Hiển thị các bài đăng có nhãn Vịnh không sóng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vịnh không sóng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Khung cảnh thơ mộng của “vịnh không sóng” ở Việt Nam

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Khu bảo tồn này nằm ở phía Đông Bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.


Vân Long được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998 và hiện là một trọng điểm du lịch của Quốc gia Việt 


Nó là nơi sở hữu 2 kỷ lục của trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”. 


Năm 1999, Vân Long trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam.


Hiện tại, Vân Long được chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng quý hiếm Cúc Phương hỗ trợ việc bảo tồn các loài thú quý hiếm. 

Từ năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500ha, kéo những loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét. 



Những quả núi bị cô lập thành những đảo đá giữa thung nước mênh mông đã “tình cờ” trở thành cứu cánh cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi bàn tay triệt phá của con người. 


Hiện Vân Long có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. 

Vân Long là khu vực có diện tích đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái đá vôi là nơi sinh sống của quần thể voọc quần đùi lớn nhất ở Việt Nam với khoảng trên 100 cá thể.

Vùng đất ngập nước Vân Long là một khu vực đa dạng về hệ sinh thái. Ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản.


Hệ động thực vật của Vân Long rất đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của châu thổ sông Hồng.

Đặc biệt đây là hiện trường nghiên cứu đa dạng sinh học rất quý của hai hệ sinh thái này và là hiện trường nghiên cứu loài voọc quần đùi lớn nhất của Việt Nam vì có số lượng cá thể lớn, dễ quan sát nhất so với các sinh cảnh của voọc quần đùi ở địa phương khác.


Hệ sinh thái thực vật tại Vân Long có 722 loài. Trong đó 687 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 451 chi, 144 họ và 35 loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996) là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán, Sưa Bắc bộ. 

Vân Long cũng có khả năng hình thành được một vườn chim vì có 100 loài, 39 họ, 13 bộ chim và hiện nay có hàng vạn con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. 


Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ.

Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy. 


Khu Vân Long có 1000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250m, cao 8 m, rộng 10m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng…