Hiển thị các bài đăng có nhãn Khám phá ngôi chùa 2500 tuổi dát 90 tấn vàng ở Myanmar. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khám phá ngôi chùa 2500 tuổi dát 90 tấn vàng ở Myanmar. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Khám phá ngôi chùa 2500 tuổi dát 90 tấn vàng ở Myanmar

Nhắc tới Myanmar chắc chắn không thể bỏ qua ngôi chùa Shwedagon – một trong những biểu tượng linh thiêng và hoành tráng bậc nhất của đất nước này.


Chùa Shwedagon (Shwedagon Zedi Daw hay Chùa Vàng) nằm ở thành phố Yangon, được coi là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của đất nước Myanmar. Tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara ở Yangon, phía bắc là hồ Kandawgyi, chùa Shwedagon đầy uy nghi được coi là niềm kiêu hãnh của Myanmar và được đánh giá là một trong những kiệt tác của thế giới.

Tại đây lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.

Chùa lại nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon. Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp sư tử thần (chinthe) canh gác. Lối phía đông và phía nam có rất nhiều cửa hàng bán dụng cụ thờ Phật và dụng cụ tu hành. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân thứ hai của Phật, tức là Phật Câu Na Hàm.
Quần thể Chùa Vàng Shwedagon bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 98m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Ban đầu, tòa tháp được xây bằng gạch, và chỉ cao khoảng hơn 20m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ 18 đã đạt chiều cao 98m như hiện tại.


Stupa còn được gọi là tháp, phù đồ, hay thạt theo truyền thống Phật giáo là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi hay để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Ở chùa Shwedagon, stupa cao 98m, có đế bằng gạch, dát vàng bên ngoài. Trên đế là sân hiên mà chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào. Tiếp theo là phần hình chuông của stupa. Trên phần hình chuông là phần mũ. Trên phần mũ là phần giả như các cánh sen. Trên phần giả các cánh sen là phần có hình dáng hoa chuối, rồi trên nữa là phần hình vương miện. Phần hình vương miện còn gọi là lọng (hti) được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15g). Ấn tượng hơn toàn bộ sutpa ở Shwedagon được dát một lớp vàng ròng bên ngoài, mỗi lá vàng có kích thước khoảng 20x20cm, được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống và được gắn vào phần thân bằng đinh tán. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để giát vào tháp. Việc dâng vàng này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu. Theo thống kê, nửa dưới của stupa được dát 8.688 lá vàng, còn nửa trên là 13.153 lá vàng.

Chùa Shwedagon được trùng tu nhiều lần sau ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt khi chùa chịu ảnh hưởng của ít nhất 8 trận động đất vào thế kỷ 17. Hình dáng chùa hiện nay được xây lại sau cơn địa chấn năm 1786 từng khiến nửa trên của chùa sụp xuống.
Chùa Shwedagon từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanmar. Khi vào chùa phải cởi giày dép.  Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.

Dù là ban ngày dưới ánh nắng mặt trời hay khi đêm xuống dưới ánh đèn rực sáng, toàn bộ khuôn viên chùa và đặc biệt là ngọn Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. Tuy nhiên, với phần lớn người dân Myanmar cũng như khách du lịch, thời điểm chiêm ngưỡng Shwedagon tuyệt nhất có lẽ là vào lúc chiều tà, khi ấy cả stupa dát vàng rực rỡ nổi bật trên nên trời xanh thẫm.