Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

6 lưu ý cơ bản để tránh đuối nước mùa du lịch biển

Đuối nước là nguy cơ có thể xảy ra với bất cứ ai trong những chuyến du lịch biển. Để không gặp phải vấn đề nguy hiểm này khi đi biển, bạn cần lưu ý những điều dưới đây.

1. Xác định những yếu tố khiến bạn gặp nguy hiểm


Theo trang NBC Washington, có nhiều yếu tố tác động tới nguy cơ đuối nước, gồm không biết bơi, không biết giới hạn của bản thân, thiếu giám sát từ nhân viên cứu hộ và người lớn (đối với trẻ em), sử dụng rượu bia.

Tiếp theo là địa điểm. Ở độ tuổi khác nhau sẽ có nguy cơ đuối nước ở những địa điểm khác nhau. Phần lớn trẻ em từ 1 đến 4 tuổi gặp nguy cơ bị đuối nước trong bể bơi. Người từ 15 tuổi trở lên thường tử vong vì ngạt nước tại những vùng tự nhiên như ao, hồ, sông ngòi, biển…

Khi tham gia những môn thể thao dưới nước như chèo thuyền, lướt ván diều… mọi người nên mặc áo phao. Nhiều tai nạn thương tâm vì đuối nước là do tàu bè chìm mất mạng vì không được trang bị áo phao.

Trước khi xuống nước, hãy cân nhắc về khả năng bơi lội của bản thân, bởi tắm biển rất khác so với hồ bơi. Tốt nhất, bạn nên đến những bãi biển có nhân viên cứu hộ và tuân thủ các quy định, bơi đúng khu vực được quy định từ bờ tới nơi gắn cờ và không bơi một mình. Biển luôn biến động, vì vậy hãy đề cao cảnh giác và lắng nghe lời khuyên chuyên môn.

2. Đề phòng dòng chảy xa bờ


Đây là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy sẽ cuốn tất cả mọi thứ ra xa bờ. Vì thế, trước khi xuống tắm biển, bạn hãy quan sát biển báo nguy hiểm và nhận dạng dòng chảy.

Vậy dòng dòng xa bờ là dòng chảy như thế nào? Đó là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển liên tục được đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.

Nếu gặp phải dòng chảy này, tuyệt đối không được xuống tắm. Bởi vì khi sa vào, chúng sẽ nhấn chìm và cuốn người bơi ra xa.


3. An toàn khi tắm biển


Nhiều bãi biển không có nhân viên cứu hộ, do đó khách du lịch cần tự bảo vệ chính mình. Khi tới một bãi tắm, bạn cần hiểu rõ ý nghĩa của những màu cờ cảnh báo,nhận biết dòng chảy xa bờ, luôn đi cùng ít nhất một người khác khi tắm biển, để mắt tới trẻ em và người bơi kém, tránh bơi gần những tảng đá và hãy biết lượng sức mình.

Khi xuống nước, đừng quên quan sát tình hình thời tiết. Lúc tắm biển không nên quay lưng về phía đại dương vì bạn không thể nào quan sát và kiểm soát được những nguy hiểm có thể xảy ra.

Kể cả vận động viên bơi lội chuyên nghiệp cũng cần phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ trước khi xuống nước.

4. Chọn áo phao chuẩn


Bạn nên chọn áo phao có thiết kế giúp đầu nổi trên mặt nước giúp tránh được nguy cơ ngạt thở khi gặp sự cố và chọn áo phao có lớp giữ nhiệt sẽ giúp bạn chống chọi với thời tiết lạnh. Bạn cần kiểm tra tình trạng áo phao và phao cứu hộ trước khi xuống tắm biển.

Lựa chọn áo phao vừa vặn với mỗi lứa tuổi, tránh để trẻ nhỏ mặc áo phao dành cho người lớn.

5. Nhận biết tình trạng đuối nước khẩn cấp


Những dấu hiệu cho thấy một người đang gặp nạn dưới nước: họ thường cố gắng bơi nhưng không hề tiến về phía trước, cố quạt tay xuống dưới để ngóc đầu khỏi mặt nước.

Với những trường hợp này, nếu không được cứu kịp thời, nạn nhân sẽ sớm mất sức và ngạt. Sau đó, họ chuyển sang trạng thái úp mặt dưới đáy hoặc gần mặt nước, nổi bất động.

Đối với những người không biết bơi hoặc đã đuối sức, không đủ sức lực để thoát khỏi dòng chảy ngược, thì hãy cố gắng men theo song song với bờ biển và ra hiệu cho nhân viên cứu hộ hoặc người dân gần đó ứng cứu.


6. Phản ứng trong trường hợp khẩn cấp


Nếu thấy một người đang trong trạng thái đuối nước, bạn cần ném phao hoặc thứ gì đó giúp họ nổi lên mặt nước. Điều này đáng lưu ý, bởi người bị nạn có thể hoảng sợ mà bám víu, kéo bạn cùng chìm với họ nếu kỹ năng kiểm soát tình huống của bạn không tốt.

Ngoài việc báo cho nhân viên cứu hộ, bạn hãy gọi 114 để được hỗ trợ. Trong thời gian chờ lực lượng cứu hộ đến, điện thoại viên sẽ tư vấn về cách xử lý tình huống cụ thể khi có người đuối nước.

Theo Wanderlust Tips

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét