Hiển thị các bài đăng có nhãn Cao Bằng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cao Bằng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Ngất ngây hương vị đặc sản miền núi Cao Bằng

Cao Bằng luôn là một điểm đến hấp dẫn của nước ta. Những món ăn của Cao Bằng mang đậm dấu ấn của ẩm thực núi rừng miền Bắc và có chút gì đó khiến ai ăn rồi cũng phải thích mê. Vậy bạn đã biết nên ăn gì khi du lịch tại đây chưa? 

Ngất ngây hương vị đặc sản miền núi Cao Bằng

Cao Bằng không chỉ có thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất thế giới mà còn có nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng khác. Và một trong những điều khiến du lịch Cao Bằng hấp dẫn với du khách đó chính là nền văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng. Nếu bạn có dịp đến nơi đây thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Cao Bằng nổi tiếng nhất dưới đây nhé. 

Bánh cuốn Cao Bằng 


Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn vốn là một món ăn phổ biến và có ở nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam. Tuy nhiên bánh cuốn Cao Bằng lại rất khác biệt bởi nó có một màu trắng đục có 1-02. Sở dĩ bánh có màu này là vì nó được làm từ một loại gạo đặc biệt chỉ có ở Cao Bằng. Một điều đặc sắc nữa đó là sau khi gặt về gạo không được xay xát bằng máy mà phải dùng tay để giã cho từng hạt vỡ ra. 

Những chiếc bánh cuốn có lớp vỏ mỏng tang nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo và dai. Phần nhân bánh được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Khi ăn bánh cuốn Cao Bằng thì không thể thiếu được một bát nước chấm cà cuống hoặc một bát nước mắm tỏi ớt. Ngoài ra bánh cuốn còn được ăn cùng với nước ninh xương ngọt thanh. 

Khâu nhục 


Khâu nhục

Khâu nhục hay còn được biết đến với cái tên khác là nằm khau. Trong đám cưới của người dân tộc Tày không thể thiếu được một đĩa khâu nhục. Nguyên liệu chính để làm món ăn này là thịt ba chỉ. Thịt sẽ được thái thành những lát vừa phải vào luộc lên. Sau khi luộc xong người ta sẽ dùng kim đâm thật nhiều lỗ trên bề mặt da và chiên lên. Trước khi rán không thể thiếu được một chút rượu gừng pha với bia thoa lên phần bì của miếng thịt. 

Để món khẩu nhục được ngon thì phần gia vị chiếm vai trò vô cùng quan trọng. Gia vị được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: hành, tỏi, tiêu, gừng, mắm, muối, đường, mật ong… Nhất là không thể thiếu được một loại lá đặc trưng của vùng núi miền Bắc là tàu soi. Khâu nhục khi ăn cùng với cơm trắng rất ngon. Ngoài ra nhiều người còn thích ăn khâu nhục cùng với bánh mì. 

Rau dạ hiến 


Rau dạ hiến

Rau dạ hiến là một loại rau chỉ có ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta. Đây là một loại rau thân dây và thường mọc len lỏi ở những vách đá hay bám vào các thân cây gỗ còn sống. Loại rau này khi luộc lên có vị nồng và hơi ngai ngái. Mặc dù có vị hơi lạ nhưng khi đã nếm thử loại rau này thì bạn chắc chắn sẽ thích mê với hương vị đặc biệt của nó. 

Lợn sữa quay 


Lợn sữa quay

Lợn sữa quay luôn là một món ăn được nhiều du khách yêu thích tại Cao Bằng. Để quay được ngon thì đòi hỏi phải có một quá trình chế biến công phu. Lợn dùng để quay phải là lợn sữa có trọng lượng từ 15 đến 30kg. Thịt được thả trên đồi, ăn rau cỏ nên thịt rất chắc và ngọt. 

Trước khi quay người ta sẽ nhồi vào trong bụng lợn lá móc mật sau đó khâu lại. Khi nướng lợn người ta phải dùng bằng que tre chứ không được dùng bằng que kim loại để có thể giữ được mùi vị trọn vẹn cho món lợn quay. Sau khoảng 90 phút được quay đều trên bếp than hồng đỏ lửa lợn sẽ chín. Nhìn lớp da màu vàng bắt mắt, hương thơm nức mũi khiến bất cứ vị khách nào cũng không thể nào cầm lòng được. 

Vịt quay 7 vị 


Vịt quay 7 vị

Vịt quay 7 vị cũng là một món đặc sản Cao Bằng nổi tiếng mà bạn nên thưởng thức. Món ăn này được chế biến vô cùng công phu. Ngay từ khâu lựa chọn vịt cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người đầu bếp. Vịt không được quá to hay quá nhỏ. Thường vịt chỉ nặng khoảng từ 1,8 đến 2kg là sẽ ngon nhất. 

Sau khi làm sạch vịt người ta sẽ ướp gia vị cho vịt với đủ 7 loại gia vị khác nhau. Đó chính là lý do món vịt này được gọi là vịt quay 7 vị. Khi ăn món vịt này, bạn sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt vịt. Nó mềm nhưng không bị bở và dậy mùi thơm của lá mắc mật. Nếu có dịp đến Cao Bằng bạn nhất định phải nếm thử món ăn này nhé. 

Xôi trám 


Xôi trám

Xôi trám là một món ăn khá đặc biệt của ẩm thực Cao Bằng. Ngoài gạo nếp ra thì để làm được món xôi trám chắc chắn không thể thiếu được những quả trám. Trám vốn là một loại quả rất phổ biến của các tỉnh vùng núi nước ta và chỉ có vào mùa thu mỗi năm. 

Trám sau khi được thu hoạch sẽ đem đi om lên và thêm những gia vị cần thiết. Tiếp đến đồ với xôi là sẽ được món xôi trám. Món ăn này tuy dân dã, dễ làm nhưng lại có một hương vị thơm ngon vô cùng đặc biệt.


Tổng hợp.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Ẩm thực Bản Giốc ăn rồi nhớ mãi

Vùng đất Cao Bằng có quá nhiều những món ngon đặc sản, ai đã một lần được thưởng thức những đặc sản do người dân vùng núi rừng Đông Bắc thân thiện và vô cùng mến khách chế biến sẽ khó lòng mà quên được.

Ẩm thực Bản Giốc ăn rồi nhớ mãi

Bánh cuốn


Bánh cuốn

Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người miền xuôi, chấm bánh vào nước mắm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi.

Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.

Bánh trứng kiến 


Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc, Cao Bằng. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài. Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít kiệu thái nhỏ trộn thêm.

Bánh áp chao


Bánh áp chao

Món ăn được nhiều người Cao Bằng và du khách rất mê. Chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản, với một chảo dầu đầy, nóng, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên, ăn nóng kèm với một số phụ gia, rau thơm.

Những ngày mùa đông đến với Cao Bằng, bạn có thể tấp vào một quán lề đường, ngồi sưởi ấm giá rét bằng một chầu áp chao, thật khó quên.

Xôi trám


Xôi trám

Cây trám được trồng ở rất nhiều các tỉnh miền núi phía Bắc với óc sáng tạo của người dân nơi đây đã cho ra rất nhiều món ngon từ thứ quả này mà không đâu sánh được như: kho, sốt, làm mứt…cho tới món xôi béo ngậy ăn một lại cứ muốn ăn hai. 

Làm xôi trám không khó nhưng khá kỳ công, trám hái trên rừng về được tuyển lựa lấy những quả chín mọng, không bị sâu đem om cho mềm (ngâm với nước nóng từ 25-30 độ). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lựa lấy phần thịt trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, đến khi xôi có mầu hồng tím là được.

Cá Trầm Hương nướng


Cá Trầm Hương nướng

Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc. Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.

Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt... vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.


Tổng hợp

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Khám phá khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng

Nằm trong cụm Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó mang những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học. Nơi đây không chỉ là một quần thể di tích cách mạng nổi tiếng mà còn sở hữu một vẻ đẹp như chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa trần gian.


Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, là nơi nổi tiếng gắn liền với các câu chuyện về Bác Hồ và cách mạng. Pác Bó có nghĩa là “đầu nguồn” theo tiếng bản địa.

Nơi đây gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam.

THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP DU LỊCH PÁC BÓ


Thực tế thì bạn chẳng phải lo ngại việc nên đi du lịch thác Pác Bó mùa nào trong năm để có thể ngắm nhìn Pác Bó một cách đẹp nhất. Bởi vào mỗi mùa, Pác Bó đều mang trong mình một nét đẹp đặc trưng.

Từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau là mùa khô, suối Lê-nin chảy nhẹ với màu nước xanh ngọc đặc trưng. Đối lập với mùa khô là mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, nước suối chảy mạnh và xiết hơn, bọt bắn tung tóe khiến bạn ngỡ như mây trời đang lũ lượt kéo về.

CÁCH ĐI ĐẾN PÁC BÓ

Pác Bó cách Hà Nội gần 300 km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, bạn có thể di chuyển bằng ô tô hay xe máy đều được.


Nếu chọn phượt Pác Bó bằng xe máy, bạn có thể di chuyển trên đường cao tốc Hà Nội đi Thái Nguyên, Bắc Kạn rồi vào quốc lộ 3 để vào trung tâm thành phố Cao Bằng, đi thêm 50km nữa để đến khu di tích Pác Bó. Con đường khá đẹp và bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác ôm cua, đổ đèo.

Tuy nhiên, bạn nên có một người dày dặn kinh nghiệm phượt đi cùng vì cung đường này qua những con đèo khá nguy hiểm và nhiều xe tải.

Để an toàn và giữ sức khỏe, bạn nên đi ô tô, như vậy sẽ đỡ mệt mỏi hơn vì cung đường chạy khá dài.

ĐIỂM THAM QUAN Ở PÁC BÓ

Toàn khu di tích Pác Bó trải rộng, trong đó có các di tích nổi bật như: hang Cốc Bó, núi Các Mác – suối Lê Nin, cột mốc 108, lán Khuối Nặm, bàn đá nơi Bác Hồ ngồi làm việc… tất cả gắn kết hài hòa giữa cảnh quan non nước hữu tình, không gian trong lành khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc.

Hang Cốc Bó


Hang Cốc Bó rộng khoảng 80m2, là một hang đá nằm bên sườn núi Các Mác, ở gần chỗ dòng nước chảy ngầm ra từ trong núi thành suối Lê Nin địa thế hiểm trở, cửa hang chỉ một người đi vừa. Trong hang có dòng chữ: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”, Bác ghi lại ngày Bác đến ở trong hang này.

Đây là nơi ở của Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong lòng hang rộng khoảng chục mét, ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra.

Ngoài ra, trong hang còn một bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng và chỗ xưa Bác nằm chỉ là tấm phản bằng các tấm ván cây nghiến ghép lại.

Trong chiến tranh biên giới năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó. Ngày nay, hang Cốc Pó được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan du lịch.

Núi Các Mác – Suối Lê-nin 

Suối Lê Nin mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, trong xanh màu ngọc bích, chảy nhè nhẹ hiền hòa, từng đàn cá tung tăng bơi lội. Sự bình yên dường như sẽ khiến cho du khách muốn sống ở nơi đây, hài lòng với cuộc sống tự tại giữa thiên nhiên, không còn chút vướng bận.



Thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối Lê-nin. Đến nay, di tích vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn. Phía trên suối là ngọn núi Các Mác hùng vĩ.

Lán Khuổi Nặm 


Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m². Lán Khuổi Nặm là nơi Bác ở lâu nhất, có địa thế thuận lợi, được che kín, nằm ngay cửa rừng, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn.

Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Được biết, đường vào lán xưa kia quanh co men theo chân núi, càng đi càng dốc cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Còn khe núi trên đường vào lán ngày trước rậm rạp um tùm giờ là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau chạy ngược đến tận phía rừng xa. Hiện nay, lán đã được trùng tu lại.

Cột mốc 108 


Nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt – Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm, trên cột mốc được khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Pháp.

Nền nhà ông Lý Quốc Súng


Là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.

CÁC ĐIỂM THAM QUAN LÂN CẬN 

Thác Bản Giốc


Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Từ độ cao trên 30 m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi.

Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây xẻ dòng nước thành 3 luồng như ba dải lụa trắng. Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn.

Dưới chân thác là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt.

Động Ngườm Ngao 

Động Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá” do người dân địa phương phát hiện năm 1921.


Là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi, có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.

ẨM THỰC PÁC BÓ

Vùng đất Pác Bó nói chung và Cao Bằng nói riêng có rất nhiều những món ngon đặc sản khiến bạn khó có thể quên. Gợi ý cho bạn những đặc sản của vùng đất này với những món khó quên sau đây.

Bánh cuốn nước xương


Bánh cuốn Cao Bằng còn có tên gọi là bánh cuốn canh để phân biệt với bánh cuốn chấm nước mắm ở các vùng miền khác. Nét đặc biệt riêng có của bánh cuốn Cao Bằng là ở nước dùng. Đó là nước canh ninh từ xương heo ngọt lịm. Đi kèm bát nước dùng được cho thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành xanh mướt trông vô cùng hấp dẫn.

Bò gác bếp

Bò gác bếp Cao Bằng được tẩm ướp bằng các gia vị như muối, nước gừng, rượu trắng. Trước khi ướp, thịt được khía vài đường trên miếng thịt để gia vị ngấm đều. Sau khi ướp, dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.

Xôi trám


Nếu đến Cao Bằng vào mùa thu, bạn sẽ có dịp được thưởng thức món xôi trám của đồng bào dân tộc địa phương. Xôi trám thơm, bùi và béo ngậy, rất tốt cho sức khỏe.

Lạp xường

Lạp sườn Cao Bằng có vị đậm đà của thịt nạc vai ướp các loại gia vị, quả mắc mật, gừng núi, lòng non. Lạp sườn được chế biến bằng cách rán vàng đều, nướng trên than hoa rồi thái lát mỏng chấm tương ớt, ăn kèm với rau thơm, dưa chuột.

Hạt dẻ Trùng Khánh


Hạt dẻ có vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Có thể đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, hương thơm tự nhiên của núi rừng đậm đà khó quên.

Rau dạ hiến


Hay còn gọi là rau bồ khai, mọc hoang ở vùng núi đá. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng rất hiếm nơi có. Vì thế, dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản Cao Bằng, được xào với thịt bò, lòng lợn hoặc lòng gà.

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Tháng 3, xách balo lên đường theo dấu những mùa hoa

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt, nắng ấm bắt đầu dần lên, ấy là khi tháng 3 về. Trên khắp mọi nẻo đường, các loài hoa đua nhau khoe sắc dụ bước chân người lữ khách xách balo lên và đi.

Hoa hướng dương – Nghệ An và Đà Lạt


Nghệ An và Đà Lạt là hai địa phương nổi tiếng với cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn, được trồng thành nhiều đợt trong năm. Hình ảnh cả một khoảng trời rộng lớn ngập tràn sắc vàng của hoa hướng dương chắc chắn sẽ khiến bạn say mê, choáng ngợp.

Tại Nghệ An, cánh đồng hoa nằm gần đường mòn Hồ Chí Minh, qua huyện Nghĩa Đàn. Từ Vinh, bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường mòn rẽ phải, chạy thẳng là tới.

Cánh đồng hoa hướng dương ở Đà Lạt nằm bên trong khuôn viên cũ của công ty Dalat Milk (xã Tutra, huyện Đơn Dương, Đà Lạt), đường đi cũng rất dễ. Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển hết đèo Prenn về hướng Đức Trọng, qua ngã ba Fi Nôm, đi thẳng tiếp đến cổng Tu Tra, sau đó tiếp tục đi thẳng khoảng 5km là tới cánh đồng hoa hướng dương cực lớn này.

Hoa sữa – Hà Nội


Vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, không chỉ du khách phương xa mà ngay cả người dân ở thủ đô cũng bị sắc trắng tinh khôi, dịu dàng của hoa sưa làm cho say đắm. Cây được trồng nhiều trên đường Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, hồ Giảng Võ, công viên Thống Nhất… Hoa sưa tuy đẹp nhưng cũng rất chóng tàn, do đó nếu muốn ngắm hoặc chụp ảnh bạn cần canh đúng thời gian hoa nở rộ, đồng thời cũng chuẩn bị máy ảnh có độ zoom lớn vì cây rất cao.

Hoa cà phê – Tây Nguyên


Tháng 3 không chỉ là “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước” mà còn là mùa hoa cà phê nở trắng vùng đất Tây Nguyên anh hùng. Giữa màu đỏ của đất bazan, những bong hoa nhỏ xinh, trắng muốt bung nở , níu kéo bước chân người lữ khách. Hoa cà phê cũng là loài hoa mang nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, khiến Tây Nguyên chưa xa đã nhớ.

Tại Tây Nguyên có nhiều nơi trồng cây cà phê, nhưng Pleiku (Gia Lai) và Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) là hai thành phố có những rừng hoa cà phê lớn nhất. Vì đây là tháng du lịch trọng điểm của Tây Nguyên, thường tổ chức lễ hội đua voi hấp dẫn nên nếu muốn đến thăm vùng đất này bạn nên đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn trước.

Hoa cải trắng – Mộc Châu (Sơn La)




Mùa hoa cải lớn nhất ở Mộc Châu là vào tháng 11, 12, nhưng nếu khoảng thời gian ấy bạn đã trót lỡ hẹn với loài hoa nhỏ xinh này thì vẫn có thể tìm đến Mộc Châu vào dịp tháng 3. Tuy diện tích trồng cải không lớn như trước đó vì bà con đã thu hoạch nhưng ở những bản như Ba Phách, rừng thông Bản Áng hoặc trên các sườn núi vẫn còn những ruộng cải được người dân chăm sóc để phục vụ du lịch. Phí chụp ảnh là 10 – 15.000VND mỗi người.

Hoa tam giác mạch – Cao Bằng




Là loài hoa đặc trưng của tháng 10 ở Hà Giang nhưng vào dịp giữa tháng 3 đến tháng 4 nếu đến với Cao Bằng bạn sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến hoa tam giác mạch nở trái vụ trắng toát cả sườn đồi. Những cánh hoa nhỏ li ti màu trắng phớt hồng mang trong mình vẻ đẹp hoang dã của núi rừng đủ sức níu chân bất cứ du khách nào. Trà Lĩnh – Trùng Khánh là hai điểm trồng nhiều Tam Giác Mạch nhất ở Cao Bằng. Bạn chỉ cần đi bộ ven các con đường cũng có thể dễ dàng bắt gặp loài hoa bình dị mà rung động lòng người này.