Khu biệt thự ở đường Lê Lai gồm 15 căn, nằm rải rác trên một ngọn đồi thoáng đãng, do người Pháp xây từ những năm 1920.
Đà Lạt thường được nhiều người ví như một “Bảo tàng kiến trúc của Pháp” với hơn 1.300 công trình kiến trúc, biệt thự cổ được những nhà khai hoang người Pháp xây dựng. Ngoài các công trình nổi tiếng hút khách như nhà thờ Con Gà, nhà Ga hay trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thì khu biệt thự cổ trên đường Lê Lai cũng là một điểm đến không thể không nhắc đến.
17 căn biệt thự (xây mới 2 căn) nằm trên một đồi thông rộng 17 ha được xem như là một ngôi làng Pháp. Hiện tại, nơi đây là một khu lưu trú hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch Đà Lạt.
Ngày nay, nơi này được khôi phục và cải tạo để giữ lại gần như nguyên vẹn nét kiến trúc đặc trưng từng vùng miền của nước Pháp, nơi những người chủ ban đầu của biệt thự mang tới. Mỗi tòa biệt thự đều có tên riêng như: biệt thự Mậu dịch Đông Dương, biệt thự của khách lữ hành, nhà khảo cổ, họa sĩ, người trồng trọt của biệt thự Brigitte, biệt thự Câu lạc bộ xe hơi…
Nội thất của các biệt thự hầu như được giữ nguyên trong quá trình trùng tu, từ các chi tiết nhỏ như: sàn gỗ, công tắc đèn, hệ thống cửa sổ được làm bằng gỗ quý, chiếc lò sưởi… Nhờ vậy du khách khi đến đây đều có cảm giác như đang ở trong một ngôi nhà kiểu Pháp chính hiệu.
Các vật dụng trưng bày trong biệt thự gợi nhớ về cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu Pháp vào đầu thế kỷ 20 tại Đông Dương.
Do thời tiết hay mưa và không khí lạnh của xứ cao nguyên mà tất cả căn nhà người Pháp xây đều có một chiếc lò sưởi để giữ ấm
Trong số các căn biệt thự hiện tại thì căn số 26 đặc biệt hơn, khi người chủ khắc sâu chữ “PAX” vào tường và nay vẫn còn. Trong tiếng La tinh và thuật ngữ của Thiên chúa giáo thì “PAX” có nghĩa là bình yên, nên căn biệt thự này còn có tên gọi là “Căn nhà bình an”. Chủ nhân của căn nhà này cũng là người sản xuất, bán phô mai cho các hộ gia đình trong làng và các khu vực lân cận thời bấy giờ.