Ngoài những miệt vườn cây trái trĩu mọng thu hút đông đảo du khách, Vĩnh Long còn tự hào với những làng gốm truyền thống, phát đạt nhờ loại đất sét đặc biệt nơi đây.
Dòng Cửu Long giống như món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho miền Tây Nam Bộ. Không những giúp đất đai màu mỡ, lượng phù sa lớn dòng sông mang theo qua nhiều năm tích tụ, bồi lắng đã hình thành những mỏ sét quý giá. Với nguồn tài nguyên này người Vĩnh Long đã nhào nặn và thổi hồn để biến chúng thành những sản phẩm tinh túy của làng nghề gạch, gốm.
Làng gốm Vĩnh Long nằm dọc bờ sông Cổ Chiên với vô vàn lò gạch gốm san sát, kéo dài hàng chục km. Ánh mặt trời rực rỡ chiếu lên những khối gạch xếp chồng khiến cả không gian ánh lên màu đỏ rực. Vì vậy nơi đây được người dân gọi là "vương quốc đỏ".
Nghề làm gạch ngói xuất hiện ở Vĩnh Long từ rất sớm nhờ nguồn tài nguyên đất sét đặc trưng so với những vùng miền khác. Do đặc tính nhiễm phèn của loại đất sét đỏ đặc biệt này mà khi nung xong, gốm đỏ Vĩnh Long thường có các vân trắng do phèn tạo thành.
Nghề truyền thống đã xuất hiện từ lâu nhưng làng gốm Vĩnh Long còn khá trẻ, mới tồn tại khoảng 20 năm. Sản phẩm đặc trưng là dòng gốm không men với màu sắc đặc trưng được nhiều người ưa chuộng.
Hiện có hàng chục nghìn lao động đang làm việc tại làng, giúp gốm trở thành sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Họ làm việc cần mẫn, hăng say và cũng rất thân thiện với du khách.
Tham quan làng gốm, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến tất cả công đoạn làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ, lựa chọn cho mình những món đồ ưng ý về trang trí hoặc làm quà. Bạn sẽ phải trầm trồ trước sự khéo léo, tỉ mỉ và công phu của những người thợ gốm tài hoa.
Ngoài ra, những căn nhà gốm cũng là nét kiến trúc đặc sắc, riêng biệt của Vĩnh Long. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, tường đến những vật dụng bên trong đều hoàn toàn bằng gốm, được thiết kế khéo léo, hài hòa.