Mang dáng dấp của một cô gái dịu dàng đằm thắm vào mùa thu, rực rỡ vào mùa xuân và sôi nổi mãnh liệt vào mùa hạ. Du lịch Đông Bắc đã để lại ấn tượng trong lòng khách du lịch bởi cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ, rực hồng cả vùng trời, mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang quyến rũ hay chạm vào khoảnh khắc giao thoa giữa đất trời tại Cổng trời Quản Bạ.
Đã đến Đông Bắc các bạn không nên bỏ lỡ du lịch Cao Bằng. Cao Bằng được ví như “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ và nền ẩm thực đặc sắc. Những năm gần đây, Cao Bằng thu hút đông đảo du khách và phượt thủ ghé thăm. Vậy nên đến đâu tham quan để tận hưởng rõ nét thiên nhiên và núi rừng tại Cao Bằng?
1. Thác Bản Giốc Cao Bằng
Thác Bản Giốc là nhóm thác nước nằm trên dòng sông Quây Sơn, tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây nổi tiếng là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Từ độ cao hơn 60m với tầng dốc dài nhất 30m, những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá, cuồn cuộn tuôn chảy giữa sắc xanh núi rừng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng hiền hòa.
Thác Bản Giốc Cao Bằng (Ảnh: Sưu tầm)
Tháng 9 – 10 là thời gian lý tưởng nhất để khám phá thác Bản Giốc Cao Bằng. Dòng nước chứa chan tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Nếu may mắn, du khách có thể được chiêm ngưỡng cầu vồng rực rỡ do những ánh nắng chiếu vào những giọt nước li ti trên mặt thác. Đến đây, bạn có thể thong dong ngắm cảnh trên những chiếc bè mộc mạc hay trải nghiệm chèo thuyền kayak trên dòng Quây Sơn.
2. Khu di tích Pác Bó
Từ thành phố Cao Bằng, du khách chạy xe 50km về phía huyện Hà Quảng giáp biên giới Trung Quốc sẽ đến khu di tích Pác Bó. Bạn nên dành khoảng 4 tiếng để khám phá trọn vẹn khu di tích này.
Sau khi qua cổng tham quan, du khách sẽ thấy cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài Bắc Nam, đối diện là khu tưởng niệm Bác Hồ. Để tới được suối Lê Nin và núi Các Mác, bạn sẽ đi bộ qua thôn Pác Bó.
Khu di tích quốc gia Pác Pó (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện ra trước mắt bạn sau quãng đường đi bộ qua thôn Pác Bó là ngọn núi Các Mác và suối Lê Nin. Men theo dòng nước trong xanh và đi về phía đầu nguồn là hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ từng sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Cách đó không xa là các điểm di tích lịch sử như bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, nhà ông Lý Quốc Súng…
3. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (Ảnh: Sưu tầm)
4. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921. Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Động Ngườm Ngao (Ảnh: Sưu tầm)
Đến tham quan Cao Bằng, các bạn sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên có sông suối có núi rừng. Đây chắc chắn là một điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên và thích khám phá văn hóa người dân tộc bản địa.
Nguồn travel.com.vn