung tâm Tokyo, mức giá có thể lên đến 30.000 yen (khoảng 6 triệu đồng). Rõ ràng đây là khoản tiền không hề dễ chịu, nhất là với dân du lịch bụi.
Tại sao không tìm đến những phương tiện giao thông công cộng ở Nhật để có được mức giá dễ thở hơn? Nếu có nhu cầu đi lại giữa các thành phố chính như Tokyo, Kyoto, Osaka, bạn có thể mua trọn gói vé tàu của JR rail Pass khoảng 30.000 yen (khoảng 9 triệu đồng) một tuần, không giới hạn số lần di chuyển. Đây còn là giải pháp hữu hiệu trong trường hợp bạn bị… lạc đường.
Subway cũng là một lựa chọn hay nếu bạn chỉ có nhu cầu di chuyển bên trong thành phố và chọn phương án đi máy bay giữa các thành phố lớn. Thẻ Tokyo subway 1 ngày, 2 ngày có giá lần lượt là 550 yen và 800 yen (khoảng 110.000-160.000 đồng).
Tùy một số vùng đặc biệt, đơn cử như núi Phú Sĩ, xe bus sẽ là phương án tối ưu. Hakone Unlimited Bus ride pass xuất phát từ Odawara sẽ đưa bạn đi thăm khu vực này trong 1-2 ngày.
Ăn ở quán địa phương
Tùy theo nhu cầu ăn uống, khả năng chi tiêu của mỗi người mà ngân sách dành cho khoản này sẽ khác nhau. Lời khuyên không bao giờ thừa là hãy tìm đến những quán ăn dành cho dân địa phương, thay vì đi theo hướng dẫn của những quyển sách, bài viết hướng dẫn những điểm đến “nhất định phải thử”.
Bạn cũng đừng quên bỏ túi một vài quán ăn nhanh có giá cả phải chăng để làm phương án 2 cho chuyến đi. Matsuya - chuỗi nhà hàng ăn nhanh rải khắp Tokyo với giá từ 480 đến 800 yen sẽ là một lựa chọn hợp lý. Ngoài ra còn có một số chuỗi cửa hàng khác như Nakau, Sukiya với giá cơm donburi chưa đến 10 USD, Family Mart với cơm nắm khoảng 2-3 USD.
Sushi, sashimi, tempura là 3 món ăn “thần thánh” nổi danh Nhật Bản. Tuy nhiên, giá của những món này tại xứ sở mặt trời mọc khá đắt đỏ. Một hiệu ăn có giá cả phải chăng đáng cân nhắc là Sushi Zanmai.
Mức giá tham khảo đối với du khách ở Tokyo, sushi tại siêu thị giá 500-1.000 yen (100.000-200.000 đồng) một phần; ở nhà hàng băng chuyền khoảng 2.000-4.000 yen (400.000-800.000 đồng) một người; còn nhà hàng sushi cao cấp giá khoảng 5.000-20.000 yen (1-4 triệu đồng) một người.
Tận dụng Wi-Fi miễn phí
Giữ kết nối với gia đình, người thân, “sống ảo” trên mạng xã hội như Facebook, Instagram… khi đi du lịch cũng là điều được giới trẻ quan tâm; tuy vậy mức phí mạng di động đắt đỏ ở một quốc gia phát triển như Nhật Bản lại khiến nhiều người e dè.
Nếu đang có kế hoạch đến thăm đất nước của người bạn Doraemon dễ thương từ nay đến hết ngày 28/2/2018, bạn có thể đăng ký sử dụng Wi-Fi Ninja miễn phí trong 4 ngày tại Nhật Bản. Chương trình dành cho khách đặt mua vé hành trình Việt Nam - Nhật Bản trên các chuyến bay của Vietnam Airlines và ANA.
Lợi ích của Wi-Fi Ninja là không giới hạn số người truy cập vào thiết bị trong một thời điểm, nên nếu bạn du lịch cùng gia đình hay theo nhóm đông người thì vẫn thoải mái sử dụng. Một số ưu điểm khác của thiết bị này là dung lượng dữ liệu LTE 4G tốc độ cao không có giới hạn, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, cách sử dụng đơn giản và cách thức nhận, trả dễ dàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét