Với khung cảnh hoang sơ, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, hòn Chùa đang là điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi du lịch Phú Yên.
Xem thêm : Giấc mơ tuổi thơ ở Gành Ông - Bãi Xép
Chỉ cách đất liền khoảng 7km, hòn Chùa nằm trong cụm đảo hòn Dứa, hòn Than ngoài khơi của vùng biển Long Thủy, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.
Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến nơi này đó là hòn Chùa còn rất hoang sơ. Ngoài một số phi lao, bàng và dừa do người từ đất liền mang ra trồng, trên đảo chủ yếu là cây cối thuộc loại lùm bụi rậm và nhiều loại cỏ gai. Không khí ở nơi này thật trong lành với biển xanh và những đụn cát trắng thoai thoải đón gió lộng. Do vậy, hòn Chùa là điểm đến lý tưởng dành cho những du khách thích vẻ đẹp yên bình, trốn chạy khỏi những xô bồ của cuộc sống.
Đường ra hòn Chùa cũng rất dễ đi. Từ TP Tuy Hòa di chuyển khoảng 10km về phía bắc sẽ tới làng Mỹ Quang (xã An Chấn) hoặc Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Từ đây du khách có thể thuê thuyền đánh cá của ngư dân để ra hòn Chùa. Đảo hòn Chùa có thể tham quan và du lịch trong ngày, tuy nhiên nếu bạn muốn cắm trại ở đây bạn nên mang theo đầy đủ túi ngủ và những vật dụng cần thiết.
Với cấu tạo đặc biệt của các tảng đá lớn nhỏ nằm chồng lên nhau, cũng như những vách đá thẳng đứng do sự xâm thực của sóng biển và cây cối rậm rạp nên nhìn từ xa Hòn Chùa giống như một tấm thảm thực vật xanh mát trải dài trên mặt biển.
Đến Hòn Chùa ngoài trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ bạn có thể tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, khám phá khác như ngắm san hô, bắt cá…
Quanh Hòn Chùa là hơn 100ha những rạn san hô phong phú đa dạng về chủng loại và màu sắc. Bạn chỉ cần một chiếc kính lặn và chiếc áo phao là có thể thỏa thích ngắm thế giới đại dương đẹp mê li. Ngoài ra bạn có thể lặn đâm cá và bắt nhím biển để góp thêm vào bữa tiệc dã ngoại ở giữa đảo.
Người dân nơi đây chuyên làm nghề đánh bắt hải sản nên du khách có thể được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi, là những loại đặc sản không phải nơi nào cũng có như mực nang, ốc…
Đặc biệt, vào tháng 6 âm lịch hằng năm, người dân sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư với những nghi thức, nghi lễ cầu an, cầu phúc cho ngư dân làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm để ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.