Gần đây các du khách trên thế giới đang tìm đến các nước Đông Nam Á để tham quan du lịch và Thái Lan là một trong những thị trường sôi động nhất. Thái Lan nổi tiếng với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giao thông thuận tiện và đặc biệt người dân vô cùng ôn hòa, hiếu khách. Tuy vậy, lịch sử với rất nhiều trận biểu tình bằng việc chia phe theo màu áo, đây là một trong những vấn đề nhạy cảm du khách cần lưu ý khi du lịch Thái Lan. Để tránh gặp các vấn đề không may có liên quan đến lịch sử và chính trị Thái Lan, các bạn khi đến du lịch Thái Lan tránh mặc những màu áo dưới đây theo dạng nhóm nhỏ hoặc theo một tập thể.
1. Màu vàng
Những người mang áo vàng là nhóm người thuộc Liên minh Dân chủ vì Nhân dân (PAD) được coi là phe có mối quan hệ thân thiết với hoàng gia, giới doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu thành thị, có chủ trương chống lại Thaksin - người đứng đầu tập đoàn Shin kiểm soát công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Thái Lan Avanced Info Service (AIS) và là cựu thủ tướng vương quốc Thái Lan.
Phe áo Vàng Thái Lan (Ảnh: Sưu tầm)
Phe áo vàng đã tràn ra đường biểu tình vào năm 2005 để phản đối việc Thaksin đắc cử lần thứ hai, họ cho rằng kết quả bầu cử này có vấn đề và đang biểu hiện cho sự gian dối cũng như bất trung với đức vua Bhumibol Adulyadej. Cuộc biểu tình này đã dẫn đến cuộc đảo chính không đổ máu vào năm 2006. Sau đó, khi đảng thân Thaksin được bầu lên, họ đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trong 193 ngày vào năm 2008, và góp phần hạ bệ hai thủ tướng.
2. Màu đỏ
Đây là phe tự nhận đại diện cho nông dân và tầng lớp lao động thành thị, những người rất phẫn nộ khi chính trị bị can thiệp bởi những tầng lớp quyền lực như tòa án, doanh nghiệp lớn và các vị tướng trong quân đội. Có một vài giả thiết giải thích vì sao họ lại chọn màu đỏ? Màu đỏ mang ý nghĩa là dừng lại và kết thúc, có nghĩa là tình hình chấm dứt theo phe áo vàng. Đồng thời màu đỏ cũng mang ý nghĩa của sự hy sinh và đại diện cho dân tộc như quốc kỳ Thái Lan.
Phe áo Đỏ Thái Lan (Ảnh: Sưu tầm)
Mặc dù bị coi là những người biểu tình được tài trợ bởi ông Thaksin, các cuộc biểu tình của phe này khá yên bình và đã thu hút được 150.000 người tham gia. Kết quả của cuộc biểu tình, họ đã chiếm đóng các khu vực trung tâm lịch sử của Thái Lan ở thủ đô Bangkok, sau đó đi tới những khu trung tâm mua sắm và khách sạn cao cấp.
3. Màu hồng
Song cục diện Thái Lan giai đoạn hỗn loạn về chính trị không chỉ có hai màu áo Vàng và Đỏ. Vào năm 2010, người ta lại chứng kiến những đám đông người biểu tình mặc áo màu hồng, gọi là phe Áo Hồng (Pink Shirt). Đây là những người dân Bangkok cảm thấy những cuộc biểu tình liên miên của phe Áo Đỏ gây nhiều phiền nhiễu cho cuộc sống thường ngày của họ.
Phe áo Hồng Thái Lan (Ảnh: Sưu tầm)
Mặc dù những người này không tự nhận mình là phe Áo Vàng, nhưng giới bình luận quốc tế đều cho rằng họ thực chất thuộc về phe Áo Vàng. Họ là doanh nhân, tiểu thương, công chức sinh sống tại thủ đô và ủng hộ hoàng gia. Tuy nhiên, họ không manh động mà chỉ xuống đường biểu tình hòa bình, kêu gọi phe Áo Đỏ về nhà.
Bản thân sự ra đời của chiếc áo hồng cũng nói lên điều đó. Vào năm 2006, để kỷ niệm 60 năm ngày nhà Vua đăng quang, nhiều người Thái đã mặc áo màu vàng (màu biểu tượng của Phật giáo) vào mỗi thứ Hai hàng tuần để tỏ lòng tôn kính nhà Vua. Nhưng vào năm 2007, giới chiêm tinh học phán rằng màu hồng mới là màu tốt đẹp, hưng thịnh cho năm 80 tuổi của nhà Vua. Thế nên, vào ngày xuất viện sau hơn ba tuần chữa trị bệnh nhiễm trùng ruột, nhà Vua bất ngờ xuất hiện mặc chiếc áo màu hồng. Vậy là từ đó, người Thái bắt đầu mặc áo hồng để tỏ lòng tôn kính nhà Vua.
Các tour du lịch Thái Lan sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị, tuy vậy trong hành trình đi không nên mặc những màu sắc quá 20 người..
Nguồn travel.com.vn