Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Làng nghề trăm tuổi yên bình qua ống kính smartphone

Không có những homestay nhỏ xinh, cũng chẳng hề sở hữu thắng cảnh nức tiếng, nhưng ngôi làng nép mình bên sông Đáy lại níu chân người qua bởi vẻ đẹp bình yên đến lạ.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây, làng Chuông không chỉ nổi tiếng với nghề làm nón suốt hơn 3 thế kỷ, mà còn sở hữu vẻ đẹp thanh bình với không khí an yên nhuốm vào từng ngõ nhỏ, ngôi nhà và khoảng sân.



Cây đa, bến nước, sân đình… nếu thật sự muốn tìm đến những biểu tượng của vùng quê đất Bắc hãy đến với làng Chuông. Hơn 300 năm trôi qua, chùa làng, sân đình như vẫn còn nguyên vẹn, có chăng chỉ phủ thêm những nếp gấp thời gian nhưng chẳng hề đổi thay.


Chiều mùa hạ khi mưa vừa tạnh, trên sân đình, những bông hoa đại phủ trắng một vùng sân. Mùa hoa năm nào, cây cũng trổ bông sai trĩu, tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau tựa như dải mây vắt ngang qua mái chùa cổ.


Nếu may mắn đến thăm làng Chuông vào đúng ngày chợ phiên mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 hàng tháng, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi muôn màu sắc bắt mắt: trắng của nón, vàng của mo, xanh màu lá lụi hay rực rỡ với sắc đỏ, hồng từ chỉ, cước…


Cũng như rất nhiều phiên chợ khác của vùng quê Bắc Bộ, chợ làng Chuông họp từ tờ mờ sáng. Có 6 phiên một tháng và 72 phiên chợ trong một năm. Nhưng so với nhiều nơi đã bị đô thị hoá, chợ làng Chuông vẫn giữ được nét mộc mạc, ban sơ thuở nào.


Hàng quán không xây thành từng ô kiên cố mà chỉ đơn giản là một chiếc áo mưa trải trên nền đất, thêm cục gạch thay cho ghế ngồi… Từng gian từng gian cách nhau một lối đi nhỏ thôi mà vẫn cứ tấp nập người qua. Phiên chợ quê buổi sáng sớm luôn nhộn nhịp như thế.


Tiếng rao bán, mặc cả, cười nói vang vọng trong không khí còn đẫm sương buổi sớm. Vùng quê yên ả vì có thanh âm của cuộc sống mà thêm phần tươi vui, rộn rã. Kích thước điểm ảnh lớn trên Huawei nova 3e giúp người dùng bắt được những chi tiết phức tạp của chủ thể, nhờ đó ảnh trở nên chân thực và sống động.


Đến làng làm nón lâu đời nhất xứ Bắc, không khó để bắt gặp hình ảnh những em bé 5, 6 tuổi hay cụ già ngoài 70 vẫn ngày đêm miệt mài gìn giữ nét đẹp của một nghề truyền thống. Qua cụm camera kép (16 - 2 MP), khẩu độ mở f/2.0 và khả năng điều chỉnh khẩu độ để tăng khả năng xóa phông trên Huawei nova 3e, bàn tay những người thợ làng Chuông hiện lên đầy chân thực rõ nét, chở theo bao nỗi lo toan vất vả thường ngày.


Từ khuôn tre, người thợ đặt chóp, xây nón, thắt nón, lồng cạp, khâu nhôi… chiếc nón nào trước khi nên hình cũng đều phải trải qua nhiều khâu tỉ mỉ, cầu kỳ như vậy. Mỗi ngày, một người chỉ có thể làm tối đa 2 chiếc nón, trừ đi nguyên vật liệu, số tiền lãi thu được không quá 100.000 đồng. Với 2.400 hộ dân ở đây, nghề làm nón không giàu nhưng đủ sống, hợp với vùng quê nghèo, ít cày cấy.


Những chiếc nón làng Chuông mang vẻ đẹp riêng bởi chúng được tạo nên từ bàn tay tài hoa và cái tâm của người nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề truyền thống. Đến làng Chuông, du khách không chỉ ghé thăm một làng quê Bắc Bộ đơn thuần, đó còn là nơi lưu giữ một phần hồn Việt gắn bó và thiêng liêng. Và với chiếc “máy ảnh mini” Huawei nova 3e, mọi khoảnh khắc ý nghĩa đều được ghi lại trọn vẹn.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Làm thế nào để tận hưởng Nhật Bản đẹp như mơ mà không tốn kém?

Xinh đẹp và giàu văn hóa, Tokyo là một thành phố phát triển và đắt đỏ của Nhật Bản. Vậy làm thế nào để vẫn hoàn thành ước mơ tới đây không ngập ngừng vì ngân sách?


“Tokyo thông thường không phải là một thành phố dành cho những du khách có ngân sách hạn hẹp. Tất cả khách sạn, nhà hàng và giao thông trong thành phố đều đắt đỏ” - Jonathan Alder, đứng đầu một công ty du lịch và cũng là chuyên gia về Tokyo cho hay. “Tuy nhiên vẫn có cách để bạn tận hưởng Tokyo với ngân sách hạn chế của mình”.

Du lịch Tokyo vào mùa đông: 


Bạn nên thăm thú Tokyo vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau, khi ấy giá phòng của khách sạn ở vào thời điểm thấp nhất trong năm, đồng thời thời tiết mùa đông cũng nhẹ nhàng và lạnh, đem đến những cơn mưa tuyết tuyệt đẹp. 


Với ngân sách hạn chế, bạn nên tránh đến Tokyo vào tháng 3 và 4. Mùa xuân cũng là mùa hoa anh đào, khi những lễ hội sẽ diễn ra ở khắp nơi và đẩy giá khách sạn lên cao.

Ở trung tâm thành phố: 


Một điều nữa bạn cũng nên lưu ý là nên chọn chỗ lưu trú gần ga Tokyo và Hoàng Cung Tokyo. Hai địa điểm trên đều gần nhau và khu vực trên cũng là trái tim của thành phố. Giá khách sạn ở khu vực này cũng cao hơn so với những vùng khác của thành phố, tuy nhiên giá dịch vụ giao thông cũng khá tốn kém nếu bạn ở xa.

Chi tiêu ăn uống hợp lý: 

Những du khách yêu ẩm thực nên dành một phần ngân sách cho bữa ăn sang trọng và xứng đáng ở Tokyo. Với món sushi và teppanyaki, quán Sushi Bar Yasuda và GO ở khách sạn Hoàng Cung (Palace Hotel) sẽ là lựa chọn phù hợp.



Với những bữa ăn còn lại ở Tokyo, bạn nên chi tiêu tiết kiệm hơn bằng cách tìm những quán ăn bình dân, nơi vẫn có thể trải nghiệm văn hóa độc đáo của Nhật Bản mà vẫn giữ lại hầu bao của mình. Một trong những điểm trải nghiệm văn hóa bình dân của đất nước mặt trời mọc là ga Tokyo.

Sử dụng phương tiện công cộng: 


Tàu điện ngầm là phương tiện nhanh nhất và rẻ nhất để dạo quanh thành Tokyo và đến mọi vùng miền, điểm du lịch của thành phố. Giá cho chuyến đầu tiên của tàu điện ngầm là 30.000 đồng và số tiền còn lại phụ thuộc vào bạn đi bao nhiêu nơi.

Tham quan những điểm đến miễn phí: 

Nhiều điểm đến của Tokyo được miễn phí hoặc có vé vào cửa khá rẻ. Tại quận Ueno có một công viên với vẻ đẹp như tranh vẽ, đồng thời lại mở cửa miễn phí. Ngoài ra những bảo tàng quốc gia có vé vào cửa chỉ dưới 200.000 đồng.


Ở Minato, bảo tàng Nezu là một nơi phải đến với những người yêu thích văn hóa và những khu vườn xinh đẹp của Nhật Bản, giá vào cửa chỉ dưới 250.000 đồng. Hoàng cung Tokyo miễn phí cho mọi người, nhưng bạn phải đặt vé online trước một tháng.

Mua sắm tại các cửa hàng Nhật Bản miễn thuế: 


Hãy nhớ cầm theo hộ chiếu mỗi khi đi du lịch bởi nó sẽ cho phép bạn mua hàng miễn thuế của thương hiệu Nhật Bản ở rất nhiều cửa hàng.

Đổi gió với 4 kiểu du lịch hè không thể bỏ qua

Các chuyến du lịch ngắn ngày hiện là xu hướng được nhiều người ưa thích khi có thể tận dụng kỳ nghỉ cuối tuần với lịch trình linh hoạt.

Theo các chuyên gia, thế hệ X (35-49 tuổi) đang khiến mùa du lịch thêm phần sôi động, khi đây là nhóm chính hướng đến các dịch vụ du lịch và quyết định chi tiêu nhiều nhất cho gia đình. Thành công trong sự nghiệp, thế hệ này có khả năng tài chính và bắt đầu nghĩ đến việc tận hưởng sau thời gian dài cống hiến cho công việc. Cùng với thế hệ Millennials (21-34 tuổi) ưa thích xê dịch, thế hệ X đang góp phần tạo nên 4 xu hướng du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua.

“Short-trip” lên ngôi


“Short-trip” - xu hướng du lịch ngắn ngày đang trở nên phổ biến với du khách. Những chuyến đi thường kéo dài 2-3 ngày được nhiều du khách ưa thích bởi sự thuận tiện, thời gian linh hoạt và có thể tận dụng vào kỳ nghỉ cuối tuần.

Du lịch ngắn ngày không chỉ mang đến sự thuận tiện về thời gian mà còn dễ dàng lên kế hoạch và chi phí hợp lý. Cạnh đó, xu hướng này cũng giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn về các điềm đến và dịch vụ đi kèm. Thay vì dành hết cả tuần tại Đà Nẵng hay Ninh Bình, “short-trip” giúp du khách trải nghiệm hết địa điểm mà mình muốn đến tại mọi thời điểm trong năm một cách linh hoạt.

Du lịch nghỉ dưỡng


Một trong những vấn đề khách du lịch hay than thở là họ bị tăng cân sau những chuyến du lịch dài ngày. Vì thế loại hình du lịch nghỉ dưỡng: du lịch kết hợp với các hoạt động lành mạnh có lợi cho sức khỏe như yoga, đạp xe… đã được ưu tiên lựa chọn.

Năm 2018, xu hướng này được dự báo tiếp tục thu hút du khách. Sau những giờ làm việc căng thẳng, chỉ qua một chuyến bay 2 giờ, bạn và gia đình đã có thể đặt chân đến những chuỗi khách sạn nổi tiếng, những spa yên bình trong các khu nghỉ dưỡng. Hành trình này sẽ giúp bạn xua tan mệt mỏi, đồng thời xóa bỏ nỗi lo tăng cân sau những kỳ nghỉ dài ngày.

Du lịch hành hương


Tại các nước, ngày càng có nhiều người thực hiện chế độ ăn chay vì những lợi ích đối với sức khỏe. Chính vì thế, một chuyến đi dành riêng cho những người ăn chay, kết hợp hành hương được xem là rất hấp dẫn.

Với ẩm thực phong phú cùng vô số đình chùa, nhà thờ trải dài trên khắp cả nước, Việt Nam là một trong những quốc gia được du khách yêu thích cho các chuyến du lịch hành hương, tâm linh. Một chuyến đi thuần túy với các món ăn “không thịt cá” giúp du khách trở nên “nhẹ nhàng” cả về thể chất lẫn tinh thần.

Du lịch khám phá


Không chỉ thu hút các phượt thủ, du lịch khám phá cũng đang là xu thế được người trẻ cũng như các gia đình lựa chọn. Du lịch khám phá ngày nay được hiểu rộng hơn ngoài các loại hình du lịch mạo hiểm. Xu hướng du lịch này sẽ chuyển hướng từ những thành phố lớn, ồn ào sang những vùng ngoại ô, miền quê, miền biển trong lành, mát mẻ.

Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm tinh thần khác biệt mà còn là cơ hội để trẻ em, người thích vận động có thêm cơ hội học hỏi, khám phá văn hóa, ẩm thực tại nhiều vùng miền khác nhau. Cạnh đó, mạo hiểm với tour Sơn Đoòng, các hang động nổi tiếng tại cung đường di sản miền Trung hay không gian văn hóa phía Bắc, phía Nam cũng luôn nằm trong list của khách du lịch.

Theo Kim Ngân

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

8 điều cần nhớ để chuyến du lịch Bali thêm phần trọn vẹn

Bali (Indonesia) sẽ thực sự là thiên đường du lịch trong mùa hè này nếu bạn "nằm lòng" 8 lưu ý sau, từ việc lựa chọn các trải nghiệm đến việc trả giá.



1. Chọn Tây Bali để lướt sóng, chọn Đông Bali để lặn biển: 

Lướt sóng ở Bali là trải nghiệm du lịch nổi tiếng thế giới. Bạn nên chọn các bờ biển phía Tây Bali như Kuta để tận hưởng những lớp sóng đáng kinh ngạc ở đây. 


Trong khi đó, vùng nước tĩnh lặng ở phía Đông Bali lại rất thích hợp cho các hoạt động lặn biển, ngắm san hô như lặn với bình dưỡng khí, hoặc lặn với ống thở và kính bơi.


2. Thuê xe máy để di chuyển: 


Dù lúc đầu sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhất là khi bạn chưa quen với tình trạng kẹt xe ở trung tâm thành phố, song xe máy cho thuê giá rẻ là lựa chọn hợp lý để bạn tự do khám phá Bali. Nhớ kiểm tra bình xăng xe, và đừng quên mũ bảo hiểm.

3. Đừng bỏ lỡ Gilis: 

Quần đảo gồm 3 đảo nhỏ Gilis nằm ngoài khơi phía Tây của Lombok, cách Bali chưa đầy 2 giờ đi tàu. Để tiết kiệm, bạn nên chọn tàu công cộng để ra đảo, thay vì một tàu cao tốc tư nhân.


Đến "thiên đường" Gilis, hãy đạp xe dạo quanh những bờ biển cát trắng tuyệt đẹp ở đây, hay bơi lội dưới làn nước trong xanh cùng những đàn cá nhiệt đới và những chú rùa biển đáng yêu.

4. Xem điệu múa nhảy lửa tại Uluwatu: 


Điệu múa truyền thống nhảy lửa đặc sắc có thể được trình diễn ở mọi nơi, song không có địa điểm nào tuyệt vời hơn cho bạn trải nghiệm này bằng ngôi đền trên đỉnh vách đá cổ Uluwatu, thuộc bán đảo Bukit phía Nam Bali.

5. Chăm sóc sức khỏe ở Ubud: 

Ubud không chỉ là trung tâm văn hóa truyền thống của Bali, mà giờ đây còn là trung tâm của một phong trào chăm sóc sức khỏe toàn diện. Bạn có thể học yoga tại The Yoga Barn, hay ghé nhà hàng The Seeds of Life thưởng thức ẩm thực tươi sống, giải độc.


Đến đây, bạn cũng có thể tản bộ qua các khu ruộng bậc thang nổi tiếng, tham quan Rừng Khỉ, hoặc đi bè trên dòng sông Ayung tuyệt đẹp.


6. Ăn cả thế giới: 

Bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon ở Bali - từ món thịt lợn nướng truyền thống babi guling nức tiếng, đến ẩm thực của nhiều quốc gia khác. 


Nếu đến chợ đêm Gili Trawangan, hãy thử những con tôm nướng tươi ngon cỡ lớn được đánh bắt từ đại dương. Bạn cũng đừng quên món salad Indonesia gado gado với rau và trứng luộc hấp dẫn. 


7. Thận trọng với vấn đề tiền bạc: 


Cố gắng sử dụng máy ATM nếu có thể. Nên tránh những người đổi tiền, vì nếu bạn nhầm lẫn hoặc bất cẩn, họ có thể dễ dàng "qua mặt" bạn mà đổi ít hơn sự thỏa thuận. Nếu cần, bạn nên tự mình tính toán và kiểm tra lại số tiền.

8. Học cách trả giá cho hầu hết mọi thứ: 


Bali, thường sẽ có mức giá cho người dân địa phương, và mức giá dành riêng cho khách du lịch. Nếu khéo léo, bạn có thể mặc cả để có được những món hàng giá hời. Thậm chí cả những dịch vụ tưởng chừng đã cố định giá như khách sạn hay tour du lịch, bạn vẫn linh động thỏa thuận được. 

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Cuối tuần Sài Gòn đổi gió, vi vu khám phá xứ Gò Công

Xứ Gò Công (Tiền Giang) nổi tiếng là quê hương của nhiều nhan sắc nức tiếng Nam Bộ. Nhưng ít ai biết thị xã ven biển ấy cũng có những danh lam thắng cảnh đẹp níu chân bao du khách.

Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, thế hệ trẻ chúng tôi đam mê dịch chuyển đến những nơi xa xôi, xa rời ánh đèn thị thành. Từ những thửa ruộng bậc thang vùng cao Tây Bắc, những bờ biển dọc miền Trung cho tới hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có dấu chân người trẻ. Nhưng hỏi về những vùng đất quanh thành phố, tôi chỉ biết lắc đầu.


Ngôi đình cổ và những dấu tích xưa

Sáng chủ nhật ngồi nhâm nhi cà phê, bất chợt bạn tôi hỏi:

"Ông đi Gò Công chưa?"

"Chưa, có gì ở Gò Công mà đi", tôi đáp gọn gàng.

"Thế đi, đi thử một lần cho biết".

Sẵn có máy ảnh trong tay, tôi với bạn xách xe máy, 2 đứa rong ruổi từ Sài Gòn xuống Gò Công. Thị xã nhỏ thuộc tỉnh Tiền Giang cách Sài Gòn không xa, chỉ khoảng tầm 60 km. Cứ chạy xuôi theo hướng quốc lộ 50, hướng Cần Được - Long An, qua cây cầu Mỹ Lợi là gần tới rồi.

Cảnh sắc 2 bên cũng chuyển dần từ thành thị sang khung cảnh nông thôn Nam Bộ. Từ trên cầu Mỹ Lợi, nhìn thấy ngút ngàn con sông Vàm Cỏ, bỗng dưng tôi nhớ dấu ấn của những bến phà xưa nay không còn nhiều.

Khung cảnh đình Tân Đông nhìn từ xa.

Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi quyết định ghé qua không phải chốn lui tới phổ biển mà là ngôi đình Tân Đông tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông, nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 4-5 km. Ngày cuối tuần, cũng có vài du khách tranh thủ tới đây tham quan, chụp ảnh.

Ấn tượng đầu tiên về ngôi đình là những tán cây cổ thụ xòe rợp bóng, xếp tầng trên những bức tường úa màu thời gian, bong tróc từng mảng để lộ ra hàng gạch đỏ tươi. Vẻ hoang sơ, cổ kính bao trùm lên bóng dáng của cả ngôi đình có lịch sử hơn trăm tuổi.

Các cụ cao niên trong làng kể, ngôi đình xây từ đầu thế kỷ 20, như hàng chữ còn ghi lại trên tường là năm 1907. Trải qua bao thăng trầm lịch sử của vùng đất Gò Công, ngôi đình vẫn đứng vững chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này.

Ngôi đình có tuổi đời 111 năm.

Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh, tôi nhìn quanh ngôi đình không khỏi xót xa. Chẳng còn bóng dáng một ngôi đình được gìn giữ, làm nơi hội họp của dân làng như trước nữa. Giờ đây, chỉ còn gạch ngói hoang tàn đổ vỡ, cỏ dại mọc chen tán cổ thụ. Chỉ sợ có lúc, dấu ấn thời gian kia cũng sẽ biến mất nếu không được trùng tu, bảo tồn.

Gò Công - Thiên đường của những món ăn bình dị đượm nghĩa tình

Rời đình Tân Đông, chúng tôi chạy xe lại vào phía trong thị trấn Gò Công. Nghe ai đi về cũng nói hải sản Gò Công hấp dẫn thơm ngon lắm, lại rẻ nên chúng tôi quyết định ra biển Tân Thành hóng gió rồi dừng chân dùng bữa trưa.

Nam Bộ vào mùa mưa, trời xầm xì nhưng mưa chưa tới, thích hợp để đi dạo bãi biển. Gò Công không nổi tiếng với những bãi biển cát trắng trải dài mà chủ yếu, người dân nơi đây dựng các bãi nuôi nghêu bên bờ biển Tân Thành.

Cây cầu dẫn ra biển Tân Thành, Gò Công .

Chúng tôi đi dọc cây cầu dài dẫn ra bãi biển. Cảnh vật ở đây đìu hiu, quạnh quẽ, xa xa thấp thoáng bóng những chiếc chòi canh nghêu của người dân địa phương. Gò Công sẽ không phải nơi phù hợp cho các gia đình muốn nghỉ dưỡng hay tắm biển, nhưng với những người thích lang bạt, thích tận hưởng không khí biển trong lành mà yên bình thì đây cũng là một lựa chọn không tồi.

Ngắm nhìn cảnh biển nơi đây, ta thấy lòng mình như lắng lại; một khung cảnh rất khác so với Vũng Tàu, Nha Trang hay biết bao vùng biển tấp nập người khác.

Những nhà hàng bên bờ biển được dựng trên cọc gỗ trông hết sức ấn tượng. 

Thong dong ngắm cảnh, ngắm người đi cào nghêu, chúng tôi quay lại một nhà hàng gần đó, gọi một nồi lẩu hải sản thập cẩm. Biển trưa mà mát mẻ, gió thổi lồng lộng, hương vị của những con nghêu, tôm, mực trong nồi lẩu chua cay cũng thơm ngon hơn ngày thường, có lẽ một phần do do hợp khung cảnh. Khu vực này không thu vé vào cửa, giá đồ ăn uống cũng không quá đắt, 2 người với một nồi lẩu hải sản 200.000 đồng là thoải mái.


Quê hương của những công trình lịch sử

Đến Gò Công, bạn không nên bỏ qua những công trình lịch sử như Lăng Hoàng gia, dinh Tỉnh trưởng và nhà Đốc Phủ Hải. Chúng tôi đến đúng ngày Lăng Hoàng gia đóng cửa nên vòng về nhà Đốc Phủ Hải trước. Căn nhà xây từ những năm 1860, trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng, căn nhà có dáng dấp kiến trúc Pháp như ngày nay. Dù nằm giữa trung tâm thị xã, căn nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải vẫn có dáng vẻ trầm mặc.

Chúng tôi là 2 người khách hiếm hoi đến thăm căn nhà lúc bấy giờ. Bên trong nơi đây trưng bày nhiều đồ nội thất có giá trị, pha trộn nét văn hóa Đông Tây.

Nhà Đốc Phú Hải Gò Công. 

Ngồi trò chuyện với người trông nom ngôi nhà một lúc, chúng tôi xin phép rời đi. Điểm đến tiếp theo là Dinh tỉnh trưởng Gò Công - một công trình mang kiến trúc Pháp nhưng cũng đã xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên dinh Tỉnh trưởng rộng rãi, thoáng mát với một căn nhà chính đồ sộ nằm giữa sân. Giờ đây nó giống như một sân chơi cho người dân Gò Công. Khi tôi tới, thấy có vài đám học sinh trung học đang ngồi trò chuyện, chụp ảnh trước dinh Tỉnh trưởng.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công

Công trình rộng hơn 1.000 m2 này cũng được xây từ năm 1885, nghĩa là cũng đã hơn 130 tuổi chứ chẳng đùa. Hóa ra, thị xã ven biển Gò Công này cũng có nhiều công trình lịch sử sánh ngang thành phố hơn 300 năm lịch sử Sài Gòn mà giờ tôi mới hay.

Chạy xe vòng vòng quanh thị xã, kịp chiêm ngưỡng thêm vài nơi như đền Trung, nhà thờ Thánh Tâm thì trời chuyển giông lớn, chúng tôi đành phải tìm đường về lại Sài Gòn trước khi mưa đổ lại mắc kẹt ở đây. Bỏ lại Gò Công đằng sau, tôi vẫn thấy tiếc vì chưa có dịp thử nhiều món ngon địa phương của thị xã này.

Công trình kiến trúc đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Vừa đi vừa ngoái lại, trong đầu vẫn còn văng vẳng câu hát "Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho xuôi về Gò Công...". Xuôi về cái miền đất này một ngày ngắn ngủi mà cũng thấy nhớ đất, nhớ người làm sao. Sẽ có dịp, tôi trở lại Gò Công để thưởng thức phong vị ẩm thực và nhìn ngắm lại cuộc sống yên bình, tươi đẹp nơi đây.

Một góc kiến trúc Pháp thơ mộng tại dinh tỉnh trưởng Gò Công.


Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Tận hưởng trọn vẹn Phượng Hoàng Cổ Trấn với những mẹo sau.

Với kiến trúc mang đậm phong cách của thành cổ, Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) là điểm đến rất “đáng” cho mùa hè năm nay.


Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm phía tây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), là một thị trấn cổ xinh đẹp. Mình thường thích đi du lịch tự túc nên phải tìm hiểu khá kỹ về vé máy bay và visa nhưng lần này, may mắn có dịp tham gia với đoàn cùng chỗ làm nên không phải lo lắng nhiều. Vậy nên, mình sẽ chia sẻ với các bạn những mẹo nhỏ trong chuyến đi, hy vọng giúp ích được cho những ai có nhu cầu.

Thời gian du lịch

Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khoảng tháng 5 đến tháng 11. Theo kinh nghiệm của mình, ở bất kỳ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi vào giữa tuần cho vắng.

Nếu không, bạn hãy chọn thời điểm đi sau những ngày lễ lớn. Mình đi sau Quốc tế Lao động 1/5 nên có những chỗ nghe nói phải xếp hàng đến 2-3 tiếng, còn chúng mình chỉ tốn 10-15 phút là đã vào đến nơi.


Đổi tiền

Phượng Hoàng Cổ Trấn, nếu bạn chỉ đi chơi, chụp ảnh và ăn vài món địa phương thì chỉ cần đổi khoảng 1 triệu đồng là thấy "như đại gia" rồi. Đa số các món ăn ở đây mình nếm đều rơi vào khoảng 5 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ chưa đến 3.600 đồng). Các món quà lưu niệm đều không đặc sắc cho lắm nên mình cũng không móc hầu bao nhiều.

Vé máy bay và visa

Về visa, bạn sẽ mất 3 ngày nếu làm dịch vụ và 1 tuần trong trường hợp tự làm. Xin visa Trung Quốc không quá khó nên bạn đừng lo. Còn như mình làm chung visa với đoàn nên chỉ cần một người đứng ra đại diện là xong.

Về vé máy bay, mình bay hãng China Southern từ Sài Gòn sang Quảng Châu, nối chuyến tới Trương Gia Giới rồi đi xe khách khoảng 4 giờ là tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.


Khách sạn

Điểm đặc biệt cần lưu ý là khách sạn ở Trung Quốc đều không chuẩn bị các dụng cụ cá nhân cơ bản như bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu… Nếu muốn sử dụng, bạn sẽ phải chi trả thêm chi phí ngoài tiền thuê phòng. Còn lại, chỗ ở khá sạch sẽ và không có gì đáng chê trách.

Ngôn ngữ

Không may là ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng thôn quê như Phượng Hoàng Cổ Trấn, hầu hết mọi người đều không ai hiểu và nói được tiếng Anh, kể cả tiếp viên hàng không. Tốt nhất trước khi đi, bạn nên soạn sẵn hình ảnh cần sử dụng (bao gồm cả đồ ăn và địa điểm du lịch) rồi chỉ cho người dân địa phương là họ sẽ chỉ mình nhiệt tình. Các bạn cũng nên ghi lại những địa điểm cần thiết như tên khách sạn, tên đường trong trường hợp cần thiết.

Về chuyện tính tiền, trước khi mua gì, bạn nên chỉ chính xác món bạn muốn mua rồi chìa phần mềm máy tính trên điện thoại ra cho họ bấm. Đồng ý thì giơ tay ra hiệu mình muốn bao nhiêu cái.


Sim và Internet

Mình ở Trung Quốc 5 ngày 4 đêm mà không hề bỏ tiền ra mua sim vì lịch trình đi rất dày, đi ngắm cảnh và chụp ảnh thôi là hết ngày, không có thời gian để "lượn lờ" trên mạng như ở nhà. Bạn bè mình đi trước cũng dặn là không nên mua sim vì sim Trung Quốc bật vào mạng được trong “một hơi thở là đứng hình”. Bạn nên chịu khó dùng wifi ở khách sạn cập nhật tin tức (mạng gần như chỉ đủ để bạn đọc tin và nhắn tin).

Ngoài ra, bạn nên cài sẵn ứng dụng VPN (Virture Private Network) vì Trung Quốc chặn hoàn toàn Facebook và Viber. Ứng dụng này sẽ giúp bạn “vượt tường lửa một cách ảo diệu” để check-in sống ảo trong thời gian còn ở Trung Quốc.

Chụp ảnh

Đây là vấn đề quan trọng mà chắc các bạn cũng quan tâm nhất. Để nổi bật giữa chốn này, bạn nên chọn trang phục các tông màu nóng như đỏ, vàng, cam hoặc màu đậm chất vintage như nâu, xanh coban…


Bạn nên dậy thật sớm, sớm nhất có thể. Khi đó, cả thị trấn này là của bạn. Mình dậy từ 4h30, chuẩn bị xong đến 5h. Lúc dậy trời tối "như đêm 30" và chúng mình chỉ đi theo ánh đèn flash từ điện thoại. Nếu đến Phượng Hoàng Cổ Trấn tối hôm trước thì bạn nên dành thời gian đi hết dọc sông để ngắm chỗ chụp sẵn. Sáng dậy đi ra đúng chỗ "diễn" thôi.


Chụp hình xong, các bạn có thể dùng VSCO để lên màu, đây cũng là bước tối quan trọng để có những bức hình siêu ảo (mình dùng dải màu C - tông vintage để chỉnh hình theo hướng cổ và đượm buồn).

Ăn uống

Mình nghe mọi người nói khi đi nên mang theo ruốc để ăn với cháo trắng vì đồ bên này rất khó ăn nhưng gần như mình chẳng phải đụng đến hộp ruốc này. Đồ ăn ở đây chỉ lạ với khẩu vị người Việt thôi chứ không quá tệ như người ta đồn.



Có hai vị lấn át rõ ràng ở đồ Trung là nhạt và ngấy dầu mỡ. Nếu không quen, các bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy ớn vì họ toàn ăn thịt, mà thịt phải gọi là "mỡ kẹp". Gà bên này chặt như xương vụn. Các món đặc sản bạn nên thử là đậu phụ thối, bánh tép chiên, lẩu cá cay, đồ nướng và kẹo gừng… Đồ ăn mua về làm quà có chân gà sốt cay đóng gói, táo tàu sấy khô và trái cây các loại.

Theo news.zing.vn