Ngoài việc phiên dịch ngôn ngữ, hướng dẫn viên còn là nhà phiên dịch văn hóa. Trong quá trình hướng dẫn thuyết minh người hướng dẫn du lịch còn có sứ mệnh như một nhà ngoại giao văn hoá, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hiểu và tôn trọng lịch sử văn minh, văn hoá nước mình.
Vì vậy, hướng dẫn viên luôn phải đảm bảo lòng tự trọng, niềm tự hào chân chính về dân tộc mình. Tuyệt đối không vì lợi ích riêng mà đánh mất lòng tự trọng, niềm tự hào dân tộc, phải đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của bản thân, kể cả lợi ích cục bộ của doanh nghiệp. Hướng dẫn viên nên ý thức về những điều mình nói, diễn tả phải có trọng lượng nhiều hơn, hay hơn, sâu sắc hơn những gì du khách biết. Đảm bảo giới thiệu đúng đắn, hấp dẫn tuyến điểm du lịch đã ký kết. Không hướng dẫn sai lệch, quá đề cao hoặc quá hạ thấp giá trị của điểm du lịch. Phải chú ý coi trọng văn hoá giao tiếp, văn hoá ứng xử trong quá trình hướng dẫn khách trên cả hai phương diện hành vi và ngôn ngữ.
Trong công tác của mình, hướng dẫn viên du lịch còn được ví là những trinh sát viên, những tình báo viên phát hiện, ngăn chặn, điều tra, những hành vi có biểu hiện phạm pháp, đe dọa nền an ninh đất nước, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc từ phía du khách, góp phần giữ gìn trật tự an toàn cho xã hội, bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch và lợi ích chính đáng của khách du lịch. Như phát hiện những kẻ đi với cách thức du lịch sang cấu kết với những tổ chức phản động trong nước chống phá lại nhà nước ta, hay buôn bán hàng lậu, hàng cấm: ma tuý, cổ vật, vật phẩm phi văn hoá... Thông qua việc này, hướng dẫn viên đang tự bảo vệ mình, bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ cho sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, họ còn là những nhà giáo dục gián tiếp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước qua công tác hướng dẫn và qua nội dung thuyết minh của mình. Vì mỗi du khách được đi xa, được thấy bao phong cảnh đẹp của quê hương, được nghe câu hò, câu hát, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện truyền thuyết lẫn chuyện hoang đường mà sách vở chưa nói tới. Được ngắm nhìn và nghe sự tích của đình, chùa, đền, miếu... ít nhiều chứa đựng những dòng lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Chính cảnh đẹp của núi rừng, sông biển, chính thành tích của những nhân vật được thờ, những mẩu chuyện lịch sử được người hướng dẫn truyền đạt đã thức tỉnh, mở ra cho mỗi du khách niềm tự hào dân tộc. Cũng từ niềm tự hào đó đã giúp cho mỗi du khách có lòng tự trọng và tự tin, kích thích sự tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá...dân tộc trong mỗi người.
Nhờ có những chuyến du lịch, dưới sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, người dân nhận thức được giá trị của vùng đất, những di sản văn hoá... của địa phương, đất nước mà vì quá thân thuộc và gần gũi nên họ không nhận thấy. Từ đó, họ sẽ tự hào và thêm yêu mảnh đất quê hương. Hướng dẫn viên du lịch chính là người sẽ “đánh thức” sự quan tâm của những người dân, khơi gợi sự tò mò tìm hiểu của họ. Bằng cách đó, họ đã góp phần gián tiếp nâng cao nhận thức và lòng tự hào của người dân về đất nước, quê hương mình.