Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Thưởng thức tinh hoa ngàn năm ở làng gốm Bát Tràng

Bát Tràng là điểm đến không hề xa lạ đối với các bạn trẻ ưa thích nét văn hóa truyền thống của làng nghề gốm sứ Việt Nam. Tồn tại với 500 năm làm nghề gốm truyền thống, làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm chính là địa điểm lý tưởng trong những ngày nghỉ cuối tuần với những ai muốn tìm hiểu về các làng nghề, những nét văn hóa cổ của nước Việt.

Thưởng thức tinh hoa ngàn năm ở làng gốm Bát Tràng

Với trên 2.000 lò gốm, Bát Tràng là niềm tự hào về một làng nghề gốm sứ truyền thống. Thời gian trôi qua, sản phẩm của làng đã phát triển và trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước với chất lượng màu men, kiểu dáng mang nét đặc trưng của làng nghề cổ bên bờ sông Hồng. 

Gốm Bát Tràng, sản phẩm từ đôi bàn tay tài hoa




Làng gốm Bát Tràng có truyền thống rất lâu đời về sản xuất gốm bằng phương pháp và kỹ thuật sản xuất thủ công. Những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo có nhiều kinh nghiệm, sẽ biến những mảng đất sét thành những sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng và mang nhiều ý nghĩa. Những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được tạo ra trên bàn xoay được truyền lại từ đời này sang đời khác, với những bí quyết gia truyền tạo nên những sản phẩm bền, đẹp, độc đáo. Nhiều mẫu mã của làng gốm được nhiều thương buôn trong và ngoài nước ưa chuộng và đặt hàng rất nhiều.

Chợ gốm Bát Tràng, góc văn hóa dân gian bằng gốm đất



Chợ Gốm là nơi bạn có thể tìm thấy những món quà làm kỉ niệm xinh xắn, vừa độc lại vừa rẻ. Các gian hàng ở chợ gốm bày bán rất nhiều sản phẩm gốm sứ như đồ lưu niệm, bát đĩa, cốc chén, đồ trang trí mĩ nghệ, đồ thờ cúng… vô cùng đẹp mắt.



Bước vào khu chợ gốm làng Bát Tràng, dường như ai cũng phải choáng ngợp trước khung cảnh bạt ngàn sắc màu của những con tượng, con sứ vô cùng đáng yêu. Chúng được bày trí trên các giá cả trong lẫn ngoài của mỗi gian hàng nhỏ xinh. Mỗi một gian hàng nhỏ xinh ấy lại là một cửa hàng tách biệt. Lối đi giữa các gian hàng san sát nhau, gần giống như mê cung.


Có lẽ nằm bên những con sứ bóng bẩy, sắc màu thì những con gốm được nung bằng đất lại cho người ta cái cảm giác bình yên, thân thuộc hơn, gợi đâu đó hương sắc của làng quê: cái chum đất làm tương của ông bà, cái âu cà hay nồi đất hầm cá.

Nặn gốm, hoạt động thú vị thu hút mọi du khách




Với khách du lịch làng nghề gốm Bát Tràng, mong muốn của họ khi đặt chân đến mảnh đất tuyệt đẹp này là được tự mình nhào nặn những sản phẩm làm từ gốm và men sứ. Chỉ cần dành ra 40-60k, bạn có thể trở thành một thợ gốm thực sự được tha hồ sáng tạo tạo thành phẩm từ đất sét và bàn xoay. Tuy ban đầu có thể hơi lúng túng khi chưa biết cách sử dụng, bạn sẽ nhận được sự chỉ dẫn tận tình từ những thợ gốm điêu luyện ngay ở làng cổ Bát Tràng. Sau khi bạn hoàn thành “kiệt tác”, sản phẩm sẽ được nung đốt để đem về nhà.

Ẩm thực làng gốm, tinh hoa chứa trong kiệt tác



Chợ gốm không chỉ có gốm mà nơi đây còn phục vụ rất nhiều các món ăn là đặc sản Hà Nội như: Bún chả, bún mẹt, bún nem… hay đơn giản chỉ là những chiếc bánh tẻ, những ly nước mía. Đặc biệt nhất bạn không thể bỏ lỡ đặc sản canh măng mực, món ăn truyền thống nức tiếng ở đây. Màu vàng ươm của măng hòa quyện cùng nước dùng ngọt lim, khi ăn sẽ dai giòn sật sât rất thơm ngon. 


Giữa cái nhịp sống xô bồ, hối hả ngoài kia, để “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nắng đượm mùi dịu mát có chút hơi ẩm từ dòng sông chảy qua. Gió thổi nhẹ vi vu mang theo hơi nước luồn lách qua từng con ngõ nhỏ, tường than, ngôi nhà cổ… chắc chắn bạn sẽ tìm được những giây phút an yên tại làng gốm này.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét