Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Huế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Huế. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

3 địa điểm du lịch miền Trung không thể bỏ qua

 Miền Trung Việt Nam là nơi hội tụ đầy đủ linh hồn của núi rừng hùng vĩ, biển xanh cát trắng và cảnh quan hùng vĩ. Các thành phố này hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi sự giao thoa hòa hợp được thiên nhiên ưu ái ban tặng này, mà còn là nhờ vào văn hóa ẩm thực, lịch sử đa dạng, đặc sắc. Hãy khám phá “cẩm nang” du lịch miền Trung cực chi tiết trong bài viết sau đây!

1. Đà Nẵng - Thành phố biển “xinh đẹp”

Thành phố biển Đà Nẵng từ bao đời nay đã là địa điểm lý tưởng không chỉ với khách bản địa mà còn đông đảo khách du lịch nước ngoài. Với vị trí địa lý trung tâm, Đà Nẵng được bao bọc bởi những địa danh nổi tiếng như Huế, Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. 


Đà Nẵng - Thành phố biển “xinh đẹp” (Ảnh: Sưu tầm)


Thành phố sở hữu nhiều thắng cảnh lịch sử đẹp đến “xiêu lòng” khiến để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khách du lịch Đà Nẵng. Với những đổi mới hiện đại và không ngừng cải tiến, du khách đến đây có cơ hội trải nghiệm loạt khu du lịch sinh thái, những cây cầu kiến trúc “độc lạ” cùng hàng loạt hình thức giải trí.

  • Bán đảo Sơn Trà, viếng Chùa Linh Ứng: Là sự giao thoa của nước biển xanh trong, những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Nơi đây có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam, cũng là địa điểm thu hút du khách kéo về để cầu nguyện cho những điều bình an, may mắn. Từ đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.

  • Phố Cổ Hội An, Chùa Cầu, Nhà Cổ Phùng Hưng, Hội Quán Phước Kiến, Cơ sở Thủ Công Mỹ Nghệ: Là thành phố cổ đẹp hàng đầu Châu Á, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến với du lịch Hội An, bạn có cơ hội ngắm nhìn hàng loạt những kiến trúc mang đậm chất Việt, độc đáo và cuốn hút, nhất là đối với những ai yêu nét đẹp hoài cổ.

  • Làng Đá Non Nước Nguyễn Hùng hoặc Quốc Hiệp: Nơi mà du khách có thể mua đá mỹ nghệ tạo phong thủy làm quà tặng cho người thân và bạn bè.

  • Khu du lịch Bà Nà - Cầu Bàn Tay Vàng: Tận hưởng thời tiết bốn mùa chỉ trong 1 ngày, với những công trình kiến trúc châu Âu ấn tượng như Hầm Rượu Debay, vườn hoa Le Jardin D’Amour, khu vui chơi Fantasy Park. 

2. Huế - Mảnh đất cung đình cổ kính 

Thành phố Huế chính là nơi lưu giữ những văn hóa, lịch sử đặc sắc nhất đất nước. Mảnh đất này trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và biến động của lịch sử, tuy vậy vẫn luôn giữ mãi nét dịu dàng, trang nghiêm.


Huế - Mảnh đất cung đình cổ kính bạn nên viếng thăm (Ảnh: Sưu tầm)


Du lịch Huế du khách có cơ hội chiêm ngưỡng loạt cảnh quan thiên nhiên cổ kính, nên thơ, trong số đó có thể kể đến những địa điểm thu hút khách khắp nơi như:

  • Đại Nội: Là dấu ấn văn hóa thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, là hoàng cung xưa của 13 vị vua triều Nguyễn, được  tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

  • Chùa Thiên Mụ: Là biểu tượng của Cố đô Huế, lưu giữ nhiều cổ vật quý báu mang ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật.

  • An Định Cung: Nằm bên bờ sông An Cựu, là cung điện riêng của vua Khải Định và thừa kế bởi vua Bảo Đại 

  • Làng hương Thủy Xuân: Du khách có cơ hội check-in tại làng nghề cổ truyền nổi tiếng với sắc xanh bao trùm dưới chân đồi Vọng Cảnh 

3. Quy Nhơn - Vẻ đẹp tạo hóa “ban tặng”

Là thành phố biển tỉnh Bình Định, Quy Nhơn được “trời phú” cho những đường bờ biển xinh đẹp nằm uốn mình dưới những dãy núi sừng sững. Trước là biển xanh bao la, sau là núi non hùng vĩ đã giúp do du lịch Quy Nhơn trở nên phát triển hơn trong những năm gần đây. 


Cảnh đẹp ở Quy Nhơn du khách không nên bỏ lỡ (Ảnh: Sưu tầm)


Không chỉ có biển, hàng loạt điểm đến ở Quy Nhơn chắc chắn sẽ làm bao du khách “say mê” quên lối về:

- Eo Gió: Địa điểm check in có “một không hai” trong lòng du khách, đặc biệt là giới trẻ. Vẻ đẹp hoang sơ ở Eo Gió được ví như bức tranh sơn thủy hữu tình, trong đó có sự hòa quyện rõ nét giữa trời, mây, nước, biển và núi.

- Cầu Thị Nại: Nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam 

- Tháp Đôi: Là cụm tháp nằm trong thành phố, có niên đại từ thế kỷ XII. Là sự kết hợp giữa kiến trúc tháp Champa Bình Định và phong cách Khmer thời Angkor Wat - Bayon.

- Mộ Hàn Mặc Tử: Mộ nằm tựa lưng vào núi tạo nên vẻ đẹp độc đáo, nên thơ. Từ vị trí này du khách có thể nhìn ngắm bao quát cả dải bờ biển chạy trước mặt, một nhịp sống của thành phố biển Quy Nhơn như hiện ra sống động trước mắt.


Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn khám phá những điểm du lịch miền Trung lý tưởng cho mùa hè này!


Theo Vietravel.com.vn

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Top 5 địa điểm tham quan ở Huế vừa thú vị, vừa lên hình đẹp

Khám phá Huế, nếu bạn muốn “đi một lần, đăng ảnh cả năm” thì không thể bỏ qua những tọa độ check-in đẹp mê hồn dưới đây. 

Top 5 địa điểm tham quan ở Huế vừa thú vị, vừa lên hình đẹp
Ảnh: Tạ Xuân Hương

Đại Nội Kinh thành Huế


Đại Nội Kinh thành Huế
Ảnh: Tạ Xuân Hương

Chốn cung đình xưa cũ của triều đại nhà Nguyễn là điểm khám phá không mỏi chân của nhiều du khách du lịch Huế. Du khách đến đây có thể tìm được vô số điểm check-in ấn tượng, từ bức tường đến bậc thang loang lổ, nhuốm màu thời gian. Không gian kiến trúc ở Đại Nội Kinh thành Huế uy nghi, cổ kính, nổi bật với hành lang đỏ sơn son thếp vàng tỉ mỉ sẽ là background hoàn hảo để sống ảo ở đây. 

Cung An Định


Cung An Định
Ảnh: susuunp

Cung An Định không chỉ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch Huế mà còn là nơi chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ. Đây chính là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến lúc làm vua. Công trình này được xem là kiến trúc tiêu biểu của phong cách xây dựng Việt Nam giai đoạn tân – cổ điển. Nếu chịu khó đầu tư trang phục một chút, bạn sẽ có được những khung hình nghệ thuật không kém các trang bìa tạp chí. 

Nhà thờ Phủ Cam


Nhà thờ Phủ Cam
Ảnh: @nanapety

Nhà thờ Phủ Cam được xây theo lối kiến trúc hiện đại và cổ kính phương Tây là địa điểm tham quan, du lịch Huế yêu thích của nhiều người. Điểm nhấn của ngôi nhà thờ này là phần mặt tiền với hai tháp chuông vươn thẳng lên trời cao như một cuốn Kinh Thánh mở ra, nhưng đồng thời cũng mang dáng dấp của một đầu rồng đang há miệng. Và mặc dù được xây dựng với vật liệu đá thô, chính sự cân đối trong tỷ lệ và đường nét khiến phần mặt tiền của nhà thờ Phủ Cam trở nên vô cùng mềm mại, thanh thoát. Do đó, nơi đây còn được rất nhiều bạn trẻ yêu “sống ảo” đến chụp choẹt. 

Làng hương Thủy Xuân


Làng hương Thủy Xuân
Ảnh: Tạ Xuân Hương

Làng hương Thủy Xuân, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía tây nam, được biết đến khi xuất hiện nhiều trong ảnh giới trẻ. Nơi đây nổi bật với những bó hương nhiều rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa. 

Đầm Chuồn


Đầm Chuồn
Ảnh: @_tronvo_

Đầm Chuồn cũng là một điểm du lịch Huế khá có tiếng trong giới “sống ảo”. Đầm Chuồn quyến rũ, du khách thập phương bằng nét đẹp bình dị mà “thiên biến vạn hóa” trong ngày. Lúc bình minh, đầm Chuồn có màu cam đỏ hay cam hồng, rực sáng trong nắng vàng ban trưa và nhuộm màu tím hồng trong buổi chiều tà, cũng chính bởi vẻ đẹp ấy mà nơi đây thu hút nhiều người đến săn ảnh, nhất là nghệ sĩ nhiếp ảnh gia nổi tiếng. 

Xem thêm: Gợi ý những trải nghiệm du lịch hàng đầu ở Huế

Tổng hợp

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Khám phá Đầm Chuồn - đẹp mê hoặc nổi tiếng xứ Huế

Cảnh sắc tại Đầm Chuồn đẹp đến mức nhiều người dân địa phương ví nơi đây như một bức tranh phong cảnh tuyệt hảo. Khu vực này cách trung tâm thành phố Huế chỉ 15 km về phía Nam, khá thuận lợi cho khách du lịch di chuyển. 

Khám phá Đầm Chuồn - đẹp mê hoặc nổi tiếng xứ Huế
Ảnh: Nhat Nguyen Truong Hoang

Đầm Chuồn - điểm du lịch nổi tiếng miền Trung 


Đầm Chuồn - điểm du lịch nổi tiếng miền Trung 1
Ảnh: Nông Thanh Toàn

Đầm Chuồn (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một đầm nhỏ thuộc hệ đầm phá Tam Giang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km về phía Nam. Giới nhiếp ảnh thường xuyên đến đây sáng tác vào những buổi bình minh, hoàng hôn hoặc những ngày thời tiết đẹp. Chỉ cần đi theo QL 49 về hướng An Truyền, qua quốc lộ 1 bạn sẽ đến địa danh này. 

Đầm Chuồn - điểm du lịch nổi tiếng miền Trung 2
Ảnh: Nông Thanh Toàn

Cảnh sắc tại đây đẹp đến mức nhiều người ví như một bức tranh phong cảnh tuyệt hảo. Du khách khi ghé Đầm Chuồn sẽ có cơ hội thưởng thức những món đặc sản tươi ngon với giá thành khá rẻ, do chính những ngư dân đánh bắt và chế biến. 

Thưởng thức ẩm thực ở Đầm Chuồn 


Thưởng thức ẩm thực ở Đầm Chuồn 1
Ảnh: Nông Thanh Toàn

Không chỉ ghi dấu ấn bởi phong cảnh nhẹ nhàng, mộc mạc, Đầm Chuồn còn nổi tiếng bởi con người địa phương chân chất, đôn hậu. Công việc của họ ở đây bất đầu lao động từ lúc xế chiều, chuẩn bị bữa tối rồi theo những con đò nhỏ nối đuôi nhau ra xa dưới ánh nắng nhạt dần buông xuống. Các chòi nhỏ sát biển, nơi nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chính là chỗ dừng chân của người lao động. Mỗi sáng, họ theo con đò nhỏ từng đoàn về trong ánh bình minh để kịp bán cho chợ con tôm, con cá. 

Thưởng thức ẩm thực ở Đầm Chuồn

Người dân nơi đây khuyên rằng nếu đã đến Đầm Chuồn, bạn hãy cố gắng dành thời gian để nhâm nhi 5 loại cá nổi tiếng như cá mú, cá nâu, cá ong, cá dìa, cá kình. Thịt của những loại này rất thơm, ngon, chắc, ngọt khiến bạn “ăn một lần nhớ một đời”. Ngoài ra, du khách cũng đừng quên ăn bánh khoái cá kình, món ăn có hương vị đậm đà, đặc trưng của con người xứ Huế. Không chỉ khách du lịch, người địa phương cũng hay rủ nhau về Đầm Chuồn để tận hưởng sự bình yên. Những món ẩm thực đặc sắc của dân chài chính là thứ quyến rũ mọi người kéo nhau về vào những ngày nắng. 


Theo Kevin Long | Zing

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Về Huế nhớ ăn cơm âm phủ

Cơm âm phủ là một món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/Có quán Âm phủ ma rình phía sau”. Cơm âm phủ có hương vị tinh tế, không cần nguyên liệu cao sang mà vẫn phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.



Du khách ghé thăm cố đô Huế không chỉ quyến luyến những dòng sông, ngôi chùa và những bài dân ca trữ tình ngọt ngào mà còn đong đầy nỗi nhớ thương nền ẩm thực tinh tế và dung dị của thành phố này. Các món ăn Huế không cầu kì, sang trọng nhưng mỗi hương vị lại như một lời thì thầm thương mến gửi đến thực khách. Và ngoài bún bò, bánh bèo, cơm hến, chè… còn có một món ăn khiến nhiều thực khách phải tìm thưởng thức cho bằng được, đó chính là cơm âm phủ.


Cơm âm phủ thực chất là món cơm trộn thập cẩm đặc sắc về hình thức lẫn hương vị, đã có mặt từ rất lâu ở đất cố đô. Tương truyền, ngày xưa Vua Bảo Đại thường vi hành để khảo sát đời sống người dân. Trong một lần, vì cảm thấy đói bụng nên vua đã dừng chân xin cơm tại một nhà bà lão. Bà lão mang ra một dĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày như dưa leo, rau cải, trứng, thịt,… được thái thành sợi.

Vua được mời ngồi ăn trên một cái chõng tre cùng với ánh đèn dầu leo lắt khiến vua cảm thấy hơi lạnh sống lưng. Nhưng vì quá đói nên vua không quan tâm đến quang cảnh xung quanh mà ăn rất ngon miệng. Ăn xong khi ra về vua thấy bà lão nằm trên một bãi đất sụp xuống, giống như đang bị sụp xuống âm phủ. Vua thấy sự việc này không bình thường nên muốn rời đi ngay nhưng trong lòng vẫn lưu luyến món ăn bình dân ngon miệng này.


Về đến cung, vua đã chán với việc ăn sơn hào hải vị, mà lại rất nhớ món cơm bình dân của bà lão trước kia nên đã mở cuộc tuyển chọn đầu bếp vào cung để nấu món này cho vua. Vị đầu bếp được chọn sau khi đến tuổi già được vua cho về nghỉ ngơi, đã quyết định mở quán ăn để cho thiên hạ cùng được thưởng thức món ăn mang phong cách dân dã chốn cung đình.

Mới đầu quán được dựng lên với 4 cái cọc tạm bợ giữa vùng đất vắng, được lợp bằng tre nứa lá, tường thì được làm bằng phên đất và bên trong chỉ có một cây đèn dầu với ánh sáng tù mù giữa cánh đồng nên những người tới đây ăn cảm thấy lạnh người như đang lạc vào cõi âm ty. Quán thường mở tới khuya phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa… Chính vì sự u ám, hiu quạnh và khác lạ này của quán mà người ta gán cho cái tên “cơm âm phủ” và lưu truyền đến ngày nay.

Với vẻ ngoài của món, bạn sẽ có chút ngạc nhiên khi chúng khác hẳn so với tưởng tượng ban đầu, trông “sáng lạng” và rất hấp dẫn. Món cơm âm phủ gồm có một đĩa cơm trắng được bày xung quanh là trứng, thịt, rau củ, tôm cháy, nem chua, chả lụa… Những nguyên liệu quen thuộc ấy khi kết hợp, đan xen sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn đến lạ.


Đĩa cơm đầy, từng hạt cơm ướm đều chút béo của mỡ hành; Giò lụa được làm bằng thịt heo quết nhuyễn, gói thành từng thanh nhỏ; thịt nạc nướng đậm đà gia vị, thái bản mỏng góp vị cùng tôm cháy mằn mặn hay trứng chiên mềm béo thơm thơm, lại còn độ giòn tươi của rau củ… tất cả không chỉ tạo nên sự hài hòa về màu sắc mà hương vị như được dịp bung tỏa, khiến thực khách xuýt xoa, thích thú.

Bên cạnh đó, chén nước mắm tỏi ớt là phần không thể thiếu để món ăn thêm trọn vẹn. Khác với cách ăn thông thường của người Việt chấm từng món đồ ăn vào bát nước chấm, bát nước mắm trong đĩa cơm âm phủ phải được rưới đều và trộn đều với cơm cùng các loại thức ăn trước khi thưởng thức. Có như vậy mới thưởng thức được hết cái hay cái ngon của các hương vị.

Có thể nói, cơm âm phủ là một điểm chấm phá độc đáo trong nền ẩm thực đặc sắc của xứ Huế. Không chỉ khiến người ta tò mò từ cái tên mà hương vị của món ăn cũng giao hòa trọn vẹn, rất dung dị mà vô cùng tinh tế.

Theo Wanderlust Tips