Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Lẫy lừng Ngũ Nhạc Danh Sơn hùng vĩ

Trung Quốc được biết đến là một trong những nước có diện tích rộng lớn thế giới với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Vạn lý Trường Thành - 1 trong 7 kì quan thời Trung Cổ mà nơi đây còn nổi tiếng với 5 ngọn núi thiêng hùng vĩ thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới.

Đông Nhạc



Đông Nhạc nay gọi là núi Thái Sơn, nằm ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc với tổng diện tích 426 km² hay Thiên Trụ - cột chống trời, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới.

Bộ Kim Cương Kinh



Bộ kinh Kim Cương của đạo Phật được ghi lên trên vách đá ở sườn Đông trên đường mòn chính lên núi. Đây là tác phẩm lớn nhất trên vách đá có đề ngày tháng được khắc với 2.799 chữ phủ kín 2.064m² mặt đá.

"Cái thang" lên đỉnh Ngọc Hoàng



Để lên đến đỉnh Ngọc Hoàng mà thường được biết đến với tên gọi ”cột chống trời” cao 1.545m bạn phải vượt qua 6.600 bậc thang đá được tính từ chân núi. Đây là một thách thức không nhỏ với nhiều du khách, vì thế con đường này được ví như "cái thang lên trời". Trên đỉnh núi còn có đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên, đặc biệt là cây Ngân Hạnh có niên đại 2.000 năm tuổi được mệnh danh là "hóa thạch sống" với nhiều thắng cảnh thiên nhiên trên đường lên núi và 20 quần thể kiến trúc và hơn 2000 di tích lịch sử văn hóa đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của Trung Quốc và có giá trị nghệ thuật.

Cầu Bất Tử



"Cầu Bất Tử" bên sườn dốc của núi Thái Sơn được tạo ra từ những khối đá khổng lồ chồng lên nhau một cách tự nhiên. “Cây cầu” bắt ngang 2 vách núi giữa trời ngỡ rằng sẽ rơi bất cứ lúc nào nhưng nó vẫn hiên ngang nằm đó mặt cho thời gian hàng ngàn, hàng vạn năm trôi qua.

Tây Nhạc



Núi Hoa Sơn hay còn gọi Tây Nhạc là một ngọn núi thuộc đoạn Đông dãy Tần Lĩnh ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây. Hoa Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ và những cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới mà không ít người muốn thử sức mình chinh phục. Danh thắng này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1990. Ngọn núi này được bao bọc bởi toàn đá hoa cương, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn.

Con đường ván gỗ



Để lên được đỉnh núi Hoa Sơn, bạn phải vượt qua những con đường chạy dọc theo sườn núi cao 1.800m. Sau vượt qua các bậc thang cheo leo bằng đá bạn còn phải bám người vào vách núi để đi men theo hệ thống đường ván bằng gỗ mới có thể lên đỉnh núi. Đây là con đường được các tu sĩ, tín đồ đạo Lão xây dựng để đi lên các đền thờ trên đỉnh núi. Với những ai thích phiêu lưu, mạo hiểm thì “con đường ván gỗ trên bầu trời” này là một trải nghiệm vô cùng đắt giá. 

Đỉnh Nam Phong



Đường đi lên đỉnh núi tràn ngập những móc khóa tình yêu được móc đỏ rực trên những đoạn dây cáp căng bên vực sâu. Rất nhiều người đến đây đã treo lên những chiếc móc khóa xinh xắn của mình với ước nguyện cho tình cảm của họ được trọn ven, bền lâu trường tồn theo năm tháng với ngọn núi này dưới sự chứng giám của các vị thần linh trên ngọn núi thiêng hay đơn giản là chỉ cầu bình an cho người than của mình. Từ đỉnh Nam Phong nhìn từ trên xuống ta như lạc trong chốn bồng lai giữa mây núi bềnh bồng tiên cảnh.

Nam Nhạc



Nam Nhạc hay còn gọi là núi Hành Sơn được tạo thành bởi đá hoa cương, vách đá dựng đứng với chiều cao 1.290m, có hình thù kỳ quái và gồm có 72 đỉnh núi lớn nhỏ và nổi tiếng là ngọn núi của Đạo Giáo và Phật Giáo.

Đền Nam Việt



Tại chân núi Hành Sơn chúng ta có thể chiêm ngưỡng ngôi đền lớn nhất ở miền Nam Trung Quốc, đền thờ Nam Việt linh thiêng.


Ngọn núi này vinh dự được bưu chính quốc gia Bắc Kinh phát hành bộ tem năm 1990 bao gồm 4 mẫu tinh khắc mô tả vẻ đẹp của các thắng cảnh trên núi. 

Bắc Nhạc



Hằng Sơn còn gọi là Bắc Nhạc hay Thường Sơn, nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, giáp với Nội Mông Cổ, thuộc vùng cao nguyên khô hạn, quanh năm nắng gió, cát bụi.


Thiên Sơn Lĩnh cao 2.016 m là ngọn núi cao nhất Hằng Sơn, trên núi Thiên Sơn Lĩnh có miếu thờ chính là miếu Bắc Nhạn, thờ thần Hằng Sơn và trong đó còn bao gồm "tam tự, tứ từ, cửu đình các, thất cung, bát động, thập nhị miếu". Thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và thắp hương cầu nguyện là chùa Huyền Không bởi nét kiến trúc đặc sắc “kì, huyền, xảo.

Trung Nhạc



Tung Sơn nằm tại Đặng Phong, Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được mệnh danh là Trung Nhạc. Đỉnh cao của núi là đỉnh Tuấn Cực, cao 1.491,7m so với mực nước biển.

Cầu treo giữa trời mây



Cây cầu treo lơ lửng bắt qua đỉnh núi, hay những con đường cheo leo trên vách đá dựng đứng là điểm trải nghiệm thú vị khó quên của nhiều du khách.

Huyền thoại Thiếu Lâm Tự



Đến Tung Sơn, không những bạn sẽ được đến thăm di tích cổ như miếu Trung Nhạc được xây dựng từ thời nhà Tần - một trong những công trình kiến trúc cổ đại nhất Trung Quốc mà còn được tham quan tìm hiểu về cái nôi võ học vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc là Thiếu Lâm tự.

Đường lên chùa Thiếu Lâm tự phong cảnh rất hùng vĩ với núi cao, đèo sâu và rất nhiều cây tùng, bách vươn mình trong sương gió, chẳng khác nào một bức tranh thủy mạc hữu tình. Nằm ở vị trí cao, lại có tên tuổi lẫy lừng không chỉ trong giới võ học mà cả trong văn chương, điện ảnh, mỗi năm Thiếu Lâm tự thu hút hàng ngàn khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài.

Tổng hợp

Về Huế nhớ ăn cơm âm phủ

Cơm âm phủ là một món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/Có quán Âm phủ ma rình phía sau”. Cơm âm phủ có hương vị tinh tế, không cần nguyên liệu cao sang mà vẫn phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.



Du khách ghé thăm cố đô Huế không chỉ quyến luyến những dòng sông, ngôi chùa và những bài dân ca trữ tình ngọt ngào mà còn đong đầy nỗi nhớ thương nền ẩm thực tinh tế và dung dị của thành phố này. Các món ăn Huế không cầu kì, sang trọng nhưng mỗi hương vị lại như một lời thì thầm thương mến gửi đến thực khách. Và ngoài bún bò, bánh bèo, cơm hến, chè… còn có một món ăn khiến nhiều thực khách phải tìm thưởng thức cho bằng được, đó chính là cơm âm phủ.


Cơm âm phủ thực chất là món cơm trộn thập cẩm đặc sắc về hình thức lẫn hương vị, đã có mặt từ rất lâu ở đất cố đô. Tương truyền, ngày xưa Vua Bảo Đại thường vi hành để khảo sát đời sống người dân. Trong một lần, vì cảm thấy đói bụng nên vua đã dừng chân xin cơm tại một nhà bà lão. Bà lão mang ra một dĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày như dưa leo, rau cải, trứng, thịt,… được thái thành sợi.

Vua được mời ngồi ăn trên một cái chõng tre cùng với ánh đèn dầu leo lắt khiến vua cảm thấy hơi lạnh sống lưng. Nhưng vì quá đói nên vua không quan tâm đến quang cảnh xung quanh mà ăn rất ngon miệng. Ăn xong khi ra về vua thấy bà lão nằm trên một bãi đất sụp xuống, giống như đang bị sụp xuống âm phủ. Vua thấy sự việc này không bình thường nên muốn rời đi ngay nhưng trong lòng vẫn lưu luyến món ăn bình dân ngon miệng này.


Về đến cung, vua đã chán với việc ăn sơn hào hải vị, mà lại rất nhớ món cơm bình dân của bà lão trước kia nên đã mở cuộc tuyển chọn đầu bếp vào cung để nấu món này cho vua. Vị đầu bếp được chọn sau khi đến tuổi già được vua cho về nghỉ ngơi, đã quyết định mở quán ăn để cho thiên hạ cùng được thưởng thức món ăn mang phong cách dân dã chốn cung đình.

Mới đầu quán được dựng lên với 4 cái cọc tạm bợ giữa vùng đất vắng, được lợp bằng tre nứa lá, tường thì được làm bằng phên đất và bên trong chỉ có một cây đèn dầu với ánh sáng tù mù giữa cánh đồng nên những người tới đây ăn cảm thấy lạnh người như đang lạc vào cõi âm ty. Quán thường mở tới khuya phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa… Chính vì sự u ám, hiu quạnh và khác lạ này của quán mà người ta gán cho cái tên “cơm âm phủ” và lưu truyền đến ngày nay.

Với vẻ ngoài của món, bạn sẽ có chút ngạc nhiên khi chúng khác hẳn so với tưởng tượng ban đầu, trông “sáng lạng” và rất hấp dẫn. Món cơm âm phủ gồm có một đĩa cơm trắng được bày xung quanh là trứng, thịt, rau củ, tôm cháy, nem chua, chả lụa… Những nguyên liệu quen thuộc ấy khi kết hợp, đan xen sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn đến lạ.


Đĩa cơm đầy, từng hạt cơm ướm đều chút béo của mỡ hành; Giò lụa được làm bằng thịt heo quết nhuyễn, gói thành từng thanh nhỏ; thịt nạc nướng đậm đà gia vị, thái bản mỏng góp vị cùng tôm cháy mằn mặn hay trứng chiên mềm béo thơm thơm, lại còn độ giòn tươi của rau củ… tất cả không chỉ tạo nên sự hài hòa về màu sắc mà hương vị như được dịp bung tỏa, khiến thực khách xuýt xoa, thích thú.

Bên cạnh đó, chén nước mắm tỏi ớt là phần không thể thiếu để món ăn thêm trọn vẹn. Khác với cách ăn thông thường của người Việt chấm từng món đồ ăn vào bát nước chấm, bát nước mắm trong đĩa cơm âm phủ phải được rưới đều và trộn đều với cơm cùng các loại thức ăn trước khi thưởng thức. Có như vậy mới thưởng thức được hết cái hay cái ngon của các hương vị.

Có thể nói, cơm âm phủ là một điểm chấm phá độc đáo trong nền ẩm thực đặc sắc của xứ Huế. Không chỉ khiến người ta tò mò từ cái tên mà hương vị của món ăn cũng giao hòa trọn vẹn, rất dung dị mà vô cùng tinh tế.

Theo Wanderlust Tips

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Say đắm hương vị ẩm thực Quảng Bình

Du lịch Quảng Bình không những thu hút khách không chỉ có bãi biển đẹp, hang động kỳ bí mà còn bởi những món ăn đặc sản khó quên.


Cháo bánh canh



Gọi là cháo bánh canh nhưng nhìn rất giống tô bún mà chúng ta vẫn ăn thường ngày. Đây là món ăn sáng quen thuộc ở Quảng Bình được nhiều người dân địa phương yêu thích. 


Nếu như phở hay bún thì người bán hàng chỉ trần qua rồi cho vào bát còn đối với món cháo canh của người Quảng Bình thì người bán hàng sẽ cho sợi bánh canh vào đun cùng nước dùng và đun sôi lên như nấu cháo hay nấu canh.

Nấm Tràm



Nấm Tràm cũng là một món ăn đặc sản ngon nhất mà bạn nên thưởng thức khi đi du lịch Quảng Bình. Tuy nhiên muốn ăn món nấm Tràm thì không phải lúc nào cũng được mà bạn cần có duyên đi vào đúng đợt khoảng tháng 4, tháng 7 và tháng 8 âm lịch. 


Nấm Tràm ở Quảng Bình không phải do người dân Quảng Bình trồng, nó là một loài thực vật mọc tự nhiên ở trên các sườn đồi hoặc ven sông suối. Người Quảng Bình thường hay hái những cây nấm này về để nấu thành canh ăn rất thơm và ngọt. Nếu đi vào khoảng thời gian nấm Tràm đang phát triển, các bạn nên đặt trước với nhà hàng địa phương để họ chuẩn bị cho các bạn món ăn dân dã Quảng Bình này nhé.


Khoai gieo



Món khoai gieo (hay khoai deo) là đặc sản nổi tiếng Quảng Bình được nhiều người chọn mua về làm quà. Sau khi thu hoạch khoai lang đỏ, người dân ở đây sẽ cắt lát rồi phơi khô trong cái nắng mùa hè nhiều lần cho tới khi khoai trở lên dẻo và dai thì họ sẽ đóng gói rồi bán ra thị trường.

Bánh bột lọc



Bánh bột lọc thì hiện nay rất nhiều địa phương trên khắp Việt Nam đều có nhưng không phải vị ở nơi nào cũng giống nhau. Bánh bột lọc ở Quảng Bình thường được bọc trong lá chuối để tiện bảo quản và mang đi xa. 


Khi ăn bánh bột lọc tại quán, chủ quán sẽ mang nước mắm chắt ra để các bạn chấm, theo người dân ở đây bánh bột lọc mà chấm với nước mắm chắt thì mới thực sự là món ăn ngon đúng chất Quảng Bình.


Lẩu cá khoai



Lẩu cá khoai thuộc top các món ăn ngon nhất ở Quảng Bình được nhiều người ưa thích. Thường thường mọi người hay ăn lẩu cá khoai vào mùa đông và đầu xuân nên các quán hầu như chỉ cho món lẩu cá khoai vào thực đơn trong hai mùa này bởi cá khoai chỉ phát triển trong thời gian này là chủ yếu. 


Cá khoai là một loại cá có thịt vừa ngọt vừa dai ăn vào không bị ngán, một con cá khoai không được to như cá chép hay cá trôi nên mỗi người có thể ăn vài con trong một bữa.

Bánh xèo Quảng Hòa



Món bánh xèo Quảng Hòa từ lâu đã trở thành một đặc sản hấp dẫn ở Quảng Bình được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Bánh xèo được làm từ gạo lứt nên rất thơm và nghe nói gạo lứt còn giúp giảm cân nữa. 


Nếu ăn bánh xèo thì các bạn nhất định phải tới xã Quảng Hòa bởi hương vị bánh xèo ở đây là ngon nhất. Bạn đi vào tầm đông khách là lúc chiều tối thì có lẽ phải đợi hơi lâu bởi chủ quán chỉ làm bánh xèo khi khách gọi nên bánh xèo mang ra lúc nào cũng giòn ngon.


Gỏi cá nghéo



Gỏi cá nghéo ngon nhất phải nói tới ở vùng biển Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình. Có rất nhiều món ăn từ cá nghéo như luộc, hấp, nướng nhưng gỏi cá nghéo vẫn được đánh giá là món ăn đặc sản ở Quảng Bình hút hồn cả du khách lẫn người dân địa phương. 


Cá nghéo sau khi được đánh bắt về vẫn còn tươi sống sẽ được mổ ra, lọc xương lấy thịt sau đó ướp gia vị cho vừa vặn rồi ăn kèm với rau sống, lạc rang và một số thực phẩm đi kèm khác. Lưu ý rằng đây là đồ tươi sống nên những ai bụng dạ không tốt thì nên hạn chế ăn món này nhé!

Bánh khoái



Thoạt nhìn, bánh khoái có nhiều nét giống với bánh xèo miền Nam, nhưng điểm khác biệt là bánh to hơn, giòn hơn, chế biến cầu kỳ hơn và đặc biệt bát nước chấm mang nhiều hương vị.


Nhân bánh bao gồm thịt nạc heo băm nhỏ đã ướp gia vị, tôm bóc vỏ sơ chế qua, thêm vào đó chút giá sống. Khi chiên bánh khoái phải chú ý đến độ nóng của lửa để bánh được giòn và vàng. Nước chấm phải có hương vị đặc trưng, mùi thơm béo ngậy. Một bát nước chấm ngon cần phải có thịt nạc, cà chua, dứa, bánh quy, lạc rang…


Vào những ngày mát trời, thưởng thức một miếng bánh khoái nóng hổi thơm lừng với nước chấm đậm vị, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được cảm giác thú vị do món ngon này đem lại.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Các kiểu nhà truyền thống ở Trung Quốc

Kiến trúc truyền thống của Trung Quốc thường rất quy củ, mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống, hợp phong thủy và bố cục thuận theo âm dương ngũ hành.


Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với bản sắc dân tộc hàng ngàn năm vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay. Ở những vùng lãnh thổ với khí hậu và địa hình khác nhau, kiến trúc Trung Quốc lại xuất hiện những kiểu nhà bản địa truyền thống khác nhau. 

Dù bạn không hề có ý định xây dựng nhà ở theo kiến trúc nhà cổ, thì các kiểu nhà sau đây sẽ bổ sung cho bạn kiến thức về lối sống của người dân trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Các kiến trúc dưới đây tuy không phải là tất cả, song nó là một số kiểu nhà ở có kiến trúc bản xứ phổ biến trên khắp Trung Quốc.

Tứ Hợp Viện 



Tứ hợp viện là kiểu nhà khép kín có nhiều thế hệ trong gia đình cùng chung sống. Tứ hợp viện bao gồm những căn nhà được tạo bởi bốn gian nhà chữ nhật, bố trí thành hình vuông tạo thành các sân trong.


Tứ hợp viện ngăn cách với bên ngoài, tất cả cửa sổ đều mở về hướng sân viện, đây là biện pháp tốt để ứng phó với bão cát lớn tại Bắc Kinh. Khi nhìn trên nhìn xuống, tứ hợp viện giống như một chiếc hộp lớn do 4 cái hộp nhỏ tạo thành. Khi nhìn từ mặt phẳng thì nó là một hình vuông ngay ngắn.


Mái nhà được thiết kế nhô ra ngoài để tạo bóng mát cho khoảng sân ở giữa. Sân vườn được trồng nhiều cây xanh để liên kết không gian và làm tinh thần con người trở nên thoải mái.


Giữa các thành viên gia đình cũng như nhà ở của họ được sắp xếp theo một trật tự nghiêm ngặt. Nhà chính hay nhà trên là nhà ở của chủ hộ và cũng là trung tâm tụ họp của cả gia đình. Con gái trong nhà sẽ ở trong những căn phòng nằm xa đường phố nhất, người hầu sẽ ở trong các phòng phụ. 

Thổ Lâu



Thổ Lâu là những ngôi nhà khổng lồ của các dân tộc vùng Phúc Kiến, xây dựng từ thế kỷ 12 đến 19. Mục đích xây dựng ban đầu là để chống lại nạn cướp bóc và tấn công của các thế lực bên ngoài.


Các thổ lâu đa phần được xây theo dạng hình vuông hoặc hình tròn. Những bức tường bọc bên ngoài được làm bằng cách nén đất với hỗn hợp đá, tre, nứa, xà gỗ.. dày tới gần 2m. Cổng của thổ lâu là điểm trọng yếu nhất nên gia cố bằng đá và sắt.


Mỗi thổ lâu chỉ có một lối vào duy nhất và không có cửa sổ. Thổ lâu được xây từ 3 – 5 tầng với tầng trên cùng lợp ngói. Ở giữa thổ lâu là một khoảng sân, đây chính là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng. Mỗi nhà cấu trúc dạng này có sức chứa lên đến 800 người.

Kiến trúc của các thổ lâu nhìn từ ngoài vào thì khá đơn giản, nhưng bên trong lại được thiết kế và trang trí khá cầu kỳ, kỹ lưỡng. Hệ thống thổ lâu được xây dựng có khả năng chống động đất tốt và căn phòng trong các thổ lâu đều thông gió tốt và đủ ánh sáng.


Tuy được làm bằng các thứ vật liệu có sẵn ở địa phương và được xây dựng với một kỹ thuật thô sơ, nhưng các thổ lâu có độ vững chắc tương đương với một tòa pháo đài bảo vệ cư dân khỏi nguy hiểm tiềm ẩn từ bên ngoài. Năm 2008, 46 căn Thổ Lâu đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.


Diêu động


Tại các vùng nông thôn phía Bắc Trung Quốc, đặc biệt là tại Thiểm Tẩy, các nhà hang Diêu Động sử dụng đất lấy từ các sườn đồi lân cận như một thứ vật liệu cách nhiệt tự nhiên, tránh khỏi sự khắc nghiệt của khí hậu địa phương trong hai mùa đông – hạ.


Diêu động có thể được khoét trực tiếp vào các sườn đồi, hoặc đào sâu xuống lòng đất, hoặc xây độc lập bằng cách nén và đắp đất bao ngoài lõi khung gạch. Tập hợp những ngôi nhà được xây kề nhau hoặc thậm chí chồng lên nhau để cùng tạo thành một ngôi làng theo từng cấp, thường là nơi ở của nguyên một gia tộc hoặc của một vài gia đình.


Các phòng được kết nối với nhau bằng những đường hầm nhỏ. Ở mỗi tỉnh, diêu động sẽ có hình dáng khác nhau tùy vào vị trí địa lý tại nơi đó. Những ngôi nhà truyền thống này được xem là một ví dụ về thiết kế bền vững.

Thạch Khố Môn



Khác với các kiểu nhà như Tứ Hợp Viện, Thạch Lâu và Diêu Động vốn đã tồn tại trong hàng thiên niên kỷ, các dãy Thạch Khố Môn ở Thượng Hải là di sản của những năm đầu thế kỷ 20, khi những nguồn cảm hứng phương Tây được người Pháp mang đến đã bắt đầu len lỏi và định hình phong cách kiến trúc đô thị. 


Những dãy nhà lô bằng gỗ và gạch không quá ba tầng cao được xây dựng liền kề nhau bên trong chiếc cổng đá, tạo thành một con ngõ tách biệt. Những khoảnh sân ngõ ấy chính là nơi diễn ra phần lớn các các sinh hoạt thường ngày như làm mì sợi, giặt quần áo, chơi bài, uống café,… góp phần không nhỏ trong việc hình thành văn hóa sống người Thượng Hải. 


Có thể dễ nhận ra các khu Thạch Khố Môn ở những chiếc vòng cửa lớn, những hoa văn và motif hình học mang hới hướng Art Deco, gợi lại những ký ức về kỷ nguyên nhạc Jazz vàng son của Thượng Hải.


Nguồn: Tổng hợp

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Đến Sri Lanka, tận hưởng loạt trải nghiệm cuốn hút không muốn về

Được ví như hòn ngọc của Ấn Độ Dương, đảo quốc Sri Lanka có vô số trải nghiệm thú vị cuốn hút du khách, từ lướt sóng, ngắm cá voi xanh đến hái chè, thăm "đền thờ răng Phật"...


Chinh phục Sigiriya: 


Một trong những khung cảnh ấn tượng nhất của Sri Lanka là "tảng đá Sư tử" cao 180 m, dựng thẳng đứng giữa trời xanh. Trên đỉnh đá granite bằng phẳng này có hệ thống dấu tích thành phố cổ Sigiriya, thủ đô do vua Kassapa I xây dựng nên vào thế kỷ 5. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. 


Men theo loạt cầu thang thẳng đứng, nằm cheo leo bên sườn đá dốc là trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi đến Sigiriya. Trên đường đi, bạn sẽ chiêm ngưỡng nhiều bức bích họa sinh động, cùng đôi chân sư tử khổng lồ chạm khắc vào đá. Từ đỉnh tảng đá hùng vĩ này, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát khung cảnh mê hoặc xung quanh, nhất là những cánh rừng phủ sương mù bên dưới vào mỗi sáng sớm.

Hái chè ở Nuwara Eliya: 



Mệnh danh "tiểu Vương quốc Anh", vùng đất cao nguyên Nuwara Eliya khí hậu mát mẻ, trong lành là trung tâm của ngành công nghiệp chè Sri Lanka. Với những tín đồ của thức uống quen thuộc này, Nuwara Eliya là điểm đến không thể bỏ qua. Tại đây, bạn có thể tìm hiểu về Sir Thomas Lipton và đế chế trà Lipton nổi tiếng của ông.

Khám phá thiên nhiên hoang dã ở Udawalawe: 


Vườn quốc gia Udawalawe của Sri Lanka đặc biệt nổi tiếng với đàn voi khoảng 700 con, có thể cho du khách tận mắt chiêm ngưỡng loài vật to lớn này. Nhà chăm sóc voi Elephant Transit Home ở đây thuộc top các trung tâm phục hồi động vật hoang dã tốt nhất thế giới, chuyên chăm sóc, chữa trị voi bị thương, mồ côi... đến khi chúng đủ khả năng sống độc lập, trở về tự nhiên.



Vườn quốc gia Udawalawe có hệ sinh thái đa dạng cùng nhiều loài động, thực vật đặc hữu độc đáo. Tại đây, bạn có thể tìm thấy khoảng 30 loài rắn khác nhau cùng hàng trăm loài chim tụ hội trong mùa di cư từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm.

Thư giãn bên bờ vịnh Arugam: 



Vịnh Arugam với dải cát mịn dài, cong cong hình trăng khuyết được đánh giá là điểm lướt sóng tuyệt vời nhất ở Sri Lanka. Nếu lướt sóng không nằm trong danh mục "phải thử" của bạn, vịnh biển này còn nhiều điểm thu hút khác đủ sức quyến rũ du khách như các nhà nghỉ, nhà hàng thơ mộng, không gian thư giãn thanh bình và khoảnh khắc mặt trời mọc rất đáng chờ đợi.

Ngắm cá voi xanh giữa đại dương: 


Độ sâu của thềm lục địa mũi phía nam Sri Lanka là khu vực thích hợp với cá voi xanh, một trong những sinh vật lớn nhất thế giới. Nhiều du khách ưa chuộng điểm đến này của đảo quốc Sri Lanka, vì đây là nơi có thể ngắm nhìn loài cá khổng lồ trong một khoảng cách rất gần.




Dondra Head, điểm cực nam Sri Lanka có ngọn hải đăng cao nhất nước là địa điểm lý tưởng cho bạn ngắm loài cá voi xanh khổng lồ ngay trước mắt. Từ tháng 1-4 hàng năm, những chú cá voi xanh trên tuyến đường từ vịnh Bengal đến Tây Ấn Độ Dương thường di chuyển qua vùng biển này để "no bụng" với nguồn nhuyễn thể phong phú ở đây, nhờ cả trăm dòng sông Sri Lanka góp vào.

Thưởng thức hải sản tươi sống: 



Ẩm thực của đảo quốc Sri Lanka nổi trội về các loại hải sản tươi sống, thơm ngon đánh bắt tại chỗ. Cà ri, nước cốt dừa là những hương vị khá quen thuộc trong các món ăn ở nước này. Để thưởng thức cùng lúc những đặc trưng đó của ẩm thực Sri Lanka, món cà ri cua Jaffna nổi tiếng đặc sắc là trải nghiệm bạn không nên bỏ qua. 

Thăm thành phố linh thiêng Kandy: 

Thường gọi là Senkadagalapura, thành phố linh thiêng Kandy của Sri Lanka được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 1988. Nơi đây là thủ đô cuối cùng của các vị vua Sinhala, người bảo trợ nền văn hóa Dinahala phát triển trong hơn 2.500 năm trước khi người Anh đặt chân đến Sri Lanka năm 1815. 



Đến Kandy, du khách không thể bỏ qua "đền thờ răng Phật" có mái bằng vàng, di tích Phật giáo quan trọng nhất của Sri Lanka. Căn phòng lưu giữ chiếc răng của Đức Phật ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt, song du khách có thể vào tham quan. Lễ hội Kandy Esala Perahera trang trọng, rực rỡ sắc màu diễn ra khoảng tháng 7-8 hàng năm tại đền thu hút rất đông du khách mọi nơi.

Theo news.zing.vn