Thái Lan chưa bao giờ ngưng là điểm đến siêu hot với du khách, đặc biệt là giới trẻ hoặc dân “sành” du lịch. Còn gì thú vị hơn khi khám phá xứ sở Chùa Vàng kết hợp với việc trải nghiệm các địa điểm diễn ra lễ hội Songkran Thái Lan 2023, tìm hiểu ngay bài viết sau đây để không bỏ lỡ bất cứ hoạt động vui chơi nào tại đây nhé!
Lịch sử lễ hội té nước Songkran ở Thái
Lễ hội té nước độc đáo của Thái Lan (Ảnh: Sưu tầm)
Nếu như Tết Nguyên Đán là lễ hội mừng năm mới lớn nhất ở Việt Nam thì ở Thái Lan sẽ tổ chức Lễ hội té nước Songkran để cầu chúc cho một năm mới nhiều bình an, may mắn. Lễ hội té nước ở Thái Lan bắt nguồn từ tiếng Phạn có nghĩa là “con đường chiêm tinh”, và được tổ chức theo Phật lịch với ý nghĩa mừng năm mới từ ngày 13 – 15/4 dương lịch hằng năm.
Trong lễ hội này, người dân Thái Lan có một niềm tin rằng nước sẽ giúp họ thanh tẩy đi những điều không may mắn trong năm cũ. Hành động té nước, phun nước vào người đối diện là để giúp gột rửa đi những điều xưa cũ, rửa trôi những muộn phiền, xui rủi của năm cũ để cùng chào đón những điều mới của một năm mới sắp đến. Thời gian trước, lễ hội té nước thường chỉ diễn ra với quy mô nhỏ, thường trong các gia đình, bạn bè và người thân. Tuy nhiên hiện giờ nó đã trở thành hoạt động quen thuộc của cả khách du lịch trên khắp thế giới khi đến Thái Lan dịp Songkran.
Khám phá lễ hội té nước ở 3 thành phố lớn
Khám phá lễ hội té nước “vui hết nấc” tại Thái Lan (Ảnh: Sưu tầm)
Bangkok là thủ đô của Thái Lan, vì vậy nên lễ hội té nước Songkran cũng được tổ chức một cách hoành tráng, ở những địa điểm chính của thành phố, nhộn nhịp nhất có thể kể đến như đường Khao San, Quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, đường Phra Athit, Santichaiprakarn và Wisut Krasat. Đến Bangkok vào dịp này, bạn hãy hòa mình vào dòng người đông đúc đang thi nhau bắn nước tung tóe vào người, bạn sẽ được tưới mắt dưới cái nắng oi bức mùa hè.
Khác với không khí tấp nập ở Bangkok, Songkran ở Chiang Mai thường bắt đầu từ ngày 12/4, tức là trước 1 ngày so với ngày truyền thống tổ chức. Đây là dịp mà tất cả người dân ở đây sẽ xuống đường, trên người trang bị những “vũ khí nặng đô” như súng, xô, chậu và tất cả đều được lấp đầy bởi dòng nước mát mẻ. Du khách có mong muốn được hòa mình vào thời khắc lễ hội ở Chiang Mai có thể sắp xếp lịch trình di chuyển từ ngày 12/04 để có được những trải nghiệm lễ hội trọn vẹn nhất.
Nhận xét về lễ hội ở Chiang Mai, nhiều du khách bày tỏ sự thích thú vì họ cho rằng lễ hội ở đây vẫn giữ nguyên vẹn nét truyền thống của người Thái, chưa bị “quốc tế hóa” như những khu vực trung tâm nơi mà du khách nước ngoài thường tập trung đông đúc.
Cuối cùng là lễ hội Songkran ở Phuket, không khí ở đây lại mang một màu sắc riêng biệt. Người dân ở đây sẽ đề cao lễ thăm hỏi người thân và cầu nguyện cho những điều trong năm mới, đây cũng chính là hoạt động quan trọng nhất trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt, dân địa phương có thể dùng nước hoa để lau nhà, tượng phật và khu vực bàn thờ, điều này chứng tỏ những ước muốn về sự may mắn, an lành.
Khách du lịch khi đến với Phuket ngoài việc tham gia vào lễ hội còn có thể tham gia đóng góp từ thiện, chiêm ngưỡng lễ rước Phật dọc bãi biển Patong và vảy nước hoa vào người lớn tuổi để bày tỏ sự biết ơn và lòng tôn kính.
Theo travel.com.vn