Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Những loại trái cây nổi tiếng miền Tây nhất định phải thử

Trái cây miền Tây không chỉ nổi tiếng bởi độ thơm ngon, mà còn có hương vị rất đặc biệt không đâu sánh bằng. Hơn nữa, tại miền Tây khách du lịch còn có thể ngắm nhìn trái cây trĩu quả và thưởng thức ngay tại vườn. 

Những loại trái cây nổi tiếng miền Tây nhất định phải thử

Hãy cùng điểm qua những loại trái cây nổi tiếng miền Tây nhất định phải thử, để thấy được sản vật nơi đây phong phú và tươi ngon như thế nào. 

Sầu riêng 


Sầu riêng

Miền Tây chính là vựa sầu riêng khổng lồ với đủ loại từ Thái, Ri6 đến sầu riêng trả hột cho chúng ta lựa chọn. Sầu riêng là thứ trái cây duy chỉ mùa hè mới có thể thưởng thức. Hương vị ngọt lịm, béo ngậy có thể hấp dẫn thực khách ăn hoài không chán. Đến miền Tây mùa hè, bạn đừng quên ghé lại thưởng thức vị sầu riêng thơm ngon khó cưỡng này nhé. 

Chôm chôm 


Chôm chôm

Chôm chôm là loại trái cây đặc sản miền Tây gắn liền với ký ức tuổi thơ. Dù quả khá nóng nhưng một khi đã thưởng thức vị chôm chôm giòn ngọt, không bị dính hạt đặc trưng thì bạn sẽ không thể kiềm lòng mà ăn thêm nữa. Về miền Tây những ngày hè, bạn sẽ thấy rợp sắc đỏ của những vườn chôm chôm đang thời kỳ chín rộ. Và hầu như miệt vườn nào cũng không thiếu chôm chôm được, nên bạn cứ yên tâm sẽ được ăn no căng bụng luôn nhé. 

Măng cụt 


Măng cụt

Măng cụt với hương vị chua chua, ngọt ngọt thanh mát cứ thế mà hấp dẫn chúng ta một cách tự nhiên. Không quá kén người ăn như sầu riêng và cũng không nóng như chôm chôm, mùa hè là thời điểm măng cụt được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Ngoài là loại trái cây thơm ngon thì măng cụt còn có tính năng chống mệt mỏi, lão hóa, giảm bệnh tim mạch, củng cố hệ tiêu hóa rất tốt cho sức khỏe. 

Thanh trà 


Thanh trà

Nhiều người mới ăn lần đầu có thể sẽ nghĩ loại quả này là xoài rừng. Thật ra cũng chẳng ngạc nhiên mấy bởi thanh trà là loại trái cây thuộc giống xoài. Những trái thanh trà vàng ươm bắt mắt được bày bán trên các xe ba gác đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi độ hè về. Vỏ mềm ăn ngọt vỏ cứng ăn giòn, đó chính là cách để lựa thanh trà mà người ta vẫn truyền tai nhau. Đặc biệt nếu lột vỏ chấm muối ớt thì càng ngon hết sẩy. Hoặc bạn cũng có thể xay nhuyễn trộn với đường đá, thành món giải khát thơm ngon đặc sắc cho ngày hè nóng bức. 

Dừa sáp 


Dừa sáp

Nếu đã đi miền Tây mà không nếm thử dừa sáp thì sẽ là một điều đáng tiếc. Đây là loại trái cây độc nhất vô nhị chỉ có ở Cầu Kè, Trà Vinh với hình dạng bên ngoài không có gì khác so với các loại dừa khác. Tuy nhiên khi bổ đôi bạn mới thấy lớp cùi mềm xốp chiếm dần hết không gian, với nước dừa thơm ngon sền sệt như keo. Một cây dừa sáp chỉ có khoảng 20% quả dừa là sáp nên bạn nhất định phải thử qua một lần đấy. 

Dừa nước 


Dừa nước

Những rặng dừa nước chạy dọc hai bên bờ khắp các nẻo sông miền Tây là hình ảnh đã quá quen thuộc. Bởi vậy trái dừa nước đã trở thành món ăn rất phổ biến, với hương vị ngọt thanh hòa chung với vị sần sật của cùi dừa. Đây là món giải khát không thể bỏ qua trong mùa hè. 

Vú sữa Lò Rèn 


Vú sữa Lò Rèn

Đến với huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang du khách đừng quên thưởng thức loại quả nổi tiếng – vú sữa Lò Rèn. Giống vú sữa này là do một người thợ rèn nhân giống trồng trong vườn nhà mình, sau đó thấy ngon nên phát triển cho dân làng Vĩnh Kim cùng trồng. 

Vú sữa Lò Rèn có hình thức bắt mắt, quả tròn, màu trắng. Khi bổ ra bạn sẽ thấy thấy vỏ rất mỏng, nhỏ hạt, cùi dày, khi chín. Để thưởng thức vú sữa đúng vị, trước khi ăn du khách phải dùng tay vo tròn và bóp đều cho mềm quả, sau khi rút cuống sẽ có một dòng nước trắng như sữa trào ra thơm ngon, ngọt lịm, mát lành. 

Quýt đường 


Quýt đường

Trà Vinh không chỉ có dừa sáp mà còn có một loại trái cây đặc sản nổi tiếng không kém là quýt đường. Không giống như loại quýt thông thường mà quýt đường Trà Vinh có quả lớn, màu vàng ươm, vỏ lại láng bóng, bên trong mọng nước và có vị ngọt thanh hiếm có. Chúng ta có thể để ăn tươi, làm đồ hộp, làm mứt, nước giải khát, ngâm rượu… có tác dụng bồi bổ cơ thể, giải khát và đặc biệt tốt cho làn da trong thời tiết hanh khô chuyển mùa. 


Nguồn: Tổng hợp.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Những món ăn độc đáo mang hơi thở miền Tây

Người dân miền Tây sông nước luôn gắn liền với tính cách giản dị, mộc mạc, chân chất và phóng khoáng, vì thế ẩm thực nơi đây cũng mang hương vị mộc mạc như chính tính cách của họ. Du lịch miền Tây, nhất định bạn nên nếm thử những món ăn sau đây nhé!

Những món ăn độc đáo mang hơi thở miền Tây

Bánh đúc lá dứa nước đường


Bánh đúc lá dứa nước đường

Bánh đúc lá dứa là món quà vặt dân dã, giản dị quen thuộc thời thơ ấu của nhiều trẻ em vùng sông nước miền Tây. Món ăn thôn quê ngày nay không chỉ quen thuộc với người dân làng xóm miền Tây mà còn được mọi người Sài thành ưa chuộng.

Bánh đúc lá dứa là sự kết hợp giữa bột gạo, lá dứa, nước cốt dừa và đậu phộng. Khi thưởng thức món bánh đúc ngọt, bạn sẽ được tận hưởng cái sự dai dai, giòn giòn của bánh và hương vị ngọt lịm của đường, vị béo của nước cốt dừa và vị bùi của đậu phộng cùng hương thơm ngào ngạt của lá dứa.

Chuối quết dừa


Chuối quết dừa

Đây là một món ăn dân dã, giản dị, được tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé yêu thích. Chuối quyết dừa là món ăn ngon, vừa thơm mùi chuối vừa ngọt vị đường lại vừa có độ béo bùi của dừa nạo, kết hợp với vị ngọt mát của các loại rau vườn tươi xanh và hòa thêm chút vị của nước mắm chua ngọt.

Bánh cống


Bánh cống

Lần đầu tiên tới Sóc Trăng, bạn dễ gặp những xe bán bánh cống vàng rộm ở dọc đường hay trong các khu chợ. Đây chính là món bánh quen thuộc của đồng bào Khmer. Điều đặc biệt của bánh cống nằm ở chỗ, nguyên liệu làm vỏ bánh không phải là bột mì hay bột gạo, mà nó là sự hòa quyện giữa đậu nành và gạo. Hai nguyên liệu này đều phải chọn loại ngon, ngâm nước cho nở đều. Gạo được xay thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh được đậm đà. Đậu xanh hấp chín, nguyên hạt. Nhân bánh làm từ thịt heo với tôm bóc vỏ bằm nhuyễn. Bánh cống ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, bánh đậm đà giòn rụm cùng vị thanh mát của rau. Chỉ đơn giản vậy thôi mà làm bao thực khách phải lưu luyến.

Lẩu mắm


Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ, ai đã ăn một lần thì rất dễ nghiền. Nguyên liệu của lẩu mắm không thể thiếu được nước lọc từ các loại mắm cá chế biến công phu cùng xương ninh. Đồ ăn kèm của lẩu mắm lại càng đa dạng với thịt, lươn, bạch tuộc và đặc biệt là vài chục loại rau, trong đó có nhiều loại rau đặc trưng sông nước như bông lục bình, cù nèo, rau mác, đọt choại, đọt dớn, cải trời, dây bình bát, rau chay, rau đắng, rau dừa, bông điên điển, càng cua, bông súng, rau muống đồng, môn đúm, bông so đũa... Vị ngọt của rau tươi ngon hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của mắm, của cá, mực, lươn, xả khiến du khách đã từng một lần thử rồi thì sẽ nhớ mãi.

Chuột đồng


Chuột đồng

Cứ hết mùa gặt, người ta lại đi bắt chuột đồng về chế biến thành các món ăn đặc sản như chuột nước lu, chuột nướng muối ớt hay đặc biệt là chuột đồng chiên sả ớt. Chuột đồng sau khi bắt về sẽ được làm sạch ướp với sả, ớt rồi nêm thêm các gia vị cho vừa ăn. Sau khi đã ướp gia vị thấm đượm, người ta sẽ mang chuột đi chiên trên lửa nhỏ và đảo thật đều tay đến khi miếng chuột vàng ruộm giòn tan. Chuột đồng chiên sả ớt có hương vị thơm ngon nức mũi vô cùng ưa cơm. 


Tổng hợp

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Về Bến Tre thử món bánh bèo cắc chú

Những chợ nhỏ ở Bến Tre sáng nào cũng có vài gánh hàng bán món bánh bèo cắc chú. Chữ cắc chú trong âm ngữ miền Nam là chữ khách mà ra. Tuy nhiên, ngày nay không còn ai dùng từ đó nữa mà người ta hay gọi là bánh mặn hoặc bánh ổ mặn.



Bánh bèo cắc chú là món bánh dân dã, dễ làm mà hương vị lại khó quên. Để chế biến món này thì cần bột gạo thêm chút ít bột mì, pha theo tỉ lệ: cứ một chén bột trộn với hai chén nước cốt dừa. Sau đó thêm tí muối, đường, khuấy đều rồi lược lại cho sạch cặn. Đến công đoạn hấp bánh thì đổ lớp bột dày chừng 5mm vào xửng hấp cách thủy. Sau khi lớp bột bên dưới chín thì đổ lớp khác lên trên. Một mẹo nhỏ là lấy que tăm chọc đều khắp bề mặt lớp bột bên dưới cho hai lớp bột cũ mới bám dính vào nhau rồi mới tiếp tục đổ tiếp.


Phần nhân của món ăn này khá giống nhân bánh bèo bao gồm tôm khô rửa sạch để ráo, thịt heo băm nhuyễn, hành phi, tỏi băm và đặc biệt là phải thêm củ sắn xắt hạt lựu thật nhỏ. Sau khi phi tỏi cho vàng thơm thì tiếp tục cho tất cả phần nhân vào xào lên, nêm thêm chút gia vị như: tiêu, muối, bột ngọt vừa ăn và đảo đều đến khi nhân thật khô.


Khi ăn món bánh bèo cắc chú thì dùng dao cắt từng miếng vừa ăn, dày mỏng tùy thích cho vào dĩa, bên trên rắc nhân, chan chút nước mắm tỏi ớt pha vừa miệng sẽ làm thực khách nhớ mãi. Bánh ngon thì bột bánh phải mềm mại, không dai cũng không bở rệu, đồng thời bánh phải có vị béo của nước cốt dừa pha lẫn chút vị đậm đà của nhân tôm khô, thịt xào.


Nếu có dịp ghé thăm xứ dừa thì nên thưởng thức qua món bánh này. Đây là một món ăn mang đậm hương vị riêng của Bến Tre.

Theo Waderlust Tips

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Khám phá vương quốc đỏ ở Vĩnh Long

Ngoài những miệt vườn cây trái trĩu mọng thu hút đông đảo du khách, Vĩnh Long còn tự hào với những làng gốm truyền thống, phát đạt nhờ loại đất sét đặc biệt nơi đây.


Dòng Cửu Long giống như món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho miền Tây Nam Bộ. Không những giúp đất đai màu mỡ, lượng phù sa lớn dòng sông mang theo qua nhiều năm tích tụ, bồi lắng đã hình thành những mỏ sét quý giá. Với nguồn tài nguyên này người Vĩnh Long đã nhào nặn và thổi hồn để biến chúng thành những sản phẩm tinh túy của làng nghề gạch, gốm.


Làng gốm Vĩnh Long nằm dọc bờ sông Cổ Chiên với vô vàn lò gạch gốm san sát, kéo dài hàng chục km. Ánh mặt trời rực rỡ chiếu lên những khối gạch xếp chồng khiến cả không gian ánh lên màu đỏ rực. Vì vậy nơi đây được người dân gọi là "vương quốc đỏ". 


Nghề làm gạch ngói xuất hiện ở Vĩnh Long từ rất sớm nhờ nguồn tài nguyên đất sét đặc trưng so với những vùng miền khác. Do đặc tính nhiễm phèn của loại đất sét đỏ đặc biệt này mà khi nung xong, gốm đỏ Vĩnh Long thường có các vân trắng do phèn tạo thành.


Nghề truyền thống đã xuất hiện từ lâu nhưng làng gốm Vĩnh Long còn khá trẻ, mới tồn tại khoảng 20 năm. Sản phẩm đặc trưng là dòng gốm không men với màu sắc đặc trưng được nhiều người ưa chuộng.


Hiện có hàng chục nghìn lao động đang làm việc tại làng, giúp gốm trở thành sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Họ làm việc cần mẫn, hăng say và cũng rất thân thiện với du khách.

Tham quan làng gốm, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến tất cả công đoạn làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ, lựa chọn cho mình những món đồ ưng ý về trang trí hoặc làm quà. Bạn sẽ phải trầm trồ trước sự khéo léo, tỉ mỉ và công phu của những người thợ gốm tài hoa.

Ngoài ra, những căn nhà gốm cũng là nét kiến trúc đặc sắc, riêng biệt của Vĩnh Long. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, tường đến những vật dụng bên trong đều hoàn toàn bằng gốm, được thiết kế khéo léo, hài hòa.