Nhìn chung, hướng dẫn viên cần có trang phục vừa hiện đại, phù hợp, vừa thể hiện bản sắc dân tộc của mình, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với khách du lịch, gây được thiện cảm với khách du lịch.
Bất cứ người làm dịch vụ du lịch nào cũng phải ăn mặc gọn gàng, phù hợp với công việc đòi hỏi, nhưng nhân viên phục vụ bàn và nhân viên đón tiếp trong các khách sạn, các đại lý du lịch và Hướng dẫn viên là những người trực tiếp phục vụ, gặp gỡ với khách du lịch cần phải có trang phục chuẩn mực nhất. Trang phục có thể là đồng phục cơ quan, theo thời tiết hay theo loại hình du lịch. Khi thực hiện hướng dẫn cho khách theo loại hình du lịch thể thao, du lịch leo núi mạo hiểm thì Hướng dẫn viên cần có trang phục gọn, thuận tiện. Nhưng khi thực hiện hướng dẫn theo loại hình du lịch lễ hội, tâm linh cần phải có trang phục trang trọng, lịch sự.
Nhìn chung, hướng dẫn viên cần có trang phục vừa hiện đại, phù hợp, vừa thể hiện bản sắc dân tộc của mình, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với khách du lịch, gây được thiện cảm với khách du lịch. Một Hướng dẫn viên thạo nghề sẽ chú ý đến tâm lý, phong cách ăn mặc của khách du lịch ở các quốc gia khác nhau. Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan, Italia, Thái Lan rất coi trọng trang phục là ví dụ cho những quốc gia rất coi trọng việc ăn mặc.
Giày dép của Hướng dẫn viên khi hành nghề phải tốt để có ma sát chống trơn, luôn được lau chùi sạch sẽ. Trong các lần di chuyển trên thang máy, đi dự tiệc tối hay các bữa tiệc có tính chất long trọng, Hướng dẫn viên cần chú ý kỹ hơn đến trang phục. Màu sắc của quần áo, váy cần màu tao nhã. Hiện nay ở nhiều hãng du lịch, Hướng dẫn viên du lịch có xu hướng sử dụng váy màu đậm, quần áo màu sáng. Có trang phục gọn đẹp, hướng dẫn viên cần khuyến khích khách ăn mặc cho phù hợp với loại hình du lịch và lộ trình tham quan (khi leo núi, xuyên rừng hay dự các buổi lễ hội ở những nơi tôn nghiêm,…) phù hợp với thời tiết, khí hậu trong thời gian diễn ra chuyến du lịch.
Về nguyên tắc, hướng dẫn viên du lịch cần trang điểm và biết trang điểm cho đẹp, lịch sự nhưng cần phù hợp với gương mặt, hình thể, màu da của mình. Hướng dẫn viên cần có kiểu tóc, độ dài tóc hợp lý và chải tóc gọn gàng, sạch sẽ, móng tay, móng chân cần được giữ gìn. Cần giữ gìn cơ thể sạch sẽ, hơi thở thơm tho, mùi thơm của cây cỏ tự nhiên được ưa chuộng hơn là nước hoa, nói chung nên tránh sử dụng nước hoa khi không cần thiết hoặc chỉ cần dùng các loại nước hoa nhẹ mùi đề phòng những trường hợp khách dị ứng với nước hoa.
Trang phục của Hướng dẫn viên là yêu cầu nghiệp vụ nhằm làm cho khách có thiện cảm, hòa đồng, tôn trọng và tín nhiệm Hướng dẫn viên. Các tư thế của Hướng dẫn viên đòi hỏi phù hợp với loại hình du lịch, phương tiện di chuyển địa hình có đối tượng tham quan. Những yêu cầu chung với Hướng dẫn viên về các tư thế như sau:
1. Phải tự nhiên khi trước mặt du khách và ngẩng đầu vừa phải, ngay ngắn, tỏ rõ sự lịch thiệp, trang trọng và thân tình.
2. Khi di chuyển không vội vàng hấp tấp hay rề rà, chậm chạp và không chạy không nhảy chân sáo, cần chú ý tới các vật cản, vướng trên đường di chuyển.
3. Thế đứng luôn cân bằng, trọng lượng phân bố đều trên hai chân, lưng thẳng, tay tự nhiên (ngay cả khi cầm micro).
4. Không cho tay vào túi áo, túi quần, không dựa vào tường, cây vào các vật khác nhau khi đang thuyết trình ở mặt đất
5. Cần đứng hay ngồi ở vị trí để khách có thể nghe và thấy rõ Hướng dẫn viên nhưng không che lấp đối tượng cần quan sát, chỉ dẫn và không gây cản trở cho người qua lại.
Trong những hoàn cảnh khác nhau như kiểm tra sự bảo đảm của chất lượng, số lượng của các dịch vụ du lịch theo hợp đồng, giải quyết các tình huống phát sinh, thư giãn, mua sắm giúp khách, Hướng dẫn viên có thể có các tư thế tương đối thoải mái hơn, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không làm mất lòng tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và thiếu tôn trọng hay xúc phạm khách.