Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Đổi gió với 4 kiểu du lịch hè không thể bỏ qua

Các chuyến du lịch ngắn ngày hiện là xu hướng được nhiều người ưa thích khi có thể tận dụng kỳ nghỉ cuối tuần với lịch trình linh hoạt.

Theo các chuyên gia, thế hệ X (35-49 tuổi) đang khiến mùa du lịch thêm phần sôi động, khi đây là nhóm chính hướng đến các dịch vụ du lịch và quyết định chi tiêu nhiều nhất cho gia đình. Thành công trong sự nghiệp, thế hệ này có khả năng tài chính và bắt đầu nghĩ đến việc tận hưởng sau thời gian dài cống hiến cho công việc. Cùng với thế hệ Millennials (21-34 tuổi) ưa thích xê dịch, thế hệ X đang góp phần tạo nên 4 xu hướng du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua.

“Short-trip” lên ngôi


“Short-trip” - xu hướng du lịch ngắn ngày đang trở nên phổ biến với du khách. Những chuyến đi thường kéo dài 2-3 ngày được nhiều du khách ưa thích bởi sự thuận tiện, thời gian linh hoạt và có thể tận dụng vào kỳ nghỉ cuối tuần.

Du lịch ngắn ngày không chỉ mang đến sự thuận tiện về thời gian mà còn dễ dàng lên kế hoạch và chi phí hợp lý. Cạnh đó, xu hướng này cũng giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn về các điềm đến và dịch vụ đi kèm. Thay vì dành hết cả tuần tại Đà Nẵng hay Ninh Bình, “short-trip” giúp du khách trải nghiệm hết địa điểm mà mình muốn đến tại mọi thời điểm trong năm một cách linh hoạt.

Du lịch nghỉ dưỡng


Một trong những vấn đề khách du lịch hay than thở là họ bị tăng cân sau những chuyến du lịch dài ngày. Vì thế loại hình du lịch nghỉ dưỡng: du lịch kết hợp với các hoạt động lành mạnh có lợi cho sức khỏe như yoga, đạp xe… đã được ưu tiên lựa chọn.

Năm 2018, xu hướng này được dự báo tiếp tục thu hút du khách. Sau những giờ làm việc căng thẳng, chỉ qua một chuyến bay 2 giờ, bạn và gia đình đã có thể đặt chân đến những chuỗi khách sạn nổi tiếng, những spa yên bình trong các khu nghỉ dưỡng. Hành trình này sẽ giúp bạn xua tan mệt mỏi, đồng thời xóa bỏ nỗi lo tăng cân sau những kỳ nghỉ dài ngày.

Du lịch hành hương


Tại các nước, ngày càng có nhiều người thực hiện chế độ ăn chay vì những lợi ích đối với sức khỏe. Chính vì thế, một chuyến đi dành riêng cho những người ăn chay, kết hợp hành hương được xem là rất hấp dẫn.

Với ẩm thực phong phú cùng vô số đình chùa, nhà thờ trải dài trên khắp cả nước, Việt Nam là một trong những quốc gia được du khách yêu thích cho các chuyến du lịch hành hương, tâm linh. Một chuyến đi thuần túy với các món ăn “không thịt cá” giúp du khách trở nên “nhẹ nhàng” cả về thể chất lẫn tinh thần.

Du lịch khám phá


Không chỉ thu hút các phượt thủ, du lịch khám phá cũng đang là xu thế được người trẻ cũng như các gia đình lựa chọn. Du lịch khám phá ngày nay được hiểu rộng hơn ngoài các loại hình du lịch mạo hiểm. Xu hướng du lịch này sẽ chuyển hướng từ những thành phố lớn, ồn ào sang những vùng ngoại ô, miền quê, miền biển trong lành, mát mẻ.

Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm tinh thần khác biệt mà còn là cơ hội để trẻ em, người thích vận động có thêm cơ hội học hỏi, khám phá văn hóa, ẩm thực tại nhiều vùng miền khác nhau. Cạnh đó, mạo hiểm với tour Sơn Đoòng, các hang động nổi tiếng tại cung đường di sản miền Trung hay không gian văn hóa phía Bắc, phía Nam cũng luôn nằm trong list của khách du lịch.

Theo Kim Ngân

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

8 điều cần nhớ để chuyến du lịch Bali thêm phần trọn vẹn

Bali (Indonesia) sẽ thực sự là thiên đường du lịch trong mùa hè này nếu bạn "nằm lòng" 8 lưu ý sau, từ việc lựa chọn các trải nghiệm đến việc trả giá.



1. Chọn Tây Bali để lướt sóng, chọn Đông Bali để lặn biển: 

Lướt sóng ở Bali là trải nghiệm du lịch nổi tiếng thế giới. Bạn nên chọn các bờ biển phía Tây Bali như Kuta để tận hưởng những lớp sóng đáng kinh ngạc ở đây. 


Trong khi đó, vùng nước tĩnh lặng ở phía Đông Bali lại rất thích hợp cho các hoạt động lặn biển, ngắm san hô như lặn với bình dưỡng khí, hoặc lặn với ống thở và kính bơi.


2. Thuê xe máy để di chuyển: 


Dù lúc đầu sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhất là khi bạn chưa quen với tình trạng kẹt xe ở trung tâm thành phố, song xe máy cho thuê giá rẻ là lựa chọn hợp lý để bạn tự do khám phá Bali. Nhớ kiểm tra bình xăng xe, và đừng quên mũ bảo hiểm.

3. Đừng bỏ lỡ Gilis: 

Quần đảo gồm 3 đảo nhỏ Gilis nằm ngoài khơi phía Tây của Lombok, cách Bali chưa đầy 2 giờ đi tàu. Để tiết kiệm, bạn nên chọn tàu công cộng để ra đảo, thay vì một tàu cao tốc tư nhân.


Đến "thiên đường" Gilis, hãy đạp xe dạo quanh những bờ biển cát trắng tuyệt đẹp ở đây, hay bơi lội dưới làn nước trong xanh cùng những đàn cá nhiệt đới và những chú rùa biển đáng yêu.

4. Xem điệu múa nhảy lửa tại Uluwatu: 


Điệu múa truyền thống nhảy lửa đặc sắc có thể được trình diễn ở mọi nơi, song không có địa điểm nào tuyệt vời hơn cho bạn trải nghiệm này bằng ngôi đền trên đỉnh vách đá cổ Uluwatu, thuộc bán đảo Bukit phía Nam Bali.

5. Chăm sóc sức khỏe ở Ubud: 

Ubud không chỉ là trung tâm văn hóa truyền thống của Bali, mà giờ đây còn là trung tâm của một phong trào chăm sóc sức khỏe toàn diện. Bạn có thể học yoga tại The Yoga Barn, hay ghé nhà hàng The Seeds of Life thưởng thức ẩm thực tươi sống, giải độc.


Đến đây, bạn cũng có thể tản bộ qua các khu ruộng bậc thang nổi tiếng, tham quan Rừng Khỉ, hoặc đi bè trên dòng sông Ayung tuyệt đẹp.


6. Ăn cả thế giới: 

Bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon ở Bali - từ món thịt lợn nướng truyền thống babi guling nức tiếng, đến ẩm thực của nhiều quốc gia khác. 


Nếu đến chợ đêm Gili Trawangan, hãy thử những con tôm nướng tươi ngon cỡ lớn được đánh bắt từ đại dương. Bạn cũng đừng quên món salad Indonesia gado gado với rau và trứng luộc hấp dẫn. 


7. Thận trọng với vấn đề tiền bạc: 


Cố gắng sử dụng máy ATM nếu có thể. Nên tránh những người đổi tiền, vì nếu bạn nhầm lẫn hoặc bất cẩn, họ có thể dễ dàng "qua mặt" bạn mà đổi ít hơn sự thỏa thuận. Nếu cần, bạn nên tự mình tính toán và kiểm tra lại số tiền.

8. Học cách trả giá cho hầu hết mọi thứ: 


Bali, thường sẽ có mức giá cho người dân địa phương, và mức giá dành riêng cho khách du lịch. Nếu khéo léo, bạn có thể mặc cả để có được những món hàng giá hời. Thậm chí cả những dịch vụ tưởng chừng đã cố định giá như khách sạn hay tour du lịch, bạn vẫn linh động thỏa thuận được. 

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Cuối tuần Sài Gòn đổi gió, vi vu khám phá xứ Gò Công

Xứ Gò Công (Tiền Giang) nổi tiếng là quê hương của nhiều nhan sắc nức tiếng Nam Bộ. Nhưng ít ai biết thị xã ven biển ấy cũng có những danh lam thắng cảnh đẹp níu chân bao du khách.

Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, thế hệ trẻ chúng tôi đam mê dịch chuyển đến những nơi xa xôi, xa rời ánh đèn thị thành. Từ những thửa ruộng bậc thang vùng cao Tây Bắc, những bờ biển dọc miền Trung cho tới hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có dấu chân người trẻ. Nhưng hỏi về những vùng đất quanh thành phố, tôi chỉ biết lắc đầu.


Ngôi đình cổ và những dấu tích xưa

Sáng chủ nhật ngồi nhâm nhi cà phê, bất chợt bạn tôi hỏi:

"Ông đi Gò Công chưa?"

"Chưa, có gì ở Gò Công mà đi", tôi đáp gọn gàng.

"Thế đi, đi thử một lần cho biết".

Sẵn có máy ảnh trong tay, tôi với bạn xách xe máy, 2 đứa rong ruổi từ Sài Gòn xuống Gò Công. Thị xã nhỏ thuộc tỉnh Tiền Giang cách Sài Gòn không xa, chỉ khoảng tầm 60 km. Cứ chạy xuôi theo hướng quốc lộ 50, hướng Cần Được - Long An, qua cây cầu Mỹ Lợi là gần tới rồi.

Cảnh sắc 2 bên cũng chuyển dần từ thành thị sang khung cảnh nông thôn Nam Bộ. Từ trên cầu Mỹ Lợi, nhìn thấy ngút ngàn con sông Vàm Cỏ, bỗng dưng tôi nhớ dấu ấn của những bến phà xưa nay không còn nhiều.

Khung cảnh đình Tân Đông nhìn từ xa.

Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi quyết định ghé qua không phải chốn lui tới phổ biển mà là ngôi đình Tân Đông tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông, nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 4-5 km. Ngày cuối tuần, cũng có vài du khách tranh thủ tới đây tham quan, chụp ảnh.

Ấn tượng đầu tiên về ngôi đình là những tán cây cổ thụ xòe rợp bóng, xếp tầng trên những bức tường úa màu thời gian, bong tróc từng mảng để lộ ra hàng gạch đỏ tươi. Vẻ hoang sơ, cổ kính bao trùm lên bóng dáng của cả ngôi đình có lịch sử hơn trăm tuổi.

Các cụ cao niên trong làng kể, ngôi đình xây từ đầu thế kỷ 20, như hàng chữ còn ghi lại trên tường là năm 1907. Trải qua bao thăng trầm lịch sử của vùng đất Gò Công, ngôi đình vẫn đứng vững chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này.

Ngôi đình có tuổi đời 111 năm.

Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh, tôi nhìn quanh ngôi đình không khỏi xót xa. Chẳng còn bóng dáng một ngôi đình được gìn giữ, làm nơi hội họp của dân làng như trước nữa. Giờ đây, chỉ còn gạch ngói hoang tàn đổ vỡ, cỏ dại mọc chen tán cổ thụ. Chỉ sợ có lúc, dấu ấn thời gian kia cũng sẽ biến mất nếu không được trùng tu, bảo tồn.

Gò Công - Thiên đường của những món ăn bình dị đượm nghĩa tình

Rời đình Tân Đông, chúng tôi chạy xe lại vào phía trong thị trấn Gò Công. Nghe ai đi về cũng nói hải sản Gò Công hấp dẫn thơm ngon lắm, lại rẻ nên chúng tôi quyết định ra biển Tân Thành hóng gió rồi dừng chân dùng bữa trưa.

Nam Bộ vào mùa mưa, trời xầm xì nhưng mưa chưa tới, thích hợp để đi dạo bãi biển. Gò Công không nổi tiếng với những bãi biển cát trắng trải dài mà chủ yếu, người dân nơi đây dựng các bãi nuôi nghêu bên bờ biển Tân Thành.

Cây cầu dẫn ra biển Tân Thành, Gò Công .

Chúng tôi đi dọc cây cầu dài dẫn ra bãi biển. Cảnh vật ở đây đìu hiu, quạnh quẽ, xa xa thấp thoáng bóng những chiếc chòi canh nghêu của người dân địa phương. Gò Công sẽ không phải nơi phù hợp cho các gia đình muốn nghỉ dưỡng hay tắm biển, nhưng với những người thích lang bạt, thích tận hưởng không khí biển trong lành mà yên bình thì đây cũng là một lựa chọn không tồi.

Ngắm nhìn cảnh biển nơi đây, ta thấy lòng mình như lắng lại; một khung cảnh rất khác so với Vũng Tàu, Nha Trang hay biết bao vùng biển tấp nập người khác.

Những nhà hàng bên bờ biển được dựng trên cọc gỗ trông hết sức ấn tượng. 

Thong dong ngắm cảnh, ngắm người đi cào nghêu, chúng tôi quay lại một nhà hàng gần đó, gọi một nồi lẩu hải sản thập cẩm. Biển trưa mà mát mẻ, gió thổi lồng lộng, hương vị của những con nghêu, tôm, mực trong nồi lẩu chua cay cũng thơm ngon hơn ngày thường, có lẽ một phần do do hợp khung cảnh. Khu vực này không thu vé vào cửa, giá đồ ăn uống cũng không quá đắt, 2 người với một nồi lẩu hải sản 200.000 đồng là thoải mái.


Quê hương của những công trình lịch sử

Đến Gò Công, bạn không nên bỏ qua những công trình lịch sử như Lăng Hoàng gia, dinh Tỉnh trưởng và nhà Đốc Phủ Hải. Chúng tôi đến đúng ngày Lăng Hoàng gia đóng cửa nên vòng về nhà Đốc Phủ Hải trước. Căn nhà xây từ những năm 1860, trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng, căn nhà có dáng dấp kiến trúc Pháp như ngày nay. Dù nằm giữa trung tâm thị xã, căn nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải vẫn có dáng vẻ trầm mặc.

Chúng tôi là 2 người khách hiếm hoi đến thăm căn nhà lúc bấy giờ. Bên trong nơi đây trưng bày nhiều đồ nội thất có giá trị, pha trộn nét văn hóa Đông Tây.

Nhà Đốc Phú Hải Gò Công. 

Ngồi trò chuyện với người trông nom ngôi nhà một lúc, chúng tôi xin phép rời đi. Điểm đến tiếp theo là Dinh tỉnh trưởng Gò Công - một công trình mang kiến trúc Pháp nhưng cũng đã xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên dinh Tỉnh trưởng rộng rãi, thoáng mát với một căn nhà chính đồ sộ nằm giữa sân. Giờ đây nó giống như một sân chơi cho người dân Gò Công. Khi tôi tới, thấy có vài đám học sinh trung học đang ngồi trò chuyện, chụp ảnh trước dinh Tỉnh trưởng.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công

Công trình rộng hơn 1.000 m2 này cũng được xây từ năm 1885, nghĩa là cũng đã hơn 130 tuổi chứ chẳng đùa. Hóa ra, thị xã ven biển Gò Công này cũng có nhiều công trình lịch sử sánh ngang thành phố hơn 300 năm lịch sử Sài Gòn mà giờ tôi mới hay.

Chạy xe vòng vòng quanh thị xã, kịp chiêm ngưỡng thêm vài nơi như đền Trung, nhà thờ Thánh Tâm thì trời chuyển giông lớn, chúng tôi đành phải tìm đường về lại Sài Gòn trước khi mưa đổ lại mắc kẹt ở đây. Bỏ lại Gò Công đằng sau, tôi vẫn thấy tiếc vì chưa có dịp thử nhiều món ngon địa phương của thị xã này.

Công trình kiến trúc đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Vừa đi vừa ngoái lại, trong đầu vẫn còn văng vẳng câu hát "Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho xuôi về Gò Công...". Xuôi về cái miền đất này một ngày ngắn ngủi mà cũng thấy nhớ đất, nhớ người làm sao. Sẽ có dịp, tôi trở lại Gò Công để thưởng thức phong vị ẩm thực và nhìn ngắm lại cuộc sống yên bình, tươi đẹp nơi đây.

Một góc kiến trúc Pháp thơ mộng tại dinh tỉnh trưởng Gò Công.


Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Tận hưởng trọn vẹn Phượng Hoàng Cổ Trấn với những mẹo sau.

Với kiến trúc mang đậm phong cách của thành cổ, Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) là điểm đến rất “đáng” cho mùa hè năm nay.


Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm phía tây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), là một thị trấn cổ xinh đẹp. Mình thường thích đi du lịch tự túc nên phải tìm hiểu khá kỹ về vé máy bay và visa nhưng lần này, may mắn có dịp tham gia với đoàn cùng chỗ làm nên không phải lo lắng nhiều. Vậy nên, mình sẽ chia sẻ với các bạn những mẹo nhỏ trong chuyến đi, hy vọng giúp ích được cho những ai có nhu cầu.

Thời gian du lịch

Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khoảng tháng 5 đến tháng 11. Theo kinh nghiệm của mình, ở bất kỳ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi vào giữa tuần cho vắng.

Nếu không, bạn hãy chọn thời điểm đi sau những ngày lễ lớn. Mình đi sau Quốc tế Lao động 1/5 nên có những chỗ nghe nói phải xếp hàng đến 2-3 tiếng, còn chúng mình chỉ tốn 10-15 phút là đã vào đến nơi.


Đổi tiền

Phượng Hoàng Cổ Trấn, nếu bạn chỉ đi chơi, chụp ảnh và ăn vài món địa phương thì chỉ cần đổi khoảng 1 triệu đồng là thấy "như đại gia" rồi. Đa số các món ăn ở đây mình nếm đều rơi vào khoảng 5 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ chưa đến 3.600 đồng). Các món quà lưu niệm đều không đặc sắc cho lắm nên mình cũng không móc hầu bao nhiều.

Vé máy bay và visa

Về visa, bạn sẽ mất 3 ngày nếu làm dịch vụ và 1 tuần trong trường hợp tự làm. Xin visa Trung Quốc không quá khó nên bạn đừng lo. Còn như mình làm chung visa với đoàn nên chỉ cần một người đứng ra đại diện là xong.

Về vé máy bay, mình bay hãng China Southern từ Sài Gòn sang Quảng Châu, nối chuyến tới Trương Gia Giới rồi đi xe khách khoảng 4 giờ là tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.


Khách sạn

Điểm đặc biệt cần lưu ý là khách sạn ở Trung Quốc đều không chuẩn bị các dụng cụ cá nhân cơ bản như bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu… Nếu muốn sử dụng, bạn sẽ phải chi trả thêm chi phí ngoài tiền thuê phòng. Còn lại, chỗ ở khá sạch sẽ và không có gì đáng chê trách.

Ngôn ngữ

Không may là ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng thôn quê như Phượng Hoàng Cổ Trấn, hầu hết mọi người đều không ai hiểu và nói được tiếng Anh, kể cả tiếp viên hàng không. Tốt nhất trước khi đi, bạn nên soạn sẵn hình ảnh cần sử dụng (bao gồm cả đồ ăn và địa điểm du lịch) rồi chỉ cho người dân địa phương là họ sẽ chỉ mình nhiệt tình. Các bạn cũng nên ghi lại những địa điểm cần thiết như tên khách sạn, tên đường trong trường hợp cần thiết.

Về chuyện tính tiền, trước khi mua gì, bạn nên chỉ chính xác món bạn muốn mua rồi chìa phần mềm máy tính trên điện thoại ra cho họ bấm. Đồng ý thì giơ tay ra hiệu mình muốn bao nhiêu cái.


Sim và Internet

Mình ở Trung Quốc 5 ngày 4 đêm mà không hề bỏ tiền ra mua sim vì lịch trình đi rất dày, đi ngắm cảnh và chụp ảnh thôi là hết ngày, không có thời gian để "lượn lờ" trên mạng như ở nhà. Bạn bè mình đi trước cũng dặn là không nên mua sim vì sim Trung Quốc bật vào mạng được trong “một hơi thở là đứng hình”. Bạn nên chịu khó dùng wifi ở khách sạn cập nhật tin tức (mạng gần như chỉ đủ để bạn đọc tin và nhắn tin).

Ngoài ra, bạn nên cài sẵn ứng dụng VPN (Virture Private Network) vì Trung Quốc chặn hoàn toàn Facebook và Viber. Ứng dụng này sẽ giúp bạn “vượt tường lửa một cách ảo diệu” để check-in sống ảo trong thời gian còn ở Trung Quốc.

Chụp ảnh

Đây là vấn đề quan trọng mà chắc các bạn cũng quan tâm nhất. Để nổi bật giữa chốn này, bạn nên chọn trang phục các tông màu nóng như đỏ, vàng, cam hoặc màu đậm chất vintage như nâu, xanh coban…


Bạn nên dậy thật sớm, sớm nhất có thể. Khi đó, cả thị trấn này là của bạn. Mình dậy từ 4h30, chuẩn bị xong đến 5h. Lúc dậy trời tối "như đêm 30" và chúng mình chỉ đi theo ánh đèn flash từ điện thoại. Nếu đến Phượng Hoàng Cổ Trấn tối hôm trước thì bạn nên dành thời gian đi hết dọc sông để ngắm chỗ chụp sẵn. Sáng dậy đi ra đúng chỗ "diễn" thôi.


Chụp hình xong, các bạn có thể dùng VSCO để lên màu, đây cũng là bước tối quan trọng để có những bức hình siêu ảo (mình dùng dải màu C - tông vintage để chỉnh hình theo hướng cổ và đượm buồn).

Ăn uống

Mình nghe mọi người nói khi đi nên mang theo ruốc để ăn với cháo trắng vì đồ bên này rất khó ăn nhưng gần như mình chẳng phải đụng đến hộp ruốc này. Đồ ăn ở đây chỉ lạ với khẩu vị người Việt thôi chứ không quá tệ như người ta đồn.



Có hai vị lấn át rõ ràng ở đồ Trung là nhạt và ngấy dầu mỡ. Nếu không quen, các bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy ớn vì họ toàn ăn thịt, mà thịt phải gọi là "mỡ kẹp". Gà bên này chặt như xương vụn. Các món đặc sản bạn nên thử là đậu phụ thối, bánh tép chiên, lẩu cá cay, đồ nướng và kẹo gừng… Đồ ăn mua về làm quà có chân gà sốt cay đóng gói, táo tàu sấy khô và trái cây các loại.

Theo news.zing.vn

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Cayo Santa Maria – hòn đảo hoang sơ nhất Cuba

Hòn đảo nhỏ Santa Maria nằm phía đông bắc Cuba, được bao quanh bởi những dải đá san hô và bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp.


Santa Maria là hòn đảo có vẻ đẹp tự nhiên và ít chịu sự tác động của con người nhất ở Cuba. Khách du lịch đến hòn đảo nhỏ ở phía bắc Cuba này để được đắm mình trong ánh mặt trời, bơi trong làn nước trong xanh lấp lánh, và được nuông chiều tại một khu nghỉ dưỡng trọn gói. Để khám phá văn hóa Cuba, bạn sẽ phải đi xa hơn nhưng nếu bạn chỉ đơn giản là tìm kiếm một kỳ nghỉ nhiệt đới không căng thẳng thì Santa Maria sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.

Bãi biển ở đây được chia thành 9 phần với tổng chiều dài khoảng hơn 12km, lần lượt từ tây sang đông: Playa Matamoros (300m), Playa Madruguilla (200m), Playa Canon (2.8km), Playa La Estrella (3.5km), Playa Las Caletas (1km), Playa La Colorada (1.9km), Playa Perla Blanca (550m), Playa Los Delfines (1,4km) và Playa Las Gaviotas (800m). Bên cạnh đó, gần Cayo Santa Maria cũng có một số bãi biển tuyệt đẹp khác như Playa Salina (2.4km) và Playa Caracol (400m) trên đảo Las Brujas, Playa Ensenachos (1.3km) và Playa Megano (1.0km) trên đảo Ensenachos.

Những bãi biển của đảo Santa Maria nổi bật bởi dải cát trắng, làn nước màu xanh pha lê tuyệt đẹp, tớ đây du khách chỉ muốn nằm dài cả ngày tắm nắng và ngắm những con hải âu ở phía xa chân trời. Những bãi biển nhỏ thuộc Santa Maria được tách biệt nhau bằng những rạn san hô nổi lên. Nhưng nếu muốn vượt qua những “trở ngại” này để sang những bãi biển khác bạn nên mang theo giày.


Một trong những bãi biển du khách không thể bỏ lỡ là Playa Las Gaviotas nằm ở phía đông của đảo Santa Maria, nơi đây là một phần của khu bảo tồn động vật hoang dã đang được bảo vệ, vì vậy không một khách sạn, resort nào được xây dựng ở đây. Trên bãi biển nguyên sơ này, chính phủ đã xây dựng một vài khu vực tránh nắng, mưa cho tất cả mọi người từ du khách cho đến người dân địa phương.

Bạn đừng ngạc nhiên hay hoảng sợ vì những lá cờ màu vàng và màu đỏ được gắn trên bãi biển, vì những ngày có gió to những lá cờ được treo lên để cảnh báo khách du lịch không được đi xa quá giới hạn cho phép để đảm bảo an toàn. Còn những ngày bình thường, hầu như các lá cờ sẽ không xuất hiện.

Điều đặc biệt là tất cả mọi thứ trên bãi biển đều miễn phí, song những chiếc ghế và ô che thuộc sở hữu của khách sạn và chỉ khách của khách sạn mới được sử dụng. Các bãi biển chủ yếu là hướng ra phía Bắc đồng nghĩa với việc nếu bạn ngồi trên bãi biển và đối mặt ra biển thì mặt trời sẽ ở phía sau bạn.



Bãi biển ở Santa Maria còn là bãi biển dài nhất, phù hợp với những ai thích đi bộ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Bạn có thể đi bộ dọc bờ biển từ khách sạn Melia Buenavita đến khu nghỉ mát Memories Paraiso Beach hoặc khoảng cách ngắn hơn là giữa khách sạn Melia Cayo Maria và Memories Paraiso Beach Resort. Bạn nhớ phải mang theo mũ, nước và kem chống nắng vì thời gian đi dưới ánh mặt trời tương đối dài.

Để lướt sóng trên biển Santa Maria có lẽ là không phù hợp vì hầu như sóng ở đây rất dịu và biển nông toàn cát, bên cạnh đó, một số khu vực đá và rạn san hô nhô lên để ngăn cách từ bãi này sang bãi khác sẽ là trở ngại lớn. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn thử cảm giác phiêu lưu trên mặt sóng, bạn có thể đến thăm khu Snorkeling để trải nghiệm.

Nếu du lịch đến Cuba, bạn hãy dành cho mình một khoảng thời gian để thư giãn trên những bãi biển tuyệt đẹp của hòn đảo Santa Maria hoang sơ này.

Theo Oanh Kim | Wanderlust Tips

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Những điểm đến được các travel blogger Việt check-in nhiều nhất

Đam mê xê dịch, các travel blogger này khao khát đặt chân đến những vùng đất nơi con người và văn hoá còn ban sơ và đậm sắc màu, chưa bị du lịch tác động nhiều.


Myanmar: 

Xứ chùa tháp là nơi travel blogger Nhị Đặng bắt đầu chuyến đi xa đầu tiên và quay những thước phim trải nghiệm mang tên “Dreams of Myanmar” năm 2013. Cô dành 10 ngày lang thang tìm hiểu “miền đất ngủ quên” này.



Nữ travel blogger tiết lộ cô chọn khu vực châu Á để lang thang vì chi phí rẻ và bản thân thích những gì xưa cũ, hoang dại chứ không thích hiện đại, công nghiệp. Trong ảnh: Cảnh khua chèo thả lưới trên sông Inle buổi sáng qua góc máy của Nhị Đặng.


Cũng từng ghé Myanmar, travel blogger Tâm Bùi chia sẻ: "Là lần thứ 2 đến Burma (Myanmar - PV), trong lòng tôi nơi đây vẫn mãi là một đất nước huyền ảo, nhiệm màu như cổ tích. Khi tôi từng trải và quay lại càng thấy được nhiều nét đẹp tiềm ẩn của Burma hơn”.

Nepal: 


Tóc dài cột thành búi, cách nói chuyện lẫn ngoại hình trải đời, Hoàng Lê Giang được gọi là “ta ba lô” nhờ kinh nghiệm du lịch qua hơn 30 quốc gia và 8 lần trekking dãy Himalaya trên lãnh thổ các quốc gia khác nhau. Trong ảnh: Hoàng Lê Giang ở chân đèo Larke La, Nepal.


Làm travel blogger không sướng như nhiều người nghĩ. Với Tâm Bùi, phải là một người du lịch thông minh mới hạn chế được phần nào những điều ngoài ý muốn. Đó là khi anh bị giữ lại tại đồn cảnh sát Larung Gar (Tây Tạng), là những đêm chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của Nepal và tự cổ vũ chính mình.

Tây Tạng: 


Chia sẻ về vùng đất này, Hoàng Lê Giang cảm thán: “Nếu bạn đã trải qua đủ đắng cay ngọt bùi cuộc đời, bạn sẽ thấy nhân sinh, thế thái và vô thường nơi đây. Hay nói khác hơn, bạn thấy phảng phất ở đây một điều gì đó thân quen dẫu chưa tới bao giờ”.


Tâm Bùi và bức ảnh để đời tại Học viện Phật Giáo Larung Gar, Tây Tạng trước khi công trình này bị phá dỡ vào giữa năm 2016.

Ai Cập: 


“Ai Cập là ước mơ thuở nhỏ của tôi. Trong tưởng tượng, Ai Cập nhuốm màu huyền bí với nhiều lăng mộ cổ, nền văn minh lâu đời luôn dấy lên trong tôi niềm khao khát được một lần đặt chân đến”, Tâm Bùi chia sẻ về chuyến đi đến xứ huyền bí vào đầu năm nay.


Hành trình của anh kéo dài 3 tuần dọc theo sông Nile. Trước khi lên đường, nhiếp ảnh gia 8X mất khoảng 4 tháng lên kế hoạch. Anh tham khảo nhiều thông tin trên Lonely Planet và bạn bè sống ở đây. Trong ảnh: Ốc đảo Siwa qua góc máy Tâm Bùi.


Từ bé đã bị thu hút bởi những bộ phim về nữ hoàng Ai Cập, chiến tranh của các vị thần, nhân sư tượng hay bí ẩn kim tự tháp, Ai Cập cũng nằm trong danh sách những nơi Nhị Đặng muốn đến trong ước mơ chinh phục thế giới. Cô đã dành trọn 3 tuần khám phá những địa danh nổi tiếng dọc sông Nile, Cairo, Luxor, Aswan, thành phố biển Alexandria, ốc đảo sa mạc phía Tây Siwa…


Trung Đông: 

Nhắc đến travel blogger du hí Trung Đông, sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua Phương Mai và “Con đường Hồi giáo”. Cô dành một năm khám phá 12 quốc gia Trung Đông với mong ước vén bức màn về con người và những va chạm khắc nghiệt giữa bản sắc của các quốc gia, đặc biệt giữa tôn giáo và văn hóa.



“Iran có gì để đi? Nếu muốn vùng vẫy trong văn hóa hồi giáo thì đã có cả khối các nước nghe tên hấp dẫn hơn”. Đó là suy nghĩ đầu tiên của Nhị Đặng khi một người bạn rủ tới quốc gia Trung Đông này. Nhưng dẹp bỏ hết những định kiến nhỏ mọn, cô vẫn lên đường để rồi khám phá ra một xứ Ba Tư đầy chất liệu mới lạ. Trong ảnh: Nhị Đặng và nhóm bạn tại Lake of Shaharchay Dam - hồ chạy dọc bên giới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.


Ấn Độ: 

Quốc gia Tây Á hấp dẫn các travel blogger Việt khi mang đến vô vàn trải nghiệm từ trekking Himalaya, dong duổi cao nguyên Lakdakh hay dấn thân vào tôn giáo bên dòng sông Hằng. Trong ảnh: Lê Hoàng Giang khám phá đỉnh Gangtok Kang Ri, Ấn Độ.


Mang theo tinh thần “cuộc đời mỗi người là một thước phim và hãy để nó trở thành thước phim muôn màu”, Nhị Đặng đặt chân tới Lakdakh, một vùng cao nguyên rộng lớn ở Kashmir, Ấn Độ - nơi cô ví von “đừng đến nếu bạn thích an nhàn”.


Cũng trong hành trình tới Lakdakh, Tâm Bùi đã có nhiều trải nghiệm thấm thía. Nên mỗi lần đăng một bộ ảnh đẹp về một miền đất lạ, anh luôn nhắn gửi mọi người “Không lấy đi thứ gì ngoài những bức ảnh. Không để lại thứ gì ngoài những dấu chân. Không giết thứ gì ngoài thời gian”.

Theo news.zing.vn