Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Thị trấn Pai quyến rũ của miền bắc Thái Lan

Tôi đến Pai - thị trấn nhỏ nằm yên bình giữa thung lũng xanh bạt ngàn và phong cảnh hữu tình miền bắc Thái Lan. Pai có rất nhiều resort cao cấp và nhà nghỉ bình dân đáng yêu và ấm cúng.



Tới Pai, bạn hãy tận hưởng cuộc sống thật chậm, thật bình thản. Sáng sớm thức dậy trong không khí lành lạnh, ngắm mây bảng lảng quanh núi đồi, uống một ly trà hoặc một ly cà phê nóng, thưởng thức khoảnh khắc bình yên thật là sảng khoái. 


Pai lúc này mờ mờ ảo ảo, nắng xiên len lỏi, đẹp đến bất ngờ. Bạn hãy thong thả thưởng thức bữa sáng của mình. Từ 10h trở đi Pai mới bắt đầu đông vui nhộn nhịp. Bạn có thể thuê xe đạp, nhởn nhơ đạp xe trong cái thời tiết nắng nhưng se lạnh qua các vùng đồi núi. 

Trên đường khám phá bạn có thể dừng lại bất cứ quán cà phê xinh xắn nào bên đường để nghỉ ngơi và ngắm nhìn cảnh đẹp xung quanh. Bạn cũng có thể thuê xe máy để khám phá những chỗ xa hơn như Pai Canyon. 

Dọc đường tới Canyon có rất nhiều quán cà phê, khu vui chơi đầy màu sắc, xinh xắn… để ghé qua. Nếu ở Pai nhiều ngày có thể chơi bè tre (bamboo rafting), rafting, cưỡi voi, trekking quanh rừng... rồi cuối cùng lại tấp vào một quán cà phê hay ở ngay trên Canyon để ngắm ánh nắng hoàng hôn ngọt ngào, vàng ruộm hít hà cái lạnh bắt đầu buông xuống ở Pai.


Bên dòng sông Pai bình yên 


Cà phê Coffee in love ở Pai


Chơi bè tre ở Pai 


Chơi white rafting ở Pai


Cùng thư giãn và ngắm hoàng hôn ở Pai Canyon


Góc nhỏ đáng yêu trong một quán ăn 

Pai đặc biệt nhộn nhịp vào ban đêm. Chợ đêm náo nhiệt với rất nhiều thức ăn, đồ uống được chế biến và bày biện rất nghệ thuật, hàng hóa lưu niệm, những tấm postcard xinh xắn. Những quán ăn được thiết kế rất thanh lịch, bao bọc xung quanh bằng rất nhiều hoa, nến. 

Các quán bar, pub dọc theo những con đường với không khí rất vui nhộn. Nếu bạn đi bộ mỏi chân thì hãy ghé vào những quán massage Thái với giá rất rẻ, nhân viên thân thiện nhiệt tình và kỹ thuật massage rất tốt.

Pai nhỏ nhưng đáng yêu với những cửa hàng lưu niệm xinh xắn, những thùng thư màu mè, những hình vẽ trên tường dễ thương. Đi tới đâu bạn cũng sẽ thấy những lời có cánh và tràn ngập yêu thương như Pai in love, Coffee in love, just Pai, Memory in Pai... 

Người dân ở đây rất tài tình khi biến Pai thành một nơi độc đáo, xinh xắn và thu hút như thế này.


Một quán ăn bình dị ở Pai


Một quán cà phê có view đẹp


Những nhà nghỉ được bao bọc...bởi những vườn hoa tím Ảnh Dương Quán Hạ


Quán cà phê bên sông Pai nhỏ xinh

Tôi chỉ ở Pai ba ngày nhưng tôi thật sự đã phải lòng Pai. Tôi nhớ từng căn nhà nhỏ trong một rừng hoa tím, những giàn hoa màu da cam rực rỡ trong nắng, những góc ngồi ăn sáng dễ thương. 

Pai đẹp giản dị, mộc mạc theo cách riêng của mình. Ngày lên xe rời Pai, tôi luôn tự nhủ mình sẽ quay lại để được phải lòng Pai thêm nhiều lần nữa.

Thông tin thêm

- Từ Việt Nam bạn có thể đáp chuyến bay thẳng tới Chiang Mai. Từ Chiang Mai có thể đi xe buýt tới Pai, thời gian di chuyển mất khoảng 3 tiếng.

- Thời tiết ở Pai tháng 2 ban ngày thì nắng nhưng ban đêm và sáng sớm trời se lạnh nên cần mang theo áo khoác.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Đảo ngọc Phú Quốc nhìn từ trên cao

Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu làm xiêu lòng du khách bởi biển xanh, gió mát, hoàng hôn tuyệt đẹp. Nhìn từ trên cao hòn đảo này càng thêm thu hút.


Bờ tây đảo Phú Quốc sầm uất nhất bởi đây là nơi tập trung đông dân cư cùng hệ thống giao thông thuận tiện.



Đến Phú Quốc nhiều du khách không thể không ghé thăm mũi Gành Dầu ở phía bắc hòn đảo. Nơi đây mang vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng rất riêng với những bãi cát trắng, sóng biển rì rào nhẹ vỗ bờ.


Gành Dầu là nơi tập trung nhiều dân cư chỉ sau Dương Đông. Dân số đô thị và các trung tâm xã tại Phú Quốc dự kiến khoảng 110.000-120.000 người tới năm 2010 và 200.000-250.000 người vào năm 2020.


Bãi biển Gành Dầu uốn cong mềm mại như hình vành trăng lưỡi liềm dài hơn nửa cây số, được bao bọc bởi hai vồ núi nhô ra như đôi cánh hải âu. Ở đây cát trắng mịn màng, sóng xanh êm trải vỗ về, nước trong vắt nhìn thấu đáy.


Đứng từ mũi Gành Dầu, bạn có thể trông thấy hòn Nần hay Kaoh Ses và núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia. Thấp thoáng xa về phía Tây là hòn Nần, trông như một hòn non bộ xinh xắn nổi lên giữa biển khơi.


Có 4 cung đường chính ở Phú Quốc trong đó tuyến bắc đảo từ mũi Gành Dầu đến Làng chài Rạch Vẹm là phổ thông nhất (hay còn gọi là TL45).


Cầu tàu tại mũi Dinh Cậu, nơi đón khách đi tham quan một số hòn đảo ở phía tây Phú Quốc.


Mũi Dinh Cậu nằm ngay cửa sông Dương Đông.


Khu di tích Dinh Cậu tại mũi đá từ rất lâu với kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đây là miếu thờ Long Vương - thần sông nước của người dân miền biển để cầu mong mọi sự an lành trong những chuyến ra khơi. Để lên di tích Dinh Cậu du khách phải trải qua 29 bậc thềm bằng đá với hai bên là những cụm cây xanh tốt.


Dọc bờ biển phía tây đảo Phú Quốc hầu như đã kín các resort, khách sạn, ở bãi biển luôn đông đúc du khách, chủ yếu là người nước ngoài.


Bãi Dài là trung tâm của tất cả các hoạt động du lịch tại đảo ngọc. Bạn có thể tắm biển, lặn biển, chèo thuyền kayak, lướt sóng tốc độ cao tại đây.


Bãi Xếp ở An Thới, phía nam đảo ngọc với hàng nghìn tàu đánh cá neo đậu. Nơi đây sở hữu không gian thiên nhiên tuyệt đẹp hoang sơ và yên tĩnh. Ở đây, không có sự ồn ào như những vùng đất khác thuộc huyện đảo của Kiên Giang.


Cũng ở khu vực An Thới, những dự án khách sạn 5 sao đầu tiên đang được đầu tư xây dựng cùng hệ thống đường xá hiện đại dẫn từ ngoài tới sát bờ biển.


Đảo Hòn Thơm với tuyến cáp treo dài nhất thế giới, nối thị trấn An Thới.


Cảng An Thới là nơi tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài ra vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách và thực hiện các dịch vụ hàng hải khác.


Đây là cảng giao thông thương mại với năng lực thông quan 280.000 tấn hàng hóa và 440.000 hành khách/năm. Cảng gồm 2 khu chức năng: khu cảng đầu mối gồm cầu dẫn dài 132 mét, rộng 8,5 m và cầu chính dài 100 m, rộng 15 m có thể cùng lúc cập một tàu 3.000 tấn, một tàu 2.000 tấn và tàu chở khách ven biển có sức chở 200-300 khách.

Hai năm trở lại đây, Phú Quốc đang chuyển mình để trở thành điểm đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sánh ngang với Bali, Phuket. Theo Tổng Cục thống kê, tính đến hết tháng 9, đảo ngọc đã đón 2,7 triệu du khách với doanh thu ước đạt trên 2.800 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đón 2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017 mà Kiên Giang đề ra.

Theo news.zing.vn



Những điều con gái cần nhớ khi leo núi mạo hiểm

Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy mạnh mẽ vì đam mê, khát khao. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ có một sinh mạng, hãy biết đi du lịch có trách nhiệm và luôn đặt sự an toàn lên trên hết.

Tôi từng sợ leo núi, từng rơi vào những hoàn cảnh cận kề cái chết. Tôi tin rằng, một cô gái khi lựa chọn đi những cung đường nguy hiểm thì nên có quan điểm đúng đắn để tránh rủi ro.

Chủ động tìm hiểu và chuẩn bị 


Leo núi là chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro, gian khổ. Trekking đường dài với thời gian bó hẹp, leo vách, vượt dốc, băng rừng, lội suối. Những tình huống như bị ngã, gãy tay, gãy chân, chảy máu, say độ cao, trượt vách, đói, khát, gặp mưa đá… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là phải tự tìm hiểu độ khó của ngọn núi sắp leo có nguy hiểm, cung đường dài thế nào, sức mình có leo được không hay vị trí núi ở đâu, di chuyển đến đó ra sao. 

Sau khi nắm được thông tin về ngọn núi sắp leo, ta nên dự phòng cần chuẩn bị những gì. Thời tiết ngày leo có nắng, có mưa thì mang theo kem chống nắng, mũ, bộ áo mưa, túi bọc, balo… Thời gian leo dài ngày thì chuẩn bị vừa đủ quần áo, không quá nhiều để bớt nặng. Mùa lạnh leo núi cần mang đủ áo giữ nhiệt, biết mình có những bệnh gì thì mang theo thuốc. Đêm trong rừng dễ bị cảm, hãy mang miếng dán nhiệt, thuốc cảm cúm, viên sủi…

Tìm kiếm bạn đồng hành phù hợp, đáng tin cậy 


Tôi từng leo núi với những người không quen, vẫn biết sẽ có nhiều điều thú vị và có thêm bạn bè. Nhưng đến giờ, tôi nghĩ đơn giản rằng, hành trình mạo hiểm thì bạn đồng hành rất quan trọng. Vì vậy, bạn cũng nên lựa chọn kỹ. 

Có thể không tìm được bạn bè thân quen đi cùng, phải đi với những người xa lạ, nhưng hãy tìm hiểu kỹ người đó, xem họ có kinh nghiệm và là người trách nhiệm không. Bởi khi khó khăn đến, chỉ dựa vào nhau mới vượt qua được tất cả. Hãy tìm hiểu họ có phải người xấu hay không (yêu râu xanh, trộm cướp…). Khi leo núi, là con gái, bạn rất dễ trở thành đối tượng bị hại.

Hãy biết lượng sức mình 


Leo núi không giống trong phim Hàn, đừng hy vọng một cô gái yếu đuối, leo được một quãng bị mệt và chờ soái ca cõng, đeo hộ balo đầy lãng mạn… Ai cũng mệt, cũng đeo trên vai mười mấy kilogam hành lý, porter thì đeo đồ ăn, lều trại cho cả đoàn. Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, tự nỗ lực và cố gắng. 

Ta không nên trở thành gánh nặng cho người khác. Bạn không thể tiểu thư, sợ chết mà kéo theo cả đoàn phải chờ đợi, phải chịu nguy hiểm cùng bạn. Có những cô gái sợ ướt chân nên không lội suối, sợ xước tay nên không bò qua bụi, sợ bẩn nên không dám ăn, sợ côn trùng nên không dám nằm lều… Dù bạn là thân con gái, yếu đuối nhưng đây là sự lựa chọn của bạn. Bạn đã quyết định leo núi, thì phải tự có trách nhiệm với chính mình. 

Nếu sức khỏe yếu, trước khi lên đường, bạn hãy chăm chỉ tập luyện. Trên mạng có vô vàn bài tập, hay đơn giản là chạy bộ mỗi ngày, sức bền lên rất nhanh. Tôi từng không chạy được nổi 1/4 vòng hồ, nhưng vì muốn leo núi, tôi đành phải chạy. Dần dần, sức bền tốt hơn, tôi không còn sợ leo núi nữa.

Dù tinh thần bạn mạnh mẽ đến đâu thì cũng phải có sức khỏe. Không có điều kỳ diệu nào xuất hiện nếu bản thân không tự luyện tập. Và leo núi không dành cho những cô gái vàng ngọc, tiểu thư, sợ bẩn, sợ đau, sợ bị sẹo. Vượt qua những nỗi sợ đó, bạn sẽ có những điều vô cùng tuyệt vời sau mỗi lần chinh phục thành công một ngọn núi. 

Biết giúp đỡ bạn đồng hành 


Dù là con gái, sức khỏe không "trâu bò" bằng cánh đàn ông, nhưng hãy cố gắng giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng có thể. Ví dụ, đến điểm nghỉ chân, mọi người dựng lều, dọn đồ, bạn có thể nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn. Đừng ngồi một chỗ trong khi tất cả đều đang làm việc. Leo núi, bạn cần chia sẻ công việc, giúp đỡ lẫn nhau để mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đoàn kết. 

Không leo núi với tâm lý bất ổn 


Nếu bạn đi leo núi, đừng để bị phân tâm hoặc chỉ nghĩ đến chuyện đau khổ. Bỏ nỗi đau đó xuống, và lên đường với tâm lý lạc quan. Để làm gì? Để bạn có thể nhìn ngắm những thứ xinh đẹp xung quanh mình, con suối, ngọn thác, cánh rừng, nhành hoa, biển mây và cả những người bạn thú vị đồng hành cùng mình nữa. 

Nhiều cô gái tưởng rằng, đau khổ mà đi leo núi thì sẽ quên sạch sẽ. Ôm nỗi đau để đi leo núi, bạn sẽ mất tập trung, khuôn mặt buồn rầu và "có lỗi" với cảnh đẹp. Trong một phút giây nào đó, có thể vì tinh thần bạn không thoải mái, mất tập trung mà sẩy chân ngã thì sao? 

Ta đừng lên đường với một trái tim đau


Và điều cuối cùng, tôi biết, những người bạn có đam mê leo núi, chinh phục thử thách và vượt qua giới hạn bản thân đều có nhiệt huyết và cá tính rất đẹp. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, hãy mạnh mẽ vì đam mê, khát khao. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ có một sinh mạng, hãy biết đi có trách nhiệm và luôn đặt sự an toàn lên trên hết. Nếu bạn tử nạn, thì nỗi đau để lại cho gia đình và bạn bè là vô cùng lớn, còn bạn chết rồi thì có biết đau đớn là gì? Đi nhưng phải trở về nhé những người bạn yêu leo núi, và đặc biệt là những cô gái thích phiêu lưu. 

Theo Zing News

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Karkade – Loại trà nổi tiếng ở Ai Cập làm từ hoa dâm bụt

Trong khi ở Việt Nam dâm bụt chỉ được trồng làm hàng rào hoặc để trẻ em miền quê chơi đồ hàng thì ở Ai Cập và các nước Trung Đông, hoa dâm bụt được phơi khô làm thành trà gọi là Karkade rất nổi tiếng.


Hoa dâm bụt phổ biến nhất là màu đỏ nên hầu như món uống Karkade ở Ai Cập cũng mang màu sắc đặc trưng này. Do có công thức chế biến đơn giản nên món trà dâm bụt này được người Ai Cập rất ưa chuộng vào mùa hè.


Để làm món này, đầu tiên, hoa dâm bụt tươi sau khi được hái rời khỏi cây thì người ta sẽ ngắt bỏ phần nhụy và đế hoa rồi rửa cho thật sạch. Sau đó, người ta cho hoa vào một bình lớn và cho nước sôi vào. Khi nước sôi vừa chạm vào hoa thì hoa bị héo ngay, đồng thời tiết hết chất trong cánh hoa ra ngoài nước khiến nước đổi sang màu đỏ sẫm nhanh chóng.

Sau khi trà nguội, thêm một ít nước cốt chanh vào. Khi thêm chanh, trà sẽ chuyển từ màu đỏ sậm sang màu đỏ tươi. Khi chế biến món uống Karkade này thì tùy theo khẩu vị mà người ta sẽ cho thêm lượng đường phù hợp. Tuy nhiên, lượng đường bao nhiêu cũng không quá quan trọng vì sau đó bạn có thể thêm đường hoặc thêm nước là có món uống vừa miệng ngay. Hỗn hợp sau khi làm xong có thể uống luôn hoặc cất trong bình, giữ tủ lạnh để uống trong vòng 1 tuần. Không nên để nước Karkade lâu hơn vì nó có thể lên men.



Ngoài cách chế biến trực tiếp từ hoa tươi thì người Ai Cập còn sử dụng hoa dâm bụt phơi khô cũng rất phổ biến. Thậm chí, hoa dâm bụt khô còn được bày bán nhiều ở các chợ truyền thống.

Thức uống Karkade phổ biến ở Ai Cập không chỉ nhờ hương vị thơm ngon mà nó còn được xem là loại trà tốt cho cơ thể. Loại nước này có màu đỏ tươi hấp dẫn, khi uống có vị ngọt, thơm và mát. Người Ai Cập còn cho rằng Karkade có tác dụng điều hòa huyết áp, lợi tiểu và là nguồn vitamin C dồi dào cho cơ thể.

Kể từ thời Ai Cập cổ đại, Karkade đã được coi như một loại nước giải khát để uống trong những dịp đặc biệt như đám cưới, tiệc tùng. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy Karkade ở khắp mọi nơi trong Ai Cập hiện đại, từ các nhà hàng cho đến quán cà phê. Các khách sạn ở Ai Cập thì dùng Karkade như một loại nước chào mừng du khách khi đến thăm đất nước Ai Cập.


Theo Wanderlust Tips

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Khám phá ngôi chùa 2500 tuổi dát 90 tấn vàng ở Myanmar

Nhắc tới Myanmar chắc chắn không thể bỏ qua ngôi chùa Shwedagon – một trong những biểu tượng linh thiêng và hoành tráng bậc nhất của đất nước này.


Chùa Shwedagon (Shwedagon Zedi Daw hay Chùa Vàng) nằm ở thành phố Yangon, được coi là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của đất nước Myanmar. Tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara ở Yangon, phía bắc là hồ Kandawgyi, chùa Shwedagon đầy uy nghi được coi là niềm kiêu hãnh của Myanmar và được đánh giá là một trong những kiệt tác của thế giới.

Tại đây lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.

Chùa lại nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon. Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp sư tử thần (chinthe) canh gác. Lối phía đông và phía nam có rất nhiều cửa hàng bán dụng cụ thờ Phật và dụng cụ tu hành. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân thứ hai của Phật, tức là Phật Câu Na Hàm.
Quần thể Chùa Vàng Shwedagon bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 98m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Ban đầu, tòa tháp được xây bằng gạch, và chỉ cao khoảng hơn 20m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ 18 đã đạt chiều cao 98m như hiện tại.


Stupa còn được gọi là tháp, phù đồ, hay thạt theo truyền thống Phật giáo là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi hay để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Ở chùa Shwedagon, stupa cao 98m, có đế bằng gạch, dát vàng bên ngoài. Trên đế là sân hiên mà chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào. Tiếp theo là phần hình chuông của stupa. Trên phần hình chuông là phần mũ. Trên phần mũ là phần giả như các cánh sen. Trên phần giả các cánh sen là phần có hình dáng hoa chuối, rồi trên nữa là phần hình vương miện. Phần hình vương miện còn gọi là lọng (hti) được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15g). Ấn tượng hơn toàn bộ sutpa ở Shwedagon được dát một lớp vàng ròng bên ngoài, mỗi lá vàng có kích thước khoảng 20x20cm, được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống và được gắn vào phần thân bằng đinh tán. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để giát vào tháp. Việc dâng vàng này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu. Theo thống kê, nửa dưới của stupa được dát 8.688 lá vàng, còn nửa trên là 13.153 lá vàng.

Chùa Shwedagon được trùng tu nhiều lần sau ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt khi chùa chịu ảnh hưởng của ít nhất 8 trận động đất vào thế kỷ 17. Hình dáng chùa hiện nay được xây lại sau cơn địa chấn năm 1786 từng khiến nửa trên của chùa sụp xuống.
Chùa Shwedagon từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanmar. Khi vào chùa phải cởi giày dép.  Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.

Dù là ban ngày dưới ánh nắng mặt trời hay khi đêm xuống dưới ánh đèn rực sáng, toàn bộ khuôn viên chùa và đặc biệt là ngọn Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. Tuy nhiên, với phần lớn người dân Myanmar cũng như khách du lịch, thời điểm chiêm ngưỡng Shwedagon tuyệt nhất có lẽ là vào lúc chiều tà, khi ấy cả stupa dát vàng rực rỡ nổi bật trên nên trời xanh thẫm.


Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Khám phá con đường tâm linh đẹp kỳ vĩ trên đỉnh Fansipan

Đại tượng Phật A Di Đà hướng ánh mắt về trần thế, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đẹp kỳ vĩ trên mỏm núi đá... Quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Fansipan đẹp tựa chốn thiên đình.




Từ ga đi, di chuyển trên cabin cáp treo khu du lịch Sun World Fansipan Legend mùa này, du khách cảm giác như được cưỡi mây lên tới đỉnh trời. Vượt qua ba tầng mây phủ, trời xanh ngăn ngắt, nắng vàng buông tỏa khắp không gian, thấy Đại tượng Phật A Di Đà sừng sững nhìn xuống nhân gian độ lượng nhân từ.     


Với chiều cao 21,5 m, đây là bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Và đây cũng là điểm đến đầu tiên trên hành trình du khách khám phá “con đường tâm linh” kỳ vĩ, linh thiêng nơi nóc nhà Đông Dương.


Con đường La Hán chạy vòng ôm đỉnh núi. Dạo bước tại nơi này, du khách thỏa sức ngắm nhìn sân mây trắng như bông ngay dưới chân mình và những kiệt tác kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan như quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự, bảo tháp 11 tầng bằng đá nguyên khối, chòi vọng cảnh bên đường và tượng Quan thế Âm Bồ Tát.    


Đặc biệt, đây là nơi hội tụ 18 tượng La Hán bằng đồng cao tới 2,5 mét cùng những gốc đỗ quyên cổ thụ 400-500 tuổi đẹp nhất Hoàng Liên Sơn. Trên vòm cây, hàng trăm nụ hoa đang chúm chím chực bung nở trong những ngày xuân sang, Tết đến.


Tọa lạc phía cuối đường La Hán, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng, cao 9m, ngự trị trên một tảng đá vươn cao ngay phía trước Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Thành tâm kính lễ đức Quan Âm, du khách không quên cầu an lành, sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình và người thân.


Phía cuối hành trình trải nghiệm con đường tâm linh là quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự - công trình lớn nhất trong phức hợp các công trình văn hóa tâm linh Fansipan. Được thiết kế theo phong cách kiến trúc chùa gỗ Việt từ thế kỷ 15-16, nhìn từ xa, Kim Sơn Bảo Thắng Tự như một ngôi đại tự tọa lạc trên đỉnh núi cao, nơi hội tụ những mạch nguồn linh thiêng của đất nước.


Phong cách chủ đạo của kiến trúc công trình được khai thác từ những tiền mẫu di tích kiến trúc gỗ có niên đại sớm nhất. Kim Sơn Bảo Thắng Tự chỉ có 5 gian, cao dưới 10 m. Sân thềm rộng dưới 30 m. Các đường lên chia nhỏ từng đoạn ngắn, có chiếu nghỉ, bám vào thế đất tự nhiên, làm nên vẻ đẹp hài hòa trong tổng thể cảnh quan thiên nhiên rộng lớn.     


Nơi linh thiêng ấy, sắc xuân bừng nở trên những cánh đào. Đào ở Fansipan nhiều loại lắm, chỉ tới Sun World Fansipan Legend để chiêm ngưỡng vườn đào trên lối vào khu du lịch, hay những cây đào quý ở khu vực tâm linh, cũng đã thấy hành trình du xuân nơi miền Tây Bắc này thật sự viên mãn. 


Chưa hết, Tết này, đến Sun World Fansipan Legend còn là để hòa mình vào một miền lễ hội Sắc xuân Tây Bắc đậm chất vùng cao, với tiếng khèn, điệu múa mê hoặc, với những trò chơi dân gian đặc sắc, với những đặc sản thử một lần rồi nhớ mãi.


Du xuân nơi đỉnh thiêng dân tộc, chiêm bái quần thể tâm linh và cầu bình an cho một năm mới, và nếu may mắn sẽ được chứng kiến những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú quanh Đại tượng Phật, hành trình ấy thiêng liêng và ý nghĩa lắm thay.

Theo news.zing.vn

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Những điểm chụp ảnh đẹp dịp Tết Nguyên Đán ở Hà Nội

Phố bích họa Phùng Hưng, Hàng Mã, vườn đào Nhật Tân là những địa điểm giúp khách du lịch có bối cảnh chụp hình đậm chất Tết ở Hà Nội.

Phố bích họa Phùng Hưng


Phố bích họa Phùng Hưng là đoạn đường đầu Phùng Hưng nối liền với chợ hoa Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm. Người dân và du khách vào tham quan, chụp hình miễn phí, nếu đi xe có thể gửi ở đoạn Phùng Hưng giao Lý Nam Đế. Đây là đoạn phố đi bộ mới mở đón khách vào ngày 2/2, hứa hẹn sẽ là điểm hẹn mới cho mọi người khi chơi Tết Nguyên Đán ở thủ đô. Phố có 17 bức tranh tường do các họa sĩ Hàn Quốc vẽ với chủ đề về đời sống và con người Hà Nội xưa. Mới mở cửa được vài ngày nhưng phố đi bộ Phùng Hưng đã trở thành điểm check-in hấp dẫn thu hút giới trẻ thủ đô những ngày giáp Tết. 


Phố Hàng Mã


Len lỏi trong những con phố cổ của Hà Nội dịp Tết Nguyên Đán chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua phố Hàng Mã. Đây là khu phố chuyên bán các mặt hàng vàng mã hoặc đồ trang trí dịp lễ Tết nên màu sắc các gian hàng rất rực rỡ, chủ yếu là sắc đỏ, vàng của những bao lì xì, câu đối, câu chúc Tết, tranh ảnh, đèn lồng... Trang phục chụp Tết được ưa chuộng nhất vẫn là những bộ áo dài truyền thống với những cành đào hồng đi kèm. Là khu phố buôn bán sầm uất nên những ngày này nếu muốn chụp hình bạn hãy chú ý người và xe qua lại trên phố đồng thời không lạm dụng bối cảnh là các gian hàng đang mở bán. Ngoài Hàng Mã, bạn có thể lang thang ở các con phố khác như Hàng Đào, Hàng Khoai, Hàng Lược...

Thung lũng hoa Hồ Tây


Thung lũng hoa Hồ Tây nằm trên đường Nhật Chiêu, quận Tây Hồ vốn là điểm hẹn của những người yêu hoa, yêu nhiếp ảnh, đặc biệt dịp giáp Tết càng trở nên đông đúc hơn. Hiện nơi đây trồng hơn 50 loài hoa với đủ chủng loại, màu sắc và xuất xứ. Nổi bật nhất thời điểm giáp Tết là các loài hoa xuân miền Bắc như đào, hồng, cúc, thược dược, xác pháo... Giá vé cho khách vào tham quan chụp ảnh là 100.000 đồng/người. Du khách có thể thuê trang phục, tổ chức tiệc, đặt món ăn, trẻ em có khu vui chơi riêng. 

Vườn đào Nhật Tân


Đây là địa chỉ thu hút không chỉ người yêu hoa đào ngày Tết muốn tới mua hoa mà cả những bạn trẻ thích du xuân. Để tới vườn du khách tới ngõ 264 đường Âu Cơ và chạy thẳng tiếp là tới. Các chủ vườn ở đây không chỉ trồng hoa để bán mà còn tạo không gian cho khách tham quan chụp hình lưu niệm như các cổng hoa, cầu, xích đu… Giá vé vào cửa ở các vườn hoa dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/ người.

Nằm cuối ngõ 264 đường Âu Cơ, gần với khu vực vườn đào Nhật Tân, là bãi đá sông Hồng cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp hình không riêng gì dịp Tết Nguyên Đán. Dù cách trung tâm thủ đô không xa, nơi đây có một không khí khác hẳn sự xô bồ náo nhiệt của phố thị. Bãi đá sông Hồng rộng rãi, thoáng đãng, có sự kết hợp của thiên nhiên và nhân tạo với nhiều bối cảnh bằng cả hoa tươi, hoa giả hay các đồ trang trí cũ... Chỉ cần mua vé 50.000 đồng/người, bạn có thể cùng người thân, bạn bè có những bộ ảnh đáng nhớ ở đây. 


Chợ hoa Quảng Bá


Là chợ hoa đêm nổi tiếng nhất thủ đô, dịp Tết Nguyên Đán chợ Quảng Bá mở bán cả ban ngày với đầy ắp các loại hoa, cây cảnh miền Bắc như đào, quất... lẫn hoa từ các vùng ven thủ đô, Đà Lạt, miền Nam chở ra cho tới các loại hoa ngoại nhập. Đến đây bạn vừa được thỏa sức chọn lựa những cành đào, cây quất đẹp nhất, vừa có thể chụp ảnh lưu niệm giữa một không khí đậm chất "Tết đến xuân về". Ngày thường chợ đã rất tấp nập dù bán từ nửa đêm tới 3h - 4h sáng, ngày giáp Tết chợ càng thu hút nhiều khách tới mua hoa lẫn chụp hình lưu niệm hơn.

Theo Vnexpress