Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Món ngon Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" ăn hoài không ngán

Hiếm có nơi nào mà món ngon có mặt ở khắp mọi nơi như Phú Yên, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ trung tâm tới huyện lỵ. Bên cạnh biển xanh, cát trắng, hoa vàng cỏ xanh thì hương vị ẩm thực Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" còn khiến khách du lịch lưu luyến bước chân không muốn về. 

Món ngon Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" ăn hoài không ngán
Ảnh: Brandon Coleman/saigoneer.com

Bánh xèo 


Bánh xèo
Ảnh: @khuatgiaminh

Bánh xèo Phú Yên hoàn toàn không giống với bánh xèo miền Tây hay bất cứ loại bánh xèo nào khác. Thay vì được đúc bằng một cái chảo to như miền nam, thì bánh xèo Phú Yên được đúc bằng khuôn rất nhỏ, chỉ bằng ¼ kích thước của chiếc bánh xèo chúng ta hay ăn. 

Nhân bánh thường chỉ gồm là giá, hải sản (thông thường là tôm, người bán có thể biến tấu thêm mực hoặc các loại hải sản khác). Đặc biệt bột bánh xèo Phú Yên được làm từ bột gạo theo công thức của tùy người thợ lành nghề, nên có hương vị rất khác biệt. Người Phú Yên thường ăn kèm bánh xèo cùng với bánh tráng và rau, chấm kèm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm. 

Bánh bèo 


Bánh bèo

Bánh được làm từ bột gạo, đổ vào chén nhỏ và hấp cách thủy. Khi bánh chín, người ta lấy bánh ra, rắc các loại nguyên liệu như là chà bông, bánh mì cháy giòn tan, hẹ… lên. Nếu thích bạn cũng có thể gọi thêm bánh hỏi rồi thành một dĩa thức ăn ngon miệng, chấm cùng chén nước mắm pha vừa vặn. 

Ngoài ra, còn có một cách ăn khác vô cùng đặc biệt đó là khi bánh chín, người ta rắc các nguyên liệu trước khi lấy bánh ra, rồi mang cả một mâm các chén bánh ra cho thực khách. Khi đó bánh vẫn đang còn nóng hổi, bưng chén bánh bèo nhưng phải xoay liên tục để không bỏng tay. 

Bánh canh hẹ 


Bánh canh hẹ

Bánh canh hẹ là món ngon Xứ Nẫu (Phú Yên) – "chín nhớ, mười thương" hấp dẫn du khách nhất. Bạn có thể tùy theo khẩu vị mà lựa chọn sợi bánh là bột lọc hoặc bột gạo. Bánh canh hẹ ăn kèm với chả cá Phú Yên tươi ngon sực sực. Đặc biệt là vào những ngày mùa đông se lạnh, húp một tô bánh canh chả cá nóng hổi quả là một trải nghiệm không thể nào quên. 

Cơm gà Phú Yên 


Cơm gà Phú Yên

Cơm gà Phú Yên phổ biến đến mức người dân địa phương có thể ăn cơm gà cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Không những thế, cơm gà còn thường xuất hiện trong các đám cỗ linh đình, trong các buổi hội họp, vui chơi, họp mặt gia đình. Đặc biệt món cơm gà này không hề có dầu mỡ. Cơm được nấu từ nước luộc gà, sau đó không qua chế biến rang hay xào nên chúng có vị thanh, thơm, dẻo ngon. 

Nguyên liệu thịt gà phải là loại gà ta thả vườn, thịt gà chắc, dai, ngọt thịt. Một dĩa cơm gà Phú Yên thường có rắc vài lát rau răm lên trên, cùng một chén mắm chua ngọt để chấm với gà. Món cơm thanh đạm nhưng hương vị không hề đơn giản này chắc chắn sẽ làm bạn lưu luyến Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" và muốn quay trở lại để thưởng thức vị cơm thơm ngon này nhiều lần nữa. 

Bánh hỏi lòng heo 


Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo có lẽ đã quá nổi tiếng, đến nỗi người dân vùng này còn bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. 

Một dĩa bánh hỏi được rắc mỡ hành lên ăn kèm với một dĩa thịt quay, thịt nướng, lòng heo… tùy thích. Đây là món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương. 


Nguồn: Tổng hợp.

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Vi vu Phú Yên nhớ đừng bỏ qua hòn Chùa

Với khung cảnh hoang sơ, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, hòn Chùa đang là điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi du lịch Phú Yên.


Chỉ cách đất liền khoảng 7km, hòn Chùa nằm trong cụm đảo hòn Dứa, hòn Than ngoài khơi của vùng biển Long Thủy, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.


Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến nơi này đó là hòn Chùa còn rất hoang sơ. Ngoài một số phi lao, bàng và dừa do người từ đất liền mang ra trồng, trên đảo chủ yếu là cây cối thuộc loại lùm bụi rậm và nhiều loại cỏ gai. Không khí ở nơi này thật trong lành với biển xanh và những đụn cát trắng thoai thoải đón gió lộng. Do vậy, hòn Chùa là điểm đến lý tưởng dành cho những du khách thích vẻ đẹp yên bình, trốn chạy khỏi những xô bồ của cuộc sống.


Đường ra hòn Chùa cũng rất dễ đi. Từ TP Tuy Hòa di chuyển khoảng 10km về phía bắc sẽ tới làng Mỹ Quang (xã An Chấn) hoặc Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Từ đây du khách có thể thuê thuyền đánh cá của ngư dân để ra hòn Chùa. Đảo hòn Chùa có thể tham quan và du lịch trong ngày, tuy nhiên nếu bạn muốn cắm trại ở đây bạn nên mang theo đầy đủ túi ngủ và những vật dụng cần thiết.



Với cấu tạo đặc biệt của các tảng đá lớn nhỏ nằm chồng lên nhau, cũng như những vách đá thẳng đứng do sự xâm thực của sóng biển và cây cối rậm rạp nên nhìn từ xa Hòn Chùa giống như một tấm thảm thực vật xanh mát trải dài trên mặt biển.


Đến Hòn Chùa ngoài trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ bạn có thể tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, khám phá khác như ngắm san hô, bắt cá…


Quanh Hòn Chùa là hơn 100ha những rạn san hô phong phú đa dạng về chủng loại và màu sắc. Bạn chỉ cần một chiếc kính lặn và chiếc áo phao là có thể thỏa thích ngắm thế giới đại dương đẹp mê li. Ngoài ra bạn có thể lặn đâm cá và bắt nhím biển để góp thêm vào bữa tiệc dã ngoại ở giữa đảo.

Người dân nơi đây chuyên làm nghề đánh bắt hải sản nên du khách có thể được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi, là những loại đặc sản không phải nơi nào cũng có như mực nang, ốc…



Đặc biệt, vào tháng 6 âm lịch hằng năm, người dân sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư với những nghi thức, nghi lễ cầu an, cầu phúc cho ngư dân làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm để ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Ngỡ ngàng bình minh Mũi Điện

Mũi Điện hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh… thuộc địa phận thôn Phước Tân (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), cách thành phố Tuy Hòa theo hướng Đông Nam khoảng 35km. Nơi đây là điểm ngắm bình minh tuyệt đẹp, làm say đắm bất kỳ du khách nào ghé thăm.


Chặng đường tới điểm ngắm bình minh tuyệt đẹp

Theo con đường quốc lộ quanh co giữa một bên là núi, bên kia là biển, từ xa đã thấy ngọn hải đăng Mũi Điện (hay còn gọi là hải đăng Đại Lãnh) đứng sừng sững ở đầu phía đất nhô ra biển, cao vời vợi nổi bật trên nền trời xanh. Từ chân núi nơi đặt hải đăng, một đường bộ với hàng rào màu trắng, lối lên gồm các bậc dốc tới điểm ngắm bình minh, một đường mòn chạy thẳng ra biển Bãi Môn với bãi cát vàng tuyệt đẹp.

Hành trình leo núi phải mất hơn 1km mới tới được ngã ba: một đường lên ngọn hải đăng, một đường ra Mũi Điện, trên tấm biển chỉ còn ghi là Mũi Rạng Đông, mũi đất để ngắm mặt trời lên từ mặt biển. Ở Mũi Điện vẫn còn đặt tấm bia ghi “Hải đăng Mũi Điện – Điểm cực đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”.


Muốn tận hưởng cảm giác nhìn mặt trời nhô lên từ bãi biển, thường là lúc 5h sáng thì phải xuất phát từ thành phố Tuy Hòa khá sớm, bởi quanh Mũi Điện không có khách sạn, nhà nghỉ nào ở gần. Nhiều bạn trẻ hiện nay đã chọn cách tới đây từ chiều hôm trước, xin phép các cán bộ làm việc tại đây được dựng lều, ngủ qua đêm để “đợi mặt trời”. Trong đêm tối, được nghe sóng biển rì rào, nhìn lên phía bên kia là ánh đèn tỏa ra từ tháp đèn hải đăng Mũi Điện là một trải nghiệm thú vị. Nhiều nhóm bạn trẻ khi tới đây đã chọn cho mình những trang phục áo đỏ, có in sao vàng, chụp những bức ảnh đón bình minh rạng ngời, hay đưa tay lên ngực hiên ngang nhìn ra biển đảo quê hương, mới thấy hết sự thiêng liêng, như bao lần đặt tay lên ngực chào cờ Tổ quốc nơi cực Bắc Lũng Cú, hay chạm tay vào cột mốc nơi đất mũi Cà Mau.

Ấn tượng hải đăng sừng sững giữa trời biển

Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ thon đều, cao 26,5m so với nền tòa nhà và cao 110m so mặt nước biển. Ánh đèn từ ngọn hải đăng này có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý. Sau một thời gian dài họat động gián đoạn, khoảng năm 1997 thì ngọn hải đăng này mới hoạt động trở lại bình thường. Đến giờ, quanh khu vực tháp vẫn đang tiếp tục xây dựng thêm một số công trình nhà ở cho cán bộ của trạm. Lối để lên đến ngọn tháp là cầu thang gỗ có 110 bậc. Từ lan can bên ngoài của ngọn hải đăng phóng tầm mắt ra bốn phía, mặt biển trước mắt xanh trong, những đám mây bay lãng đãng từ phía chân trời. Một bên là biển Bãi Môn sóng vỗ rì rào, bên kia là vách đá dựng đứng ăn ra biển, sóng đánh vào bờ trắng xóa dưới chân núi. Sau lưng ngọn hải đăng là những dãy núi trập trùng.


Ngay dưới chân ngọn hải đăng có thể nhìn lối sang phía Mũi Điện, với những tảng đá lớn dọc lối đi. Thuyền bè trở thành những điểm di động nhỏ xíu trên mặt biển xanh. Đứng trên cao, hít hà gió biển trong không gian khoáng đạt thấy mình đang tận hưởng một cảm giác thật tuyệt vời!

Những người lính hải đăng hiếu khách và trở thành những “thuyết minh viên” rất tận tình. Nhiều người từ miền Bắc, miền Trung vào đây làm việc mang theo cả nỗi nhớ nhà trong từng câu chuyện. Những câu chuyện về biển đảo, lịch sử những lần sáng tỏ của ngọn hải đăng, những con thuyền neo đậu trú bão, chuyện đón Tết xa nhà… đều trở thành những món quà cho người khách từ phương xa tới.


Dưới chân mũi Đại Lãnh là biển Bãi Môn, với bãi cát vàng chạy dài, nước màu ngọc bích, trong xanh nhìn thấu đáy. Ở phía nam Bãi Môn có một con suối nước ngọt ngay trên bãi cát biển.


Từ Mũi Điện, có thể tiếp tục hành trình khám phá xứ Nẫu, với các địa danh như khu di tích Vũng Rô với câu chuyện về những con tàu không số đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoặc ngược lên đèo Cả. Dọc đường đi, du khách dễ dàng nhìn thấy hai bên đường những cánh đồng lúa bạt ngàn, xanh mát, đàn bò đủng đỉnh gặm cỏ… như những thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.