Hiển thị các bài đăng có nhãn Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phú Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Món ngon Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" ăn hoài không ngán

Hiếm có nơi nào mà món ngon có mặt ở khắp mọi nơi như Phú Yên, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ trung tâm tới huyện lỵ. Bên cạnh biển xanh, cát trắng, hoa vàng cỏ xanh thì hương vị ẩm thực Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" còn khiến khách du lịch lưu luyến bước chân không muốn về. 

Món ngon Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" ăn hoài không ngán
Ảnh: Brandon Coleman/saigoneer.com

Bánh xèo 


Bánh xèo
Ảnh: @khuatgiaminh

Bánh xèo Phú Yên hoàn toàn không giống với bánh xèo miền Tây hay bất cứ loại bánh xèo nào khác. Thay vì được đúc bằng một cái chảo to như miền nam, thì bánh xèo Phú Yên được đúc bằng khuôn rất nhỏ, chỉ bằng ¼ kích thước của chiếc bánh xèo chúng ta hay ăn. 

Nhân bánh thường chỉ gồm là giá, hải sản (thông thường là tôm, người bán có thể biến tấu thêm mực hoặc các loại hải sản khác). Đặc biệt bột bánh xèo Phú Yên được làm từ bột gạo theo công thức của tùy người thợ lành nghề, nên có hương vị rất khác biệt. Người Phú Yên thường ăn kèm bánh xèo cùng với bánh tráng và rau, chấm kèm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm. 

Bánh bèo 


Bánh bèo

Bánh được làm từ bột gạo, đổ vào chén nhỏ và hấp cách thủy. Khi bánh chín, người ta lấy bánh ra, rắc các loại nguyên liệu như là chà bông, bánh mì cháy giòn tan, hẹ… lên. Nếu thích bạn cũng có thể gọi thêm bánh hỏi rồi thành một dĩa thức ăn ngon miệng, chấm cùng chén nước mắm pha vừa vặn. 

Ngoài ra, còn có một cách ăn khác vô cùng đặc biệt đó là khi bánh chín, người ta rắc các nguyên liệu trước khi lấy bánh ra, rồi mang cả một mâm các chén bánh ra cho thực khách. Khi đó bánh vẫn đang còn nóng hổi, bưng chén bánh bèo nhưng phải xoay liên tục để không bỏng tay. 

Bánh canh hẹ 


Bánh canh hẹ

Bánh canh hẹ là món ngon Xứ Nẫu (Phú Yên) – "chín nhớ, mười thương" hấp dẫn du khách nhất. Bạn có thể tùy theo khẩu vị mà lựa chọn sợi bánh là bột lọc hoặc bột gạo. Bánh canh hẹ ăn kèm với chả cá Phú Yên tươi ngon sực sực. Đặc biệt là vào những ngày mùa đông se lạnh, húp một tô bánh canh chả cá nóng hổi quả là một trải nghiệm không thể nào quên. 

Cơm gà Phú Yên 


Cơm gà Phú Yên

Cơm gà Phú Yên phổ biến đến mức người dân địa phương có thể ăn cơm gà cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Không những thế, cơm gà còn thường xuất hiện trong các đám cỗ linh đình, trong các buổi hội họp, vui chơi, họp mặt gia đình. Đặc biệt món cơm gà này không hề có dầu mỡ. Cơm được nấu từ nước luộc gà, sau đó không qua chế biến rang hay xào nên chúng có vị thanh, thơm, dẻo ngon. 

Nguyên liệu thịt gà phải là loại gà ta thả vườn, thịt gà chắc, dai, ngọt thịt. Một dĩa cơm gà Phú Yên thường có rắc vài lát rau răm lên trên, cùng một chén mắm chua ngọt để chấm với gà. Món cơm thanh đạm nhưng hương vị không hề đơn giản này chắc chắn sẽ làm bạn lưu luyến Xứ Nẫu – "chín nhớ, mười thương" và muốn quay trở lại để thưởng thức vị cơm thơm ngon này nhiều lần nữa. 

Bánh hỏi lòng heo 


Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo có lẽ đã quá nổi tiếng, đến nỗi người dân vùng này còn bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. 

Một dĩa bánh hỏi được rắc mỡ hành lên ăn kèm với một dĩa thịt quay, thịt nướng, lòng heo… tùy thích. Đây là món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương. 


Nguồn: Tổng hợp.

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Đến xứ hoa vàng trên cỏ xanh, đừng quên ghé thăm những nơi này

Nếu nói Phú Yên là đẹp thì chưa đủ, nơi đây sở hữu quá nhiều thứ từ những cánh rừng xanh rậm rạp, cho đến những bãi biển màu nước trong như ngọc, những vách đá cheo leo dựng đứng và cả những rặng xương rồng mọc thành lối. Thế mới thấy cái mảnh đất thân thương ấy có đủ mọi thứ để bất kỳ ai một lần đặt chân đến cũng đều cảm thấy nhớ nhung khôn nguôi.


Vậy nên, nếu một lần du lịch đến mảnh đất Phú Yên, hãy dành thời gian khoảng 3 - 4 ngày, khám phá từng chút một những địa điểm nổi bật nhất ở đây.

Đến Phú Yên đi đâu, chơi gì?


Bãi Xép



Bãi Xép vốn là một chốn hẹn hò lí tưởng của những cặp tình nhân trong những buổi chiều hoàng hôn lãng mạn. Và từ khi công chiếu bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, khung cảnh Gành Ông, Bãi Xép đã trở thành tâm điểm chú ý và là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất trong những ngày cuối năm 2016.


Bãi Xép tuy chỉ dài khoảng 500m nhưng lại mang một vẻ đẹp hữu tình với hai bãi đá bao bọc ở hai đầu bãi biển. Bãi đá nhấp nhô, gập ghềnh, bãi bên trái chạy lấn ra phía biển tạo nên một tổng thể không gian mới lạ, vừa giúp chắn gió. 


Đứng ở những gành đá phóng tầm mắt ra vùng biển trời biếc xanh mới thấy được vẻ đẹp non nước hữu tình, say đắm lòng người đến nhường nào.

Bãi Gốc



Đến với Bãi Gốc là đến với một vẻ đẹp hoang mơ, mộc mạc như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Tìm về Bãi Gốc là tìm về một khoảng không gian yên bình, không xô bồ, tìm về những làn sóng trong xanh, những bãi cát trắng tinh khôi trải dài vô tận, những con sóng vỗ rì rào, những làn gió biển mát rượi như cuốn trôi hết những lo toan, mệt mỏi của cuộc sống bộn bề. 

Bãi Ôm – Bãi Rạng



Bãi Ôm, Bãi Rạng là những thiên đường chưa được khám phá, là khoảng không gian chưa có nhiều dấu chân của những người khách du lịch. Một điểm cực kì thú vị ở hai bãi biển này đó là dù cho được ông trời sắp xếp cho vị trí gần sát cạnh nhau, chỉ cách vài rặng dừa nhưng hai bãi biển này “mỗi người một tính”. Trong khi bãi Ôm ồn ào với những đợt sóng lớn, mạnh vỗ trắng xóa bờ suốt cả ngày thì bãi Rạng lại thu mình, nhẹ nhàng, dịu êm với những con sóng nhỏ, lăn tăn vỗ.


Nhắc đến bãi Ôm chắc cũng khiến bạn mường tượng ra cấu trúc của nó: Biển mang hình vòng cung, như cách tay của đất trời ôm trọn vào lòng vùng biển rộng lớn. Bãi Ôm đặc biệt chiều lòng những vị khách thích thú với du lịch mạo hiểm, thích cảm giác mạnh.

Cù lao mái nhà



Cù lao mái nhà cách thành phố Tuy Hòa 27km về phía Bắc, được mệnh danh là hòn đảo Robinson của Phú Yên. Thời gian lí tưởng để tới Cù lao mái nhà là khoảng thời gian tháng 3 đến tháng 8, khi trời yên biển lặng, không ồn ào hay gây nguy hiểm. Để ra tới đảo Cù lao mái nhà, bạn sẽ mất 20 phút ngồi tàu của người dân địa phương, giá vé tàu rơi vào khoảng 500.000 đồng cho một chuyến khứ hồi thăm quan Cù lao mái nhà.


Đến với Cù lao mái nhà, du khách sẽ được tận hưởng những phút giây riêng tư nhất, tuyệt vời nhất với khung cảnh thiên nhiên biển trời núi non hùng vĩ mở ra trước mắt. Đặc biệt ở Cù lao mái nhà không hề có những dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng,…nên bạn hoàn toàn có thể tự do lên kế hoạch cho cuộc hành trình chinh phục Cù lao mái nhà của mình. Một bếp lửa hồng nho nhỏ trên bãi biển do chính tay bạn kiếm củi, châm lửa, bắc bếp sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, lí thú.

Hòn Nưa



Hòn Nưa không phải một địa danh quá nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhưng nếu đã từ đặt chân tới nơi đây, không ai là không khỏi thích thú với địa thế thú vị của hòn đảo này. Được biết đến với tên gọi “Hòn đảo suýt bị bỏ quên giữa biển khơi”, Hòn Nưa có nửa Bắc thuộc về Phú Yên, nửa Nam thuộc về Khánh Hòa, một ranh giới thật đẹp và thơ giữa hai tỉnh đất nước như thế.


Đến với Hòn Nưa, du khách sẽ được chinh phục bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên với những vách đá chằng chịt nhưng đầy lí thú. Nếu có cơ hội ghé thăm nơi đây, cũng đừng quên đặt chân tới ngọn hải đăng, và theo chân các anh lính đèn để được tham quan một vòng cảnh tượng xanh biếc ở nơi đây. Bạn cũng có thể tổ chức một buổi dã ngoại nhỏ ở nơi đây, cũng nhau đi bắt nhum và ốc vú nàng, những “đặc sản” cư ngụ trên những vách đá dọc bờ biển.

Hòn Yến



Hòn Yến mang một vẻ đẹp nên thơ, mộng mơ giữa lòng xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”. Các thành phố Tuy Hòa 20km về hướng Đông Bắc, từ Nhơn Hội nhìn ra sẽ thấy hai hòn đảo nằm kề sát cạnh nhau: Hòn lớn với thế chóp nón khổng lồ là hòn Yến còn hòn nhỏ hơn là hòn Sụn. Có người nói rằng trước đây hai hòn đảo này là một ngọn núi lớn, nhưng do quá trình bào mòn của sóng biển đã biến thành hai hòn đảo chơ vơ giữa mặt biển.


Hòn Yến có được một vị thế hết sức đặc biệt khi bao quanh mình là một loạt những thắng cảnh, địa điểm thú vị. Một dãy núi đá vươn mình ra ngoài khơi gọi là Gành Yến, gành Hổ Chảo nằm ngay dưới chân Gành Yến với những khối đá đen thẫm bí ẩn. Phía bên phải hòn Yến là Mũi Yến nằm bên lắng Ông Nam Hải, được coi là nơi thờ cúng của dân làng. Phóng tầm mắt ra xa hơn một chút bạn sẽ bắt gặp bãi Xép đẹp mộng mơ, với hình ảnh của những thước phim trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.


Gành Đá Đĩa



Cùng với những đảo ngọc ở Iceland hay những ghềnh đá đĩa ở Tây Ban NhaScotland, Gành Đá Đĩa Phú Yên được coi là một trong những hiện tượng thiên nhiên kì thú trên thế giới với những khối đá hình lăng trụ được xếp chống ngay ngắn lên nhau nhưng có sự chỉnh sửa, đẽo gọt của con người vậy.


Nhìn xa Gành Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ vươn mình ra biển khơi, những phiến đá đen được xếp chồng ngay ngắn lên nhau nổi bật giữa nền biển trời xanh thăm thẳm. Gánh Đá Đĩa được tạo nên nhờ sự phun trào của dòng dung nham nóng sau đó co lại thành một hiện tượng thiên nhiên kì thú. 

Tháp Nhạn



Tháp Nhạn là một biểu tượng tiêu biểu của thành phố Tuy Hòa. Đứng từ phía núi Nhạn nhìn ra xa, khách du lịch có thể thấy ngọn tháp Chăm cổ kính sừng sững hiện lên trước mắt. Núi Nhạn là một trong những ngọn núi cao nhất của thành phố Tuy Hòa, là nơi linh thiêng, đất lành chim đậu, cứ mỗi đội xuân về, chim chóc đều tụ lại nơi đây, cất tiếng hót vang ở một vùng trời.


Tháp Nhạn được coi là một biểu tượng văn hóa nổi bật mà bất cứ khách du lịch nào tới Phú Yên đều phải đặt chân tới. Vào mỗi dịp lễ Tết, nhân dân ở đây đều tới để cầu nguyện cho một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nơi đây cũng tổ chức nhiều chương trình ca múa nhạc truyền thống để phục vị khách du lịch gần xa tới đây thăm quan.

Nhà Thờ Mằng Lăng



Nhà thờ Mằng Lăng nằm trong địa phận xã An Trạch, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) hơn 30km về phía bắc. Theo ghi chép giới thiệu ở đây, nhà thờ này được xây dựng vào năm 1892. Tên gọi Mằng Lăng theo những vị cao niên ở địa phương là lấy từ tên của một loài cây trồng rất nhiều ở vùng này cách đây hàng thế kỷ. 


Đặt chân đến nhà thờ Mằng Lăng, du khách có thể chiêm ngưỡng một trong những công trình đặc trưng của kiến trúc Gothic - lối kiến trúc bắt đầu từ cách đây khoảng 1.200 năm trước công nguyên. Thời kỳ hoàng kim nhất của kiến trúc Gothic ở khoảng thế kỷ 18-19 với dấu ấn kiến trúc ở rất nhiều công trình lớn, đặc biệt là các công trình tòa thị chính, nhà thờ, trường học ở Châu Âu thời bấy giờ. Không ít những công trình trên thế giới được xây dựng theo lối kiến trúc này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đến Phú Yên ăn gì?


Gỏi cá mai



Gỏi cá mai là một món ăn đơn giản và dễ ăn ở Phú Yên. Có nhiều cách chế biến cá mai nhưng thông dụng nhất đó là làm gỏi. Cá mai được lọc bỏ xương rồi trộn với hành, tỏi, ớt, đường,… tạo nên hương vị phong phú và hấp dẫn cho món gỏi.


Để cho cá luôn giữ được độ giòn, ta bỏ cá ngâm trong âu nước lạnh. Trước khi ăn thì cho vào tô nước chanh ngâm vài phút. Khi cá có màu trắng đục tức là cá đang chín tái, khi ăn có thể uống kèm một chút rượu sẽ có cảm giác ngon và lạ miệng hơn.

Bún mực



Chỉ cách nhau một ranh giới là đèo Cả nhưng với món bún mực, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên là có hai cách chế biến và hai hương vị khác nhau. Nếu như ở Khánh Hòa, bún mực được chế biến từ những con mực ống, mực lá,… thì đi về du lịch Phú Yên, bún mực được làm từ mực cơm. 


Mực cơm ngọt, không dai ruột trắng. Nếu như bún mực ở Khánh Hòa nấu với vị ngọt thì bún mực Phú Yên lại mang một nét chua chua đặc trưng.

Sò huyết đầm Ô Loan



Sò huyết đầm Ô Loan có thể coi là một món ăn danh bất hư truyền ở Phú Yên. Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, với thương hiệu về sò huyết nổi tiếng lẫy lừng. Sò huyết nơi đây nổi danh bởi chất thịt dày, thơm ngon tuyệt hảo. Sò huyết ở đây cũng to hơn nhiều so với các vùng khác, chế biến theo nhiều kiểu như nướng, hấp, xào me,… đều khiến cho người ăn phải suýt xoa không ngớt.


Để có được những con sò ngon, cần phải tìm đến đúng nơi để mua sò. Bạn cũng có thể thưởng thức sò ở những quán ăn ven đường nơi phía Bắc đầm Ô Loan. Giá 1 đĩa sò huyết rơi vào tầm 20.000 – 30.000 đồng. Với những du khách muốn trải nghiệm cảm giác đi bắt sò, có thể đi theo thuyền của những người dân chài và được nướng và ăn sò trên con thuyền bấp bênh trên vùng biển rộng lớn.

Bánh canh hẹ



Bánh canh hẹ Phú Yên có hình thức như bánh canh chả cá ở các vùng khác nhưng điểm khác biệt ở đây chính là bánh canh có màu xanh mướt và vị cay của hẹ chứ không có vị ngò như ở những nơi khác.


Nguồn: Tổng hợp