TP HCM
Gần đây nhất vào tháng 3/2020, thành phố xuất hiện trong trailer bộ phim bom tấn của Disney, Artemis Fowl. Nhiều người nhanh chóng nhận ra đây là cảnh quay ở vòng xoay bưu điện chợ Lớn, nơi xây dựng tượng đài Phan Đình Phùng.
Đây là bộ phim khoa học viễn tưởng, được chuyển thể từ tập truyện cùng tên của tác giả Ireland, Eoin Colfer. Bộ phim xoay quanh nhân vật Artemis Fowl, cậu bé thông minh sinh ra trong gia tộc tội phạm khét tiếng. Trước đó, bộ phim dự kiến công chiếu vào 29/5 nhưng khi các rạp phim đóng cửa vì Covid-19, nhà sản xuất quyết định ra mắt độc quyền trên kênh Disney+
Trước đó thành phố là bối cảnh xuyên suốt bộ phim Pháp, L'amant (Người tình) năm 1991. Bộ phim kể về chuyện tình của một thiếu gia gốc Hoa và cô gái trẻ tuổi người Pháp. Cả 2 gặp nhau trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc và nhanh chóng phải lòng nhau, tuy nhiên những khác biệt về văn hóa, gia cảnh mà họ phải chia tay nhau.
Đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã từng tới Thái Lan, Malaysia, Philippines để tìm địa điểm quay phim. Cuối cùng, ông chọn Việt Nam vì có bối cảnh trầm buồn phù hợp. Sài Gòn trong phim hiện lên với những khu phố nhộn nhịp, xa hoa. Tác phẩm được đề cử giải Oscar năm 1992 với hạng mục "Quay phim xuất sắc".
Hà Nội
Các cảnh quay trong bộ phim Tây Ban Nha Thi Mai, Rumbo a Vietnam, phát hành năm 2018, được thực hiện phần lớn tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Bộ phim kể về hành trình đi tìm cháu nuôi người Việt của bà Carmen, sau khi con gái bà qua đời vì tai nạn. Khi đến đây, bà cùng 2 người bạn thân đã gặp phải không ít những khó khăn, sự cố do bất đồng ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa.
Xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay vui nhộn, hài hước cũng không kém phần cảm động về tình người. Khán giả sẽ dễ dàng nhận ra những địa điểm thân thuộc của Hà Nội như cầu Chương Dương, cầu Thê Húc, chợ Đồng Xuân, đường phố đông đúc xe cộ và các hàng quán vỉa hè..
Quảng Ninh
Hình ảnh vịnh Hạ Long xuất hiện trên poster phim Kong: Skull island (Đảo đầu lâu), của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, ra mắt năm 2017. Trong đó, vùng vịnh với những đảo đá vôi được chọn làm nơi trú ẩn của Kong, quái vật khổng lồ được tìm thấy trong vùng đảo hoang.
Ngoài ra, bộ phim còn được thực hiện ở Ninh Bình và động Phong Nha, Quảng Bình. Từ nhiều cảnh quay trên cao và các kỹ xảo hiện đại, núi rừng Việt Nam hiện ra hùng vĩ, hoang sơ.
Ngoài ra, bộ phim còn được thực hiện ở Ninh Bình và động Phong Nha, Quảng Bình. Từ nhiều cảnh quay trên cao và các kỹ xảo hiện đại, núi rừng Việt Nam hiện ra hùng vĩ, hoang sơ.
Ninh Bình
Hình ảnh đầm Vân Long, huyện Gia Viễn, Ninh Bình trong bộ phim Đảo đầu lâu. Đầm Vân Long là điểm đến thích hợp cho những chuyến đi cuối tuần. Ở đây, du khách có thể ngồi trên những chiếc thuyền, xuôi theo đầm nước rộng lớn, chiêm ngưỡng hệ sinh thái đá vôi phong phú.
Khung cảnh non nước Ninh Bình còn là nơi nuôi dưỡng tình yêu đầy bi kịch của 2 cô gái Trần An và Lý Minh trong bộ phim Trung Quốc - Con gái ông chủ vườn thuốc năm 2006.
Tam Cốc - Bích Động được chọn là bối cảnh chính của phim, mô phỏng vùng đất có vườn dược liệu quý của dòng họ Trần. Hầu hết các cảnh đẹp trong phim không sử dụng kỹ xảo, gần với tự nhiên. Một số cảnh quay khác của bộ phim được thực hiện ở Sa Pa, Lào Cai; Hà Tây, Hà Nội..
Quảng Bình
Bom tấn Mỹ, Pan (2015) thực hiện một số cảnh quay tại vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Hang Én, hang động lớn thứ 3 thế giới tại Quảng Bình. Bộ phim xoay quay nhân vật Peter Pan, cậu bé mồ côi bị bắt cóc và đưa tới thế giới kỳ ảo Neverland.
Lối vào bên trong hang được sử dụng trong phân cảnh dài và hấp dẫn của bộ phim. Từ giữa năm 2014, đoàn làm phim đã tới đây, quay định dạng 3D, chụp ảnh hang động để dựng hậu kỳ phim. Các diễn viên sau đó diễn trên phông xanh và ghép lại.
Huế
Indochine (Đông Dương) là bộ phim Pháp, từng đoạt giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992. Bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam thời Pháp thuộc, qua đôi mắt của bà chủ đồn điền Éliane Devries, với các cảnh quay ở vịnh Hạ Long, Ninh Bình, đặc biệt là Đại Nội Huế.
Theo: Vnexpress.net