Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Đông Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Đông Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Hòa Mình trong vẻ đẹp núi rừng và ngắm thác Bản Giốc tại Cao Bằng


Mang dáng dấp của một cô gái dịu dàng đằm thắm vào mùa thu, rực rỡ vào mùa xuân và sôi nổi mãnh liệt vào mùa hạ. Du lịch Đông Bắc đã để lại ấn tượng trong lòng khách du lịch bởi cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ, rực hồng cả vùng trời, mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang quyến rũ hay chạm vào khoảnh khắc giao thoa giữa đất trời tại Cổng trời Quản Bạ.

Đã đến Đông Bắc các bạn không nên bỏ lỡ du lịch Cao Bằng. Cao Bằng được ví như “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ và nền ẩm thực đặc sắc. Những năm gần đây, Cao Bằng thu hút đông đảo du khách và phượt thủ ghé thăm. Vậy nên đến đâu tham quan để tận hưởng rõ nét thiên nhiên và núi rừng tại Cao Bằng?

1. Thác Bản Giốc Cao Bằng

Thác Bản Giốc là nhóm thác nước nằm trên dòng sông Quây Sơn, tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây nổi tiếng là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Từ độ cao hơn 60m với tầng dốc dài nhất 30m, những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá, cuồn cuộn tuôn chảy giữa sắc xanh núi rừng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng hiền hòa.


Thác Bản Giốc Cao Bằng (Ảnh: Sưu tầm)

Tháng 9 – 10 là thời gian lý tưởng nhất để khám phá thác Bản Giốc Cao Bằng. Dòng nước chứa chan tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Nếu may mắn, du khách có thể được chiêm ngưỡng cầu vồng rực rỡ do những ánh nắng chiếu vào những giọt nước li ti trên mặt thác. Đến đây, bạn có thể thong dong ngắm cảnh trên những chiếc bè mộc mạc hay trải nghiệm chèo thuyền kayak trên dòng Quây Sơn.

2. Khu di tích Pác Bó

Từ thành phố Cao Bằng, du khách chạy xe 50km về phía huyện Hà Quảng giáp biên giới Trung Quốc sẽ đến khu di tích Pác Bó. Bạn nên dành khoảng 4 tiếng để khám phá trọn vẹn khu di tích này.

Sau khi qua cổng tham quan, du khách sẽ thấy cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài Bắc Nam, đối diện là khu tưởng niệm Bác Hồ. Để tới được suối Lê Nin và núi Các Mác, bạn sẽ đi bộ qua thôn Pác Bó.


Khu di tích quốc gia Pác Pó (Ảnh: Sưu tầm)

Hiện ra trước mắt bạn sau quãng đường đi bộ qua thôn Pác Bó là ngọn núi Các Mác và suối Lê Nin. Men theo dòng nước trong xanh và đi về phía đầu nguồn là hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ từng sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Cách đó không xa là các điểm di tích lịch sử như bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, nhà ông Lý Quốc Súng…

3. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.


Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (Ảnh: Sưu tầm)

4. Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921. Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.


Động Ngườm Ngao (Ảnh: Sưu tầm)

Đến tham quan Cao Bằng, các bạn sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên có sông suối có núi rừng. Đây chắc chắn là một điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên và thích khám phá văn hóa người dân tộc bản địa.

Nguồn travel.com.vn

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Sắc thu vàng về trên vùng cao Đông - Tây Bắc

Dưới đây là một vài gợi ý dành cho du khách có thể dễ dàng tham quan mùa vàng nơi rẻo cao Đông - Tây Bắc thật ấn tượng.

Sắc thu vàng về trên vùng cao Đông - Tây Bắc

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải


Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở Yên Bái không chỉ là nguồn cảm hứng của các các phó nháy trong nước mà còn chinh phục trái tim của rất nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế. Nổi tiếng với các điểm ngắm mùa vàng siêu đẹp như Đồi Móng Ngựa có mùa lúa chín thu hút rất đông nhiếp ảnh gia tới săn hình. Bên cạnh đó là đồi mâm xôi, biểu tượng của mùa vàng Mù Cang Chải đẹp như tranh vẽ.

Ruộng bậc thang Y Tý


Ruộng bậc thang Y Tý

Đầu tháng 9 là thời điểm lúa Y Tý ngã vàng và người dân nơi đây bắt đầu vào mùa gặt. Điểm ngắm lúa chín đẹp nhất nhất Y Tý là thung lũng ruộng bậc thang A Lù. Những “sóng lúa” trập trùng từ sườn thung lũng xuống chân núi xen kẽ là những nếp nhà lợp gỗ tạo nên bức tranh thu vàng nên thơ.

Ruộng bậc thang Sa Pa


Ruộng bậc thang Sa Pa

Sa Pa luôn là điểm du lịch ngắm lúa chín hấp dẫn nhất Lào Cai. Để ngắm những ruộng lúa chín của Sa Pa, khách du lịch phải đi sâu vào các bản như bản Lao Chải, bản Tả Van, bản Hồ, bản Thanh Phú, bản Nậm Sài, bản Nậm Cang, bản Dền, bản Y Lình Hồ... Một trong những bản có nhiều thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn cho các tín đồ "sống ảo" là bản Tả Van. Những ruộng lúa núp dưới chân đồi, mênh mang trải dài như tấm thảm vàng.

Núi Ngũ Chỉ Sơn


Núi Ngũ Chỉ Sơn

Tọa lạc tại xã Giàng Tả Phình, thị xã Sa Pa, dãy núi Ngũ Chỉ Sơn gồm năm ngọn núi như những ngón tay khổng lồ vươn lên trời xanh, vào mùa lúa chín ruộc bậc thang xếp hàng thành tầng đẹp không kém thung lũng Mường Hoa. Những cánh đồng lúa chín hòa quyện đan xen với những thửa ruộng lúa xanh tạo nên những chiếc thảm xanh, vàng rộng như được đất trời ban tặng hòa chung vào với nhau. 

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì


Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Ảnh: Hoangnguyen

Lúa Hoàng Su Phì chín muộn hơn, thường giữa tháng 10. Theo như cách gọi của những người đam mê du lịch bụi, Hoàng Su Phì là nơi kết thúc trọn vòng cung ngắm lúa của toàn vùng cao miền Bắc. Tuy không được nổi tiếng như lúa Y Tý, Mù Cang Chải, nhưng không vì thế mà ruộng bậc thang nơi đây lại kém phần kỳ vĩ. ản Luốc, bản Phùng - nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất cả nước, hay danh thắng quốc gia xã Thông Nguyên, Nậm Ty... là những điểm dừng chân thú vị ở Hoàng Su Phì.

Xem thêm: Đi Tour ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngắm sắc thu lãng mạn

Tổng hợp

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Ẩm thực Bản Giốc ăn rồi nhớ mãi

Vùng đất Cao Bằng có quá nhiều những món ngon đặc sản, ai đã một lần được thưởng thức những đặc sản do người dân vùng núi rừng Đông Bắc thân thiện và vô cùng mến khách chế biến sẽ khó lòng mà quên được.

Ẩm thực Bản Giốc ăn rồi nhớ mãi

Bánh cuốn


Bánh cuốn

Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người miền xuôi, chấm bánh vào nước mắm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi.

Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.

Bánh trứng kiến 


Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc, Cao Bằng. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài. Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít kiệu thái nhỏ trộn thêm.

Bánh áp chao


Bánh áp chao

Món ăn được nhiều người Cao Bằng và du khách rất mê. Chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản, với một chảo dầu đầy, nóng, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên, ăn nóng kèm với một số phụ gia, rau thơm.

Những ngày mùa đông đến với Cao Bằng, bạn có thể tấp vào một quán lề đường, ngồi sưởi ấm giá rét bằng một chầu áp chao, thật khó quên.

Xôi trám


Xôi trám

Cây trám được trồng ở rất nhiều các tỉnh miền núi phía Bắc với óc sáng tạo của người dân nơi đây đã cho ra rất nhiều món ngon từ thứ quả này mà không đâu sánh được như: kho, sốt, làm mứt…cho tới món xôi béo ngậy ăn một lại cứ muốn ăn hai. 

Làm xôi trám không khó nhưng khá kỳ công, trám hái trên rừng về được tuyển lựa lấy những quả chín mọng, không bị sâu đem om cho mềm (ngâm với nước nóng từ 25-30 độ). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lựa lấy phần thịt trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, đến khi xôi có mầu hồng tím là được.

Cá Trầm Hương nướng


Cá Trầm Hương nướng

Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc. Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.

Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt... vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.


Tổng hợp