Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm Thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm Thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Bật mí cách phân biệt 7 loại mì Nhật Bản không phải ai cũng biết

Mì Nhật Bản là cả một thế giới ẩm thực phong phú và đa dạng khiến nhiều người thích thú tìm hiểu. Với mỗi phong cách chế biến, mì sẽ mang những tên gọi khác nhau. Điều này đôi khi khiến cho thực khách không khỏi bối rối khi lựa chọn loại mì để thưởng thức. Hãy cùng tìm hiểu 7 loại mì Nhật phổ biến ở đất nước mặt trời mọc và cách “nhận diện” chúng chuẩn xác qua bài viết này nhé!

Ramen

Mì Ramen là các tên làm say mê lòng thực khách khi đến đất nước Nhật Bản (Ảnh: Sưu tầm)

Ramen là món mì nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc được thực khách trên toàn thế giới yêu thích và quan tâm tìm hiểu. Ramen được làm từ lúa mì, trông khá giống với mì Ramyeon ở Hàn Quốc. Bạn có thể nhận biết Ramen thông qua một số đặc điểm nhận dạng như sợi mì khá mảnh, có độ xoăn nhẹ, màu vàng, hơi dai. Người Nhật thường dùng món mì Ramen này kèm với súp hoặc nước lèo nóng.

Udon

Udon là một trong các loại mì của Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới (Ảnh: Sưu tầm)

Udon được mệnh danh là món mì quốc túy, món ngon Nhật Bản. Theo nhiều tài liệu, loại mì này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa và được du nhập vào xứ sở hoa anh đào từ những năm thế kỷ VIII. Đây là loại mì được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong số các loại mì phổ biến ở Nhật Bản. Sợi mì Udon thông thường có màu trắng, đường kính khoảng 1cm, được dùng kèm với các loại nước dùng nấu từ các loại thịt.

Soba

Mì Soba của Nhật Bản được làm từ lúa mạch đen (Ảnh: Sưu tầm)

Mì Soba được làm từ kiều mạch (hay còn được biết đến với tên gọi là lúa mạch đen). Trông bề ngoài, Soba khá giống với miến hay mì làm từ gạo lứt của Việt Nam. Có màu xám hoặc nâu đậm, sợi mảnh và dai là những đặc điểm giúp bạn nhận dạng được Soba. Với món mì này, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức nóng hoặc lạnh và ăn kèm với nước tương Nhật.

Somen

Giống Ramen, mì Somen cũng được làm từ lúa mì (Ảnh: Sưu tầm)

Giống Ramen, mì Somen cũng được làm từ lúa mì nhưng lại có sợi mảnh hơn. Mì Somen của ẩm thực Nhật Bản trông bề ngoài giống với bún gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, sợi Somen lại dai hơn và không dễ bị nát như cọng bún. Khi thưởng thức Somen, bạn có thể dùng nóng hoặc lạnh đều được. Đặc biệt, sợi Somen mảnh nên rất dễ thấm vị, vì vậy món mì này thường ăn kèm nước dùng có vị khá nhạt.

Shirataki

Mì Shirataki có màu trong suốt, đẹp mắt cuốn hút người ăn (Ảnh: Sưu tầm)

Shirataki là các loại mì Nhật Bản được sử dụng phổ biến, được làm từ bột Konjac (củ khoai nưa). Củ khoai nưa trong suốt, khi ăn hơi dai giống thạch rau câu vì vậy sử dụng bột khoai nưa làm nên sợi mì Shirataki cũng trong suốt đẹp mắt, cuốn hút người ăn. Người Nhật thường dùng loại mì này dùng ăn kèm với các món lẩu nổi tiếng như Sukiyaki, Oden,…

Harusame

Mì Harusame có hình dáng mảnh, dai (Ảnh: Sưu tầm)

Danh sách các loại mì phổ biến của Nhật Bản không thể nào vắng mặt Harusame. Sợi mì Harusame trong suốt, khá mảnh, có màu hơi vàng nâu trông giống miến làm từ đậu xanh của Việt Nam. Đến Nhật Bản, bạn sẽ có thể bắt gặp loại mì này xuất hiện trong các món xào và súp.

Yakisoba

Mì Yakisoba được chế biến từ sợi mì Ramen (Ảnh: Sưu tầm)

Ít ai biết được rằng Yakisoba được chế biến bằng sợi mì Ramen chiên kèm với thịt lợn, các loại rau (thường là bắp cải, hành tây, cà rốt), xốt Yakisoba, gia vị (muối, tiêu xay). Ngoài ra, chế biến mì Yakisoba, người Nhật còn sử dụng thêm một số loại nguyên liệu khác như bột rong biển, gừng ngâm, vảy cá, mayonnaise.

Trên đây là một số đặc điểm nhận dạng 7 loại mì Nhật Bản phổ biến. Hi vọng, thông qua những thông tin trên, bạn có thể hiểu biết thêm về mì, văn hóa ăn mì nói riêng và ẩm thực Nhật Bản nói chung.

Nguồn: Travel.com.vn


Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

4 quán cơm tấm ngon nức tiếng Sài Gòn

Cơm tấm là một trong những đặc sản của người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Nếu có dịp du lịch Sài Gòn, bạn có thể ghé một số địa chỉ có tiếng được nhiều người ghé thăm dưới đây để thưởng thức món ăn này chuẩn vị nhất.

4 quán cơm tấm ngon nức tiếng Sài Gòn

Cơm tấm Ba Há



Ba Há là một trong những quán cơm tấm đông khách bậc nhất ở Sài Gòn. Điểm thu hút nổi bật ở món ăn này là được ăn kèm với chả trứng muối lạ vị và đùi gà chiên mắm đậm đà. Quán mở từ 16h30 nhưng tới khoảng 17h là hết chả trứng.

Địa chỉ: Đường Hưng Phú, quận 8

Cơm tấm Ba Ghiền



Cơm tấm Ba Ghiền là địa chỉ quen thuộc của giới trẻ thuộc thế hệ 9X. Cửa hàng được nhiều người biết đến nhờ miếng sườn lợn tràn dĩa cơm. Sườn ở đây mềm, được chế biến thấm gia vị, vừa miệng. Cơm tấm ở đây thường được gọi kèm thêm với chả trứng, trứng ốp la, lạp xưởng, viên xíu mại, bì, đồ chua... Điều đặc biệt là phần xíu mại ở đây được thêm chút bún tàu lạ miệng.

Địa chỉ: Đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận

Cơm tấm Bụi Sài Gòn



Cơm tấm Bụi Sài Gòn là thương hiệu rất nổi tiếng với chuỗi cửa hàng có mặt ở khắp nơi. Đĩa cơm tấm ở đây thường đi kèm sườn non và nước chấm. Sườn muối ớt hay sườn mật ong đều nhận được nhiều lời khen từ khách hàng.

Địa chỉ: Đường Thạch Thị Thanh, quận 1
Lê Văn Lương, quận 7
Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh
Phan Văn Trị, quận Gò Vấp
...

Cơm tấm Mộc



Cơm tấm Mộc là một trong những cửa hàng nổi tiếng được dân văn phòng yêu thích. Thực đơn của quán rất phong phú. Đặc biệt, cơm tấm ở đây mềm, dẻo, miếng sườn to, lát thịt không quá mỏng, ướp đậm vị. Bên cạnh đó, quán còn thu hút thực khách bởi không gian được bài trí đậm nét xưa cũ mang đến cho người ăn cảm giác như được trở về những năm 1970, 1980.

Địa chỉ: Đường Lý Tự Trọng, quận 1


Tổng hợp

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Về miền Tây thưởng thức các món bún ngon

Không chỉ nổi tiếng bởi các vườn cây trái sum suê, miền Tây còn thu hút du khách bởi những món ăn giản dị đậm chất miền sông nước, mà nổi bật là các món bún.

Về miền Tây thưởng thức các món bún ngon

Bún xiêm, Long An



Bún xiêm lo là điểm nhấn độc đáo trong ẩm thực Long An, gắn với địa danh Mộc Hóa ở đây. Món bún này ngọt vị cá, đậm màu vàng của nghệ, gồm da heo xắt miếng vừa ăn, cá lóc xé nạc hoặc quết nhuyễn, có khi thêm cả phần đầu cá hấp dẫn. Ăn kèm bún xiêm lo là giá sống, rau tai tượng xắt nhỏ, muối ớt chanh...

Bún mắm, Cần Thơ



Bún mắm là món ăn phổ biến ở miền Tây. Nếu muốn thưởng thức món bún đặc sắc này, bạn có thể đến Cần Thơ, thủ phủ của miền sông nước Cửu Long. Nước dùng trong bún mắm thường có màu nâu nhạt, vị đậm đà nhờ nấu từ mắm cá linh, mắm cá sặc... Tùy người chế biến, thành phần thêm vào tô bún mắm có thể là cá đồng, heo quay, tôm, mực...

Bún gỏi dà, Sóc Trăng



Bún gỏi dà được biết đến là đặc sản hấp dẫn ở Sóc Trăng. Thành phần của tô bún thường có bún trắng, tôm (tép) luộc chín đỏ au, thịt ba rọi thái sợi mỏng, thêm ít rau thơm, tương xay, đậu phộng... bày lên mặt bún và chan ngập nước dùng có vị me, vị tương.

Bún nước lèo, Trà Vinh



Bún nước lèo là món ăn hấp dẫn ở miền Tây, trong đó người ta thường nhắc đến bún nước lèo Trà Vinh. Để nước dùng đậm đà đặc trưng, người nấu có thể sử dụng mắm bò hóc (hoặc viết theo một số cách khác nhau) của người Khmer. Bún nước lèo còn có thêm thịt heo quay, cá đồng, các loại rau thơm, giá sống, bắp chuối bào, bông súng...

Bún cá bông điên điển, An Giang



Bún cá là đặc sản nổi tiếng của An Giang, gắn với các địa danh ở đây như Long Xuyên hay Châu Đốc. Món ăn này hấp dẫn bởi những miếng nạc cá lóc đồng vàng màu nghệ, những miếng heo quay béo, giòn, kết hợp cùng nước dùng đậm đà, dậy mùi mắm, nhất là không thể thiếu bông điên điển vị ngọt nhẫn ăn kèm.

Bún bì, Cà Mau



Món bún bì ở miền Tây vốn nhiều biến tấu khác nhau, có thể kết hợp với chả giò, thịt nướng, nem nướng... Về Cà Mau, du khách có thể thử qua món bún bì với các nguyên liệu như bì thịt, chả lụa, heo quay, đồ chua, rau thơm... Sợi bún trong món ăn này cũng to hơn, dai hơn thường thấy.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

6 đặc sản trứ danh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi được biết đến là nơi có kho tàng ẩm thực phong phú với những thức ngon vật lạ đặc sắc. Dưới đây là 6 món đặc sản trứ danh Quảng Ngãi không ai không biết.

6 đặc sản trứ danh Quảng Ngãi

Tỏi Lý Sơn



Nhắc đến Quảng Ngãi không thể không nói đến tỏi Lý Sơn – một đặc sản nổi tiếng tại đây. Khí hậu và thổ nhưỡng ở đảo Lý Sơn tạo cho nơi đây loại hành, tỏi đặc biệt thơm với hàm lượng tinh chất rất cao, đặc biệt là tỏi mồ côi (tỏi cô đơn). Tỏi có đặc điểm là củ nhỏ, săn chắc, có vị thơm, còn có thể chữa nhiều bệnh như mồ hôi tay, trị cảm cúm, đau nhứt mỏi, tiêu hóa kém, đau dạ dày, cao huyết áp, giảm mỡ máu…

Món don



Món don tuy mộc mạc, lại không cầu kì và được chế biến theo công thức giản dị nhưng không trùng lặp với bất kì món ăn nào. Bánh tráng sống và thịt don được cho vào tô chan nước luộc don thêm ngọt, đã có thêm gia vị ăn kèm với bánh tráng đã nướng giòn và những trái ớt chỉ thiên. Sức hấp dẫn của nó chính là ở hương vị nguyên sơ của sông nước Trà giang và ở lời ví von ngọt ngào của những chị bán don trong quán ăn dân dã.

Cá bống sông Trà



Cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè. Buổi sáng, cá đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp chụm lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Nếu cá đã kho hai ba “lửa” thì ăn rất “đã” với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán.

Mắm nhum



Nhum sống ở những gành đá ven bờ biển từ Bình Định đến Quảng Ngãi. Thịt nhum có thể kho để ăn cơm, trộn trứng chưng cách thủỵ nhưng ngon nhất là làm mắm. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc “giang” ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum sền sệt, mầu đỏ đục, thơm lựng, từng là đặc sản tiến vua xưa của người dân xứ Quảng. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành một thứ mắm đầy quyến rũ. Mắm nhum ăn với bún tươi rất ngon, nhưng ngon nhất là chấm thịt heo ba rọi kèm rau sống cuốn bánh tráng.

Bánh tráng



Bánh tráng là niềm tự hào của ẩm thực xứ Quảng. Hầu như các món ngon Quảng Ngãi đều có bánh tráng ăn kèm như ram bắp, thịt luộc, don… Bánh tráng hoàn toàn 100% gạo, nên có thể ăn thay cơm. Bánh có nhiều loại và kích thước khác nhau, tuỳ vào từng món ăn mà lựa chọn bánh tráng phù hợp. Nếu để cuốn và chiên thì sẽ là bánh tráng phơi sương (bánh tráng gói ram), với các món cuốn sẽ là bánh tráng gạo mỏng, không mè. Nếu ăn kèm với các món nước như bún, cháo thì bánh tráng nướng là sự lựa chọn hoàn hảo.

Chim mía



Hằng năm, vào dịp cuối thu sang đông, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, cùng với gió lạnh cũng là lúc nhiều đàn chim về cư ngụ trong những đồng mía mênh mông của các vùng Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ, Hành Minh, Nghĩa Hành… người dân địa phương quen gọi những con chim ấy với cái tên chung là chim mía. Chim mía có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bởi chúng có xương mềm, thịt không quá béo và rất bổ. Đơn giản và khoái khẩu nhất là chim mía nướng.


Tổng hợp

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

5 đặc sản Quảng Bình gây thương nhớ

Quảng Bình không chỉ được biết đến với nhiều bờ biển đẹp, nhiều danh thắng làm say lòng du khách mà nơi đây còn có nhiều món ăn đặc sản khiến ai đã từng thưởng thức đều nhớ mãi không quên.

5 đặc sản Quảng Bình gây thương nhớ

Lẩu cá khoai



Lẩu cá khoai tuy đơn giản, mộc mạc dân dã mang hương vị của vùng quê miền biển, nhưng với cách chế biến đúng của người dân nơi đây đã chinh phục được những thực khách khó tính. Cái vị tươi ngon của cá, cộng vị cây nén không thể thiếu mới làm nổi bật hơn hết sự chân chất đậm đà của nồi lẩu trong cách nêm nếm gia vị theo khẩu vị của người địa phương. Từ đó mà mỗi khi nhắc đến nồi lẩu cá khoai, người ta lại dễ mường tượng đến một hương vị rất riêng và đặc biệt khiến người thưởng thức nhớ mãi không thôi.

Cháo canh



Cháo canh thực chất mà món bánh canh bột lọc hoặc bột gạo được bày bán khắp vùng đất Quảng Bình từ các chợ, quán vỉa hè đến nhà hàng. Nguyên liệu chính của món cháo canh khá là đa dạng, tùy thuộc vào sở thích của từng người, thông thường sẽ có các nguyên liệu chính là sườn heo, cá lóc, ghẹ và tôm tươi, loại tôm được dùng để nấu món cháo canh là tôm sống ở vùng đầm, thịt khá đậm đà, và đặc biệt là không có mùi tanh. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy phần thịt, xào lên, nêm cho vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục, sau đó rắc lên thêm những cọng hành lên mỗi tô cháo đang nghi ngút khói.

Cháo canh còn đặc biệt lạ ở chổ là kèm với rau cải xanh thái nhỏ chứ không phải rau sống giá, xà lách. Vị cải xanh vừa ngọt lại vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi cho vào miệng làm cho món cháo này hoàn toàn khác biệt.

Gỏi cá nghéo



Nếu Phú Quốc có gỏi cá trích thì Quảng Bình có gỏi cá nghéo vô cùng độc đáo. Cá nghéo sau khi được làm sạch lớp nhám ngoài da bằng nướng nóng cho hết mùi sẽ được thái lát làm gỏi. Cá nghéo làm gỏi thường được ăn chung với rau sống, đặc biệt là rau thơm và các loại rau có vị chua chua, chát chát. Cái mùi thơm của rau sống, thêm chút vị nồng của cá khiến món ăn thêm độc đáo và thơm ngon. 

Cơm Bồi - Ốc Đực



Ai lên Minh Hóa (một huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình) mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền sơn cước này. Món cơm bồi dẻo thơm này được chế biến từ hạt ngô, hạt gạo và them củ sắn tươi được người Minh Hóa ăn cùng với ốc đực bắt ở suối và cà lào ở rừng. Ốc đực có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món phổ biến nhất là ốc luộc. Ốc đực luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối ớt, khều bởi gai bưởi ăn rất thơm ngon.

Khoai deo



Món khoai gieo có lẽ là đặc sản nổi tiếng Quảng Bình được nhiều người chọn mua về làm quà. Sau khi thu hoạch khoai lang đỏ, người dân ở đây sẽ cắt lát rồi phơi khô trong cái nắng mùa hè nhiều lần cho tới khi khoai trở lên dẻo và dai thì họ sẽ đóng gói rồi bán ra thị trường. Một chút bùi bùi, một chút thơm thơm của khoai deo đan xen tinh tế làm người ta cứ muốn ăn hoài ăn mãi.


Tổng hợp

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Du lịch Phan Thiết làm "say" lòng người

Phan Thiết, dải đất ngập nắng và nhiều gió luôn là điểm đến đầy những điều thú vị cho chuyến hành trình rời xa phố thị ồn ào.

Du lịch Phan Thiết làm "say" lòng người

Khu dã ngoại Bồng Lai



Giữ trọn chất hoang sơ cùng vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, khu dã ngoại Bồng Lai như chốn giao thoa của biển và núi, màu đỏ rực của hẻm núi với sắc xanh tươi mát của cỏ cây.

Bãi Rạng 



Bãi Rạng xen lẫn trong những bãi san hô, bãi đá và những bãi biển đầy cát vàng lộng lẫy. Nước ở đây rất trong xanh nên chỉ cần bơi ra xa một chút, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng những đàn cá nhỏ nhiều màu sắc tung tăng bơi lội dưới nước, hay đôi khi vô tình bắt gặp những nhánh san hô nhiều màu sắc.

Tháp Chăm



Cách trung thành phố Phan Thiết khoảng 7km, Tháp Chăm Poshanư là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc. Được xây dựng từ cuối thế kỷ VIII, công trình cho đến nay dù đã bã bị bào mòn bởi khí hậu, thời tiết nhưng vẫn giữ lại một số dấu tích.

Mũi Kê Gà



Mũi Kê Gà là một trong những địa điểm đón bình minh đẹp nhất ở Phan Thiết. Khi mặt trời ló dạng, những ánh sáng vàng cam bắt đầu sưởi ấm mặt biển, những tảng đá rêu phong, những chiếc thuyền cá bồng bềnh của ngư dân. Lúc này đây mọi thứ trở nên thật yên bình.

Món ngon ở Phan Thiết


Nhắc đến ẩm thực Phan Thiết, du khách sẽ phải xuýt xoa trước nhiều món đặc sản hấp dẫn, đa phần là hải sản.

Chả cá



Chả cá ở mỗi vùng miền đều có hương vị riêng nhưng đặc sắc và lạ miệng hơn cả là chả cá Phan Thiết. Chả cá Phan Thiết thường có hai loại là chiên và hấp. Chả cá chiên thơm lừng, có vị ngon và béo. Còn chả cá hấp ngọt đậm, hương vị mặn mà khó quên. Người Phan Thiết thường ăn chả cá với nước mắm ớt chanh.

Lẩu thả



Lẩu thả là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách khi đặt chân đến vùng đất này. Nguyên liệu chính của món ăn là cá đục, cá suốt, cá mai - những loại cá nổi tiếng của đất Phan Thiết. Ngoài ra, còn có thịt heo luộc thái thành sợi, trứng chiên thái khứa, rau sống, khế, dưa chuột, bún và bánh đa. Lẩu thả có đầy đủ vị chua, cay, đắng, mặn, ngọt làm cho bao du khác phải say mê.


Tổng hợp

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

4 địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn có món gỏi khô bò ngon ngây ngất

Gỏi bò khô được xem là món quà chiều dễ ăn, dễ nghiện của nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn. Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như khô bò, đu đủ, bánh mì, rau răm nhưng làm nên một món ăn cực kì hấp dẫn.

4 địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn có món gỏi khô bò ngon ngây ngất

Gỏi khô bò Công viên Lê Văn Tám



Một trong những địa điểm đầu tiên phải nhắc tới chính là hàng gỏi bò khô ở góc công viên Lê Văn Tám. Một phần gỏi ở đây có giá 20.000 đồng nhưng đầy đặn nào đu đủ, khô bò, rau răm, bánh mì chiên giòn, đậu phộng. Điểm đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến hương vị chua ngọt của nước sốt. Thêm một chút vị cay cay của sa tế và tương ớt khiến cho món ăn trở nên hòa quyện tuyệt đối.

Gỏi khô bò Ông Năm



Gỏi khô bò Ông Năm có thể nói là quán gỏi bò lâu đời nhất ở Sài Gòn với bí quyết “cha truyền, con nối” đến tận ngày nay. Ngày xưa, ông Năm bán trên một chiếc xe đẩy và bây giờ truyền lại cho gái mở một quán nhỏ ở quận 1. Khô bò đầy đủ gan, phổi kết hợp cùng đu đủ chua ngọt, rau răm, đậu phộng vừa miệng. So với mặt bằng chung, gỏi ở đây có giá thành tuy hơi cao nhưng vô cùng phù hợp với chất lượng. 

Gỏi khô bò Phương Liên



Gỏi khô bò Phương Liên có phần đặc biệt hơn so với nhiều hàng quán khác, ở đây còn có bánh mì khô bò ăn vô cùng lạ miệng. Cứ tưởng rằng những nguyên liệu không hợp nhau thế nhưng khi kết hợp vào lại vô cùng hòa quyện. Cắn một miếng bánh thôi có đủ vị thơm của bột mì, vị mặn của bò khô và cả chút cay của ớt.

Gỏi khô bò Đinh Tiên Hoàng



Tuy là quán nhỏ ven đường nhưng quán gỏi khô bò này lúc nào cũng đông khách, nhất là mỗi buổi chiều. Để món ăn thêm phần hấp dẫn quán còn có thêm bánh tôm giòn rụm, ăn kèm đỡ ngấy. 


Tổng hợp

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Khám phá phong vị ẩm thực Việt theo từng miền

Ẩm thực Việt Nam là một bức tranh đầy màu sắc, nêu bật lên bản sắc riêng của từng dân tộc, vùng miền nhưng chúng vẫn mang trong mình cốt cách, linh hồn Việt đồng nhất. 

Khám phá phong vị ẩm thực Việt theo từng miền

Với một đất nước có chiều dài lịch sử lâu đời và vị trí địa lý khác biệt, thì mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S này lại có những món ăn đặc trưng, những món đặc sản riêng biệt không thể hòa lẫn.

Miền Bắc


Bún đậu mắm tôm

Ẩm thực miền Bắc đặc trưng với khẩu vị mặn mà, đậm đà, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến... và nhìn chung, do truyền thống xa xưa có nền nông nghiệp nghèo nàn, ẩm thực miền Bắc trước kia ít thịnh hành các món ăn với nguyên liệu chính là thịt, cá.

Nhiều người đánh giá cao ẩm thực Hà Nội một thời, cho rằng nó đại diện tiêu biểu nhất của tinh hoa ẩm thực miền Bắc Việt Nam với những món phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì... và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.

Miền Trung


Bánh xèo tôm mực

Ẩm thực miền Trung được biết đến với vị cay nồng, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Một số món có vị mặn hơn miền Bắc và miền Nam. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại mắm ruốc hay các loại đặc sản bánh kẹo Đà Nẵng, Huế.

Đặc biệt, ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Một mặt khác, do địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực hoàng gia lại đòi hỏi số lượng lớn món, nên mỗi loại nguyên liệu đều được chế biến rất đa dạng với trong nhiều món khác nhau.

Miền Nam


Cá lóc nướng trui

Người miền Nam có thiên hướng hảo vị chua ngọt. Đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Các món ăn có đặc điểm là thường cho thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía...).

Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển). Đặc biệt là các món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui...

Ẩm thực Việt rất giản dị, mộc mạc. Nhưng dù thế nào thì có một sự thật là các món ăn Việt khi lên hình đều cực kì hấp dẫn, dưới ống kính của những người trong nước hay báo đài, truyền thông nước ngoài.


Tổng hợp

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Món ngon ấm lòng mùa lạnh Hàn Quốc

Du lịch Hàn Quốc vào mùa lạnh, chắc hẳn chúng ta không thể bỏ qua những món ngon hấp dẫn, với hương vị đậm đà để sưởi ấm cho con tim cũng như cơ thể. 

Món ngon ấm lòng mùa lạnh Hàn Quốc

Jajangmyeon (Mì tương đen) 


Jajangmyeon (Mì tương đen)

Jajangmyeon là món ăn phổ biến ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Thành phần chính là tương đen từ đậu nành lên men (chunjang), xào với rau củ cắt nhỏ và thịt bò, lợn hoặc hải sản. Jajangmyeon có giá phải chăng và rất dễ tìm ở các khu ăn uống. Món này thường được ăn trong ngày hội độc thân Black Day của người Hàn (14/4), và được vinh danh là một trong 100 biểu tượng văn hóa của Hàn Quốc. 

Seolleongtang (Canh xương bò hầm) 


Seolleongtang (Canh xương bò hầm)

Canh xương bò hầm nổi tiếng là món bổ dưỡng thường được đem biếu. Seolleongtang chế biến từ xương bò ninh nhừ trong 10 giờ cho đến khi nước có màu trắng sữa và thịt bò chín, được phục vụ cùng với cơm trắng hoặc mì sợi và ăn kèm với kim chi cay. Món ăn này thường bán trong các nhà hàng, quán ăn lâu năm và không quá đắt đỏ. 

Kalguksu (Phở thủ công kiểu Hàn Quốc) 


Kalguksu (Phở thủ công kiểu Hàn Quốc)

Không chỉ ở Việt Nam mới có phở, Hàn Quốc cũng có một loại mì sợi giống phở được làm thủ công do người thợ sử dụng dao để cắt, gọi là Kalguksu. Kalguksu thường được chan nước dùng ninh từ xương ăn kèm với những miếng thịt gà hoặc bò băm. Có nơi còn cho thêm màn thầu vào tô cho đầy đặn nhiều vị. Vì là món thủ công nên không có nhiều nơi bán Kalguksu. 

Janchi-guksu (Mì yến tiệc) 


Janchi-guksu (Mì yến tiệc)

Janchi-guksu có nghĩa là mì yến tiệc, bởi trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, mì tượng trưng cho cuộc sống trường thọ và hạnh phúc nên thường xuất hiện trong các tiệc mừng năm mới, sinh nhật, mừng thọ, đám cưới. Nhiều người gọi vui món này là “mì không người lái” vì thành phần ít ỏi trong tô mì, chỉ gồm trứng, bí ngòi và đậu hũ. Hương vị của mì thanh tao, thích hợp để ăn nhẹ. 

Naengmyeon (Miến cay lạnh) 


Naengmyeon (Miến cay lạnh)

Tuy có nhiệt độ lạnh và được dùng nhiều vào mùa nóng ở Hàn Quốc nhưng thực chất, Naengmyeon vốn là món ăn mùa đông truyền thống của người Triều Tiên. Sợi mì nhỏ giống miến Việt Nam, làm từ bột sắn dây, kiều mạch, rong biển. Theo truyền thống, miến được phục vụ trong một bát kim loại đựng nước dùng ướp đá lạnh, rau sống thái chỉ, vài lát lê Hàn Quốc và thường thêm một quả trứng luộc hoặc thịt lạnh. Khi ăn, khách nêm thêm mù tạt cay và giấm. Miến lạnh Naengmyeon thường có trong các hàng đồ nướng lẩu như một món để làm dịu sự cay nóng. 

Dakgalbi (Gà xào cay) 


Dakgalbi (Gà xào cay)

Gà xào cay có giá rẻ, thường được phục vụ theo mẻ lớn. Trước đây, món này được quân lính và sinh viên yêu thích, sau này trở thành một trong những đặc sản quốc dân của xứ Hàn. Thành phần gồm gà ướp gochujang (một loại sốt từ xì dầu) được xào cùng các loại rau (thường là bắp cải) trên chảo gang lớn, kèm sốt cay và các loại món phụ như bánh gạo, phô mai. Dakgalbi bán phổ biến ở vùng Chuncheon nơi có nguồn thịt gà ngon. 

Banchan 


Banchan

Banchan là tên gọi chung cho các món ăn phụ đặt trong chén đĩa nhỏ ở giữa bàn để mọi người có thể dùng chung. Theo quy định, con số banchan trên bàn có thể là 3 – 5 – 7 – 9 – 12 món như rong biển, các loại kim chi, trứng, miến trộn, thịt kho, thịt nướng… Tuy là món phụ nhưng nếu thiếu banchan, bữa ăn sẽ trở nên sơ sài và bị nhạt miệng. Thông thường, khi ăn bất cứ món chính nào, bạn đều được phục vụ thêm banchan miễn phí. Các món phụ luôn được phục vụ trước để thực khách nếm khai vị lai rai, trong quá trình bữa ăn nếu thiếu sẽ được bổ sung, và để nhâm nhi khi kết thúc bữa ăn. 


Tổng hợp.