Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

12 món tráng miệng ngon nhất ở Thái Lan

Các món tráng miệng của Thái Lan đặc biệt thơm ngon với nhiều hình dạng và màu sắc bắt mắt. Nếu bạn có dịp du lịch đến với đất nước Thái Lan thì nhớ đừng quên thử qua những món ăn hấp dẫn này nhé!


1.  Khanom Buang



Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh này tại chợ cuối tuần Chatuchak tại Bangkok. Món bánh này thoạt nhìn có vẻ đơn giản, như bánh quế tại Việt Nam nhưng lại mang đến hương vị ngon khó tả. 


Đế bánh được nướng giòn trên chảo lớn, khi khách đến mua có thể yêu cầu nhân ngọt hoặc mặn tùy ý. Vỏ bánh sẽ được bóp tròn hình phễu để dễ đựng nhân hơn. 


Chỉ với khoảng 35 - 50 bath, tương đương 35.000 đồng tiền Việt, bạn đã có thể ăn thử đủ vị các loại nhân của món bánh này.

2. Bánh Luk Chup 



Hình dáng giống với những loại trái cây, món bánh này nhìn quá hấp dẫn. Được làm từ bột đậu xanh, bánh được nhuộm màu sặc sỡ và nặn cẩn thận thành các hình dạng hoa quả khác nhau. 


Tiếp theo, những chiếc bánh nhỏ xinh sẽ được đổ vào các thùng chứa để bạn có thể chọn loại mà bạn muốn thử.  Giống như là bạn đang ở trước một quầy bán hoa quả thật vậy!

3. Khanom Krok 



Loại bánh bò dừa nướng này sẽ tan chảy ngay trong miệng của bạn. Chúng được khéo léo lật từ chảo sang đĩa và thường được phủ lên trên một lớp hành lá, ngô ngọt hoặc khoai môn. Nhưng chúng cũng khá thú vị khi chỉ ăn không!



4. Pakim Kai Tow 



Chỉ cần thử một thìa Pakim Kai Tow thôi, bạn sẽ cảm nhận được một hương vị ngọt ngào tan chảy trong khắp khoang miệng của bạn. Vị ngọt của chè là sự kết hợp đặc biệt giữa những sợi bột nếp dai dai, mằn mặn khiến bạn sẽ phải ngất ngây vì...quá tuyệt vời.


Bạn có thể lựa chọn giữa nước cốt dừa béo ngậy hoặc muốn nhẹ nhàng và ngọt ngào hơn thì hãy chọn nước đường nâu. Nếu không sợ béo, bạn cũng có thể thử cả 2 vị đấy chứ!

5. Taung Muan Sot 



Dễ dàng được tìm thấy dọc theo những con đường ở Thái Lan, đây là loại bánh crepe ngọt cuộn nhiều hương vị như lá dứa, dừa, khoai môn và ngô ngọt. Chúng thường được phủ với hạt mè đen rang, sự kết hợp giữa miếng bánh mềm và những hạt mè rang giòn tan làm nên một dư vị ngon không thể tả. 

6. Kaiwan / Thong yot



Đây đều là những món bánh làm từ lòng đỏ trứng thật độc đáo. Kaiwan được làm từ lòng đỏ trứng gà được thả vào nước đường và đun sôi với một chút gừng. Được chế biến khéo léo, chúng cũng gần giống với Tong Yord, lòng đỏ trứng trộn với nước đường, đun sôi cho đến khi đông lại thành bánh và được nặn thành những quả bóng nhỏ. 


Cùng với Tong Yip (bánh trứng hình hoa) và Foi Tong, chúng thường được sử dụng như topping cho các món tráng miệng Thái Lan

7.  Bánh Roti Thái



Bánh Roti Thái Lan được chiên với rất nhiều bơ hoặc margarine. Loại phổ biến nhất thường có nhân chuối hoặc trứng và được phủ lên một lớp sữa đặc. 

Tuy nhiên hầu hết các quầy hàng có rất nhiều loại topping cho bạn lựa chọn như nutella, mật ong và nhiều hơn nữa. Hương vị giòn tan bên ngoài và mềm bên trong, khiến bạn không thể bỏ lỡ món ăn vặt đầy sức hấp dẫn này được.

8. Sang Kaya Fug Tong



Về cơ bản thì món này bao gồm một trái bí ngô hấp và được nhồi với kem custard dừa. Món tráng miệng độc đáo này của người Thái mềm, mịn và rất gây nghiện – thực tế có thể coi nó là một món ăn chính luôn.


Thêm vào đó, nó không quá ngọt, bạn có thể mua nó theo từng miếng một, hoặc hai miếng, hoặc nhiều miếng hơn nữa…

9. Roti Sai Mai 



Bắt nguồn từ Ayutthaya, Roti Sai Mai là một món ăn nhẹ đường phố cực kỳ phổ biến của Thái Lan bao gồm những sợi kẹo bông nhiều màu rực rỡ cuộn lại trong một lớp bánh crepe lá dứa mỏng tang.



10. Toorien Guan



Được gói chặt trong một túi nilon nhỏ là một hỗn hợp kẹo ngọt dính trộn giữa sầu riêng và đường. Một món ăn vặt hoàn hảo cho bất kỳ ai yêu thích sầu riêng.

11. Mứt hoa quả



Bởi vì trái cây bình thường không đủ ngọt. Người Thái đặc biệt thích putsa cheum (mứt chà là Trung Quốc), luktan cheum (hạt cọ) và gluay cheum (chuối) ngâm trong xi-rô saccharine.




Một lựa chọn khác là grataun song kreung – mứt quả táo chua (còn được gọi là quả bông) trộn với đậu phộng, ớt cay và những con tép mặn, ngọt. 

12. Khao Neow 



Xôi xoài thì quá là nổi tiếng rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều món tráng miệng khác được làm từ gạo nếp để thử!


Khao neow sang kaya và Khao neow toorien cũng gần giống với xôi xoài, ngoại trừ việc xôi sẽ được ăn kèm với kem custard và sầu riêng. 


Khao lam là gạo nếp nấu với đậu đen và sữa dừa trong những thân tre rỗng, sau đó được chẻ ra bằng dao để ăn, còn khao mak là bánh pudding làm bằng gạo nếp lên men, với một bề mặt giòn rụm.


Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Khao neow dam là món xôi nếp đen được rắc dừa lên trên. Giản dị nhưng cực ngon và chắc bụng!


Nguồn: Tổng hợp

5 Casino nghỉ dưỡng xa xỉ nhất thế giới


Khi mức sống của con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu của họ không còn chỉ là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng mà phải kết hợp với giải trí, hưởng thụ. Từ đó những chuyến du lịch nghĩ dưỡng kết hợp Casino ngày càng được nhiều người tìm đến, đặc biệt là giới thượng lưu. Nhiều khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp ngày càng phát triển. Bạn có biết 5 khu nghỉ dưỡng xa xỉ nhất thế giới là gì và ở đâu không?

City Centre, Las Vegas


City Center khu nghỉ dưỡng kết hợp Casino trị giá 9 tỷ USD thuộc quyền sở hữu của của công ty MGM Resorts rộng 31 hecta gồm 6 tòa tháp chính, trong đó có 1 khu nghỉ dưỡng và sòng bạc, 2 khách sạn, một khu căn hộ cao cấp, một khu giải trí và 1 khu mua sắm, nhà hàng, quán bar, hộp đêm, một Spa và một nhà hát. nhà hàng, quán bar, hộp đêm, một Spa và một nhà hát. Với các dịch vui cao cấp, khu nghỉ dưỡng này đang đứng đầu sang trọng và xa xỉ nhất thế giới.

Marina Bay Sands, Singapore


Marina Bay Sand là thiên đường cờ bạc và nghỉ dưỡng xa xỉ thứ 2 của Tập đoàn Las Vegas Sands trị giá lên đến 8 tỷ USD. Được biết tới là Casino mái kính lớn nhất thế giới tại Marina trong đó bao gồm hàng loạt nhà hàng và quán bar, cộng thêm một viện bảo tàng và hai sân khấu lớn dành cho các vở ca nhạc kịch. Đặc biệt là bể bơi vô cực 150m ở tòa SkyPark thực sự đem đến cho bạn sự trải nghiệm khác biệt khi bơi lội trên nóc nhà với tầm nhìn 360 độ.

Xem thêm: 8 khu phố nên khám phá ở Singapore

Resorts World Sentosa, Singapore


World Sentosa là khu nghỉ dưỡng đồ sộ tích hợp casino đầu tiên và cũng là resort lớn nhất của Singapore với trị giá 5,7 tỷ USD nằm trên đảo Sentosa. Sòng bạc Resorts World Sentosa là nơi ngự trị của công viên công nghệ Universal Studios duy nhất ở Đông Nam Á và công viên hải dương học lớn nhất thế giới. Đặc biệt nơi đây sở hữu phim trường và thủy cung lớn nhất thế giới. Hàng hàng có các khu ẩm thực chuyên biệt của các nước Châu Á.

MGM Cotai, Macau


Siêu nghỉ dưỡng sòng bạc MGM Cotai trị giá 3,4 tỷ USD ở Macau với hình dạng giống những chiếc hộp đựng đồ trang sức truyền thống Trung Quốc của Tập đoàn MGM China với các khu dịch vụ sang trọng như: Khu chăm sóc Spa Tria phục hồi sức khỏe bằng phương pháp truyền thống của người Himalaya, bể bơi, khu biểu diễn nghệ thuật và tổ chức tiệc có sức chứa hơn 600 người, bộ sưu tập 28 tấm thảm vô giá từ thời nhà Tần của Trung Quốc, khu vườn nghệ thuật lớn nhất thế giới bao gồm một số loài hoa đã tuyệt chủng được hồi sinh từ ngân hàng hạt giống ở HongKong và châu Âu.

The Wynn, Las Vegas


The Wynn chính là Casino có khối tài sản giá trị nhất của nhà Steve Wynn với 2,7 tỷ USD. Khu nghỉ dưỡng này đạt các giải thưởng 5 sao của AAA, Forbes và Mnbil.Nổi bật có sự ký kết với Ferrari-Maserati để bầu chọn. Khu nghỉ dưỡng kiêm sòng bạc tráng lệ này có 2.700 phòng nghỉ, 18 nhà hàng, 31 cửa hiệu hạng sang, hồ nước nhân tạo và sân golf 18 lỗ duy nhất ở Las Vegas. Ngoài ra còn có 2 phòng trưng bày: một gồm những chiếc Ferrari độc nhất vô nhị và một là bộ sưu tập những bức họa nổi tiếng thế giới. Sòng bài này còn nổi tiếng với câu lạc bộ đêm sành điệu, có thác nước trong nhà cao 8 tầng và sàn nhảy rộng thênh thang.
Tổng hợp

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Lẫy lừng Ngũ Nhạc Danh Sơn hùng vĩ

Trung Quốc được biết đến là một trong những nước có diện tích rộng lớn thế giới với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Vạn lý Trường Thành - 1 trong 7 kì quan thời Trung Cổ mà nơi đây còn nổi tiếng với 5 ngọn núi thiêng hùng vĩ thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới.

Đông Nhạc



Đông Nhạc nay gọi là núi Thái Sơn, nằm ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc với tổng diện tích 426 km² hay Thiên Trụ - cột chống trời, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới.

Bộ Kim Cương Kinh



Bộ kinh Kim Cương của đạo Phật được ghi lên trên vách đá ở sườn Đông trên đường mòn chính lên núi. Đây là tác phẩm lớn nhất trên vách đá có đề ngày tháng được khắc với 2.799 chữ phủ kín 2.064m² mặt đá.

"Cái thang" lên đỉnh Ngọc Hoàng



Để lên đến đỉnh Ngọc Hoàng mà thường được biết đến với tên gọi ”cột chống trời” cao 1.545m bạn phải vượt qua 6.600 bậc thang đá được tính từ chân núi. Đây là một thách thức không nhỏ với nhiều du khách, vì thế con đường này được ví như "cái thang lên trời". Trên đỉnh núi còn có đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên, đặc biệt là cây Ngân Hạnh có niên đại 2.000 năm tuổi được mệnh danh là "hóa thạch sống" với nhiều thắng cảnh thiên nhiên trên đường lên núi và 20 quần thể kiến trúc và hơn 2000 di tích lịch sử văn hóa đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của Trung Quốc và có giá trị nghệ thuật.

Cầu Bất Tử



"Cầu Bất Tử" bên sườn dốc của núi Thái Sơn được tạo ra từ những khối đá khổng lồ chồng lên nhau một cách tự nhiên. “Cây cầu” bắt ngang 2 vách núi giữa trời ngỡ rằng sẽ rơi bất cứ lúc nào nhưng nó vẫn hiên ngang nằm đó mặt cho thời gian hàng ngàn, hàng vạn năm trôi qua.

Tây Nhạc



Núi Hoa Sơn hay còn gọi Tây Nhạc là một ngọn núi thuộc đoạn Đông dãy Tần Lĩnh ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây. Hoa Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ và những cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới mà không ít người muốn thử sức mình chinh phục. Danh thắng này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1990. Ngọn núi này được bao bọc bởi toàn đá hoa cương, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn.

Con đường ván gỗ



Để lên được đỉnh núi Hoa Sơn, bạn phải vượt qua những con đường chạy dọc theo sườn núi cao 1.800m. Sau vượt qua các bậc thang cheo leo bằng đá bạn còn phải bám người vào vách núi để đi men theo hệ thống đường ván bằng gỗ mới có thể lên đỉnh núi. Đây là con đường được các tu sĩ, tín đồ đạo Lão xây dựng để đi lên các đền thờ trên đỉnh núi. Với những ai thích phiêu lưu, mạo hiểm thì “con đường ván gỗ trên bầu trời” này là một trải nghiệm vô cùng đắt giá. 

Đỉnh Nam Phong



Đường đi lên đỉnh núi tràn ngập những móc khóa tình yêu được móc đỏ rực trên những đoạn dây cáp căng bên vực sâu. Rất nhiều người đến đây đã treo lên những chiếc móc khóa xinh xắn của mình với ước nguyện cho tình cảm của họ được trọn ven, bền lâu trường tồn theo năm tháng với ngọn núi này dưới sự chứng giám của các vị thần linh trên ngọn núi thiêng hay đơn giản là chỉ cầu bình an cho người than của mình. Từ đỉnh Nam Phong nhìn từ trên xuống ta như lạc trong chốn bồng lai giữa mây núi bềnh bồng tiên cảnh.

Nam Nhạc



Nam Nhạc hay còn gọi là núi Hành Sơn được tạo thành bởi đá hoa cương, vách đá dựng đứng với chiều cao 1.290m, có hình thù kỳ quái và gồm có 72 đỉnh núi lớn nhỏ và nổi tiếng là ngọn núi của Đạo Giáo và Phật Giáo.

Đền Nam Việt



Tại chân núi Hành Sơn chúng ta có thể chiêm ngưỡng ngôi đền lớn nhất ở miền Nam Trung Quốc, đền thờ Nam Việt linh thiêng.


Ngọn núi này vinh dự được bưu chính quốc gia Bắc Kinh phát hành bộ tem năm 1990 bao gồm 4 mẫu tinh khắc mô tả vẻ đẹp của các thắng cảnh trên núi. 

Bắc Nhạc



Hằng Sơn còn gọi là Bắc Nhạc hay Thường Sơn, nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, giáp với Nội Mông Cổ, thuộc vùng cao nguyên khô hạn, quanh năm nắng gió, cát bụi.


Thiên Sơn Lĩnh cao 2.016 m là ngọn núi cao nhất Hằng Sơn, trên núi Thiên Sơn Lĩnh có miếu thờ chính là miếu Bắc Nhạn, thờ thần Hằng Sơn và trong đó còn bao gồm "tam tự, tứ từ, cửu đình các, thất cung, bát động, thập nhị miếu". Thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và thắp hương cầu nguyện là chùa Huyền Không bởi nét kiến trúc đặc sắc “kì, huyền, xảo.

Trung Nhạc



Tung Sơn nằm tại Đặng Phong, Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được mệnh danh là Trung Nhạc. Đỉnh cao của núi là đỉnh Tuấn Cực, cao 1.491,7m so với mực nước biển.

Cầu treo giữa trời mây



Cây cầu treo lơ lửng bắt qua đỉnh núi, hay những con đường cheo leo trên vách đá dựng đứng là điểm trải nghiệm thú vị khó quên của nhiều du khách.

Huyền thoại Thiếu Lâm Tự



Đến Tung Sơn, không những bạn sẽ được đến thăm di tích cổ như miếu Trung Nhạc được xây dựng từ thời nhà Tần - một trong những công trình kiến trúc cổ đại nhất Trung Quốc mà còn được tham quan tìm hiểu về cái nôi võ học vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc là Thiếu Lâm tự.

Đường lên chùa Thiếu Lâm tự phong cảnh rất hùng vĩ với núi cao, đèo sâu và rất nhiều cây tùng, bách vươn mình trong sương gió, chẳng khác nào một bức tranh thủy mạc hữu tình. Nằm ở vị trí cao, lại có tên tuổi lẫy lừng không chỉ trong giới võ học mà cả trong văn chương, điện ảnh, mỗi năm Thiếu Lâm tự thu hút hàng ngàn khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài.

Tổng hợp

Về Huế nhớ ăn cơm âm phủ

Cơm âm phủ là một món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/Có quán Âm phủ ma rình phía sau”. Cơm âm phủ có hương vị tinh tế, không cần nguyên liệu cao sang mà vẫn phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.



Du khách ghé thăm cố đô Huế không chỉ quyến luyến những dòng sông, ngôi chùa và những bài dân ca trữ tình ngọt ngào mà còn đong đầy nỗi nhớ thương nền ẩm thực tinh tế và dung dị của thành phố này. Các món ăn Huế không cầu kì, sang trọng nhưng mỗi hương vị lại như một lời thì thầm thương mến gửi đến thực khách. Và ngoài bún bò, bánh bèo, cơm hến, chè… còn có một món ăn khiến nhiều thực khách phải tìm thưởng thức cho bằng được, đó chính là cơm âm phủ.


Cơm âm phủ thực chất là món cơm trộn thập cẩm đặc sắc về hình thức lẫn hương vị, đã có mặt từ rất lâu ở đất cố đô. Tương truyền, ngày xưa Vua Bảo Đại thường vi hành để khảo sát đời sống người dân. Trong một lần, vì cảm thấy đói bụng nên vua đã dừng chân xin cơm tại một nhà bà lão. Bà lão mang ra một dĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày như dưa leo, rau cải, trứng, thịt,… được thái thành sợi.

Vua được mời ngồi ăn trên một cái chõng tre cùng với ánh đèn dầu leo lắt khiến vua cảm thấy hơi lạnh sống lưng. Nhưng vì quá đói nên vua không quan tâm đến quang cảnh xung quanh mà ăn rất ngon miệng. Ăn xong khi ra về vua thấy bà lão nằm trên một bãi đất sụp xuống, giống như đang bị sụp xuống âm phủ. Vua thấy sự việc này không bình thường nên muốn rời đi ngay nhưng trong lòng vẫn lưu luyến món ăn bình dân ngon miệng này.


Về đến cung, vua đã chán với việc ăn sơn hào hải vị, mà lại rất nhớ món cơm bình dân của bà lão trước kia nên đã mở cuộc tuyển chọn đầu bếp vào cung để nấu món này cho vua. Vị đầu bếp được chọn sau khi đến tuổi già được vua cho về nghỉ ngơi, đã quyết định mở quán ăn để cho thiên hạ cùng được thưởng thức món ăn mang phong cách dân dã chốn cung đình.

Mới đầu quán được dựng lên với 4 cái cọc tạm bợ giữa vùng đất vắng, được lợp bằng tre nứa lá, tường thì được làm bằng phên đất và bên trong chỉ có một cây đèn dầu với ánh sáng tù mù giữa cánh đồng nên những người tới đây ăn cảm thấy lạnh người như đang lạc vào cõi âm ty. Quán thường mở tới khuya phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa… Chính vì sự u ám, hiu quạnh và khác lạ này của quán mà người ta gán cho cái tên “cơm âm phủ” và lưu truyền đến ngày nay.

Với vẻ ngoài của món, bạn sẽ có chút ngạc nhiên khi chúng khác hẳn so với tưởng tượng ban đầu, trông “sáng lạng” và rất hấp dẫn. Món cơm âm phủ gồm có một đĩa cơm trắng được bày xung quanh là trứng, thịt, rau củ, tôm cháy, nem chua, chả lụa… Những nguyên liệu quen thuộc ấy khi kết hợp, đan xen sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn đến lạ.


Đĩa cơm đầy, từng hạt cơm ướm đều chút béo của mỡ hành; Giò lụa được làm bằng thịt heo quết nhuyễn, gói thành từng thanh nhỏ; thịt nạc nướng đậm đà gia vị, thái bản mỏng góp vị cùng tôm cháy mằn mặn hay trứng chiên mềm béo thơm thơm, lại còn độ giòn tươi của rau củ… tất cả không chỉ tạo nên sự hài hòa về màu sắc mà hương vị như được dịp bung tỏa, khiến thực khách xuýt xoa, thích thú.

Bên cạnh đó, chén nước mắm tỏi ớt là phần không thể thiếu để món ăn thêm trọn vẹn. Khác với cách ăn thông thường của người Việt chấm từng món đồ ăn vào bát nước chấm, bát nước mắm trong đĩa cơm âm phủ phải được rưới đều và trộn đều với cơm cùng các loại thức ăn trước khi thưởng thức. Có như vậy mới thưởng thức được hết cái hay cái ngon của các hương vị.

Có thể nói, cơm âm phủ là một điểm chấm phá độc đáo trong nền ẩm thực đặc sắc của xứ Huế. Không chỉ khiến người ta tò mò từ cái tên mà hương vị của món ăn cũng giao hòa trọn vẹn, rất dung dị mà vô cùng tinh tế.

Theo Wanderlust Tips

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Say đắm hương vị ẩm thực Quảng Bình

Du lịch Quảng Bình không những thu hút khách không chỉ có bãi biển đẹp, hang động kỳ bí mà còn bởi những món ăn đặc sản khó quên.


Cháo bánh canh



Gọi là cháo bánh canh nhưng nhìn rất giống tô bún mà chúng ta vẫn ăn thường ngày. Đây là món ăn sáng quen thuộc ở Quảng Bình được nhiều người dân địa phương yêu thích. 


Nếu như phở hay bún thì người bán hàng chỉ trần qua rồi cho vào bát còn đối với món cháo canh của người Quảng Bình thì người bán hàng sẽ cho sợi bánh canh vào đun cùng nước dùng và đun sôi lên như nấu cháo hay nấu canh.

Nấm Tràm



Nấm Tràm cũng là một món ăn đặc sản ngon nhất mà bạn nên thưởng thức khi đi du lịch Quảng Bình. Tuy nhiên muốn ăn món nấm Tràm thì không phải lúc nào cũng được mà bạn cần có duyên đi vào đúng đợt khoảng tháng 4, tháng 7 và tháng 8 âm lịch. 


Nấm Tràm ở Quảng Bình không phải do người dân Quảng Bình trồng, nó là một loài thực vật mọc tự nhiên ở trên các sườn đồi hoặc ven sông suối. Người Quảng Bình thường hay hái những cây nấm này về để nấu thành canh ăn rất thơm và ngọt. Nếu đi vào khoảng thời gian nấm Tràm đang phát triển, các bạn nên đặt trước với nhà hàng địa phương để họ chuẩn bị cho các bạn món ăn dân dã Quảng Bình này nhé.


Khoai gieo



Món khoai gieo (hay khoai deo) là đặc sản nổi tiếng Quảng Bình được nhiều người chọn mua về làm quà. Sau khi thu hoạch khoai lang đỏ, người dân ở đây sẽ cắt lát rồi phơi khô trong cái nắng mùa hè nhiều lần cho tới khi khoai trở lên dẻo và dai thì họ sẽ đóng gói rồi bán ra thị trường.

Bánh bột lọc



Bánh bột lọc thì hiện nay rất nhiều địa phương trên khắp Việt Nam đều có nhưng không phải vị ở nơi nào cũng giống nhau. Bánh bột lọc ở Quảng Bình thường được bọc trong lá chuối để tiện bảo quản và mang đi xa. 


Khi ăn bánh bột lọc tại quán, chủ quán sẽ mang nước mắm chắt ra để các bạn chấm, theo người dân ở đây bánh bột lọc mà chấm với nước mắm chắt thì mới thực sự là món ăn ngon đúng chất Quảng Bình.


Lẩu cá khoai



Lẩu cá khoai thuộc top các món ăn ngon nhất ở Quảng Bình được nhiều người ưa thích. Thường thường mọi người hay ăn lẩu cá khoai vào mùa đông và đầu xuân nên các quán hầu như chỉ cho món lẩu cá khoai vào thực đơn trong hai mùa này bởi cá khoai chỉ phát triển trong thời gian này là chủ yếu. 


Cá khoai là một loại cá có thịt vừa ngọt vừa dai ăn vào không bị ngán, một con cá khoai không được to như cá chép hay cá trôi nên mỗi người có thể ăn vài con trong một bữa.

Bánh xèo Quảng Hòa



Món bánh xèo Quảng Hòa từ lâu đã trở thành một đặc sản hấp dẫn ở Quảng Bình được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Bánh xèo được làm từ gạo lứt nên rất thơm và nghe nói gạo lứt còn giúp giảm cân nữa. 


Nếu ăn bánh xèo thì các bạn nhất định phải tới xã Quảng Hòa bởi hương vị bánh xèo ở đây là ngon nhất. Bạn đi vào tầm đông khách là lúc chiều tối thì có lẽ phải đợi hơi lâu bởi chủ quán chỉ làm bánh xèo khi khách gọi nên bánh xèo mang ra lúc nào cũng giòn ngon.


Gỏi cá nghéo



Gỏi cá nghéo ngon nhất phải nói tới ở vùng biển Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình. Có rất nhiều món ăn từ cá nghéo như luộc, hấp, nướng nhưng gỏi cá nghéo vẫn được đánh giá là món ăn đặc sản ở Quảng Bình hút hồn cả du khách lẫn người dân địa phương. 


Cá nghéo sau khi được đánh bắt về vẫn còn tươi sống sẽ được mổ ra, lọc xương lấy thịt sau đó ướp gia vị cho vừa vặn rồi ăn kèm với rau sống, lạc rang và một số thực phẩm đi kèm khác. Lưu ý rằng đây là đồ tươi sống nên những ai bụng dạ không tốt thì nên hạn chế ăn món này nhé!

Bánh khoái



Thoạt nhìn, bánh khoái có nhiều nét giống với bánh xèo miền Nam, nhưng điểm khác biệt là bánh to hơn, giòn hơn, chế biến cầu kỳ hơn và đặc biệt bát nước chấm mang nhiều hương vị.


Nhân bánh bao gồm thịt nạc heo băm nhỏ đã ướp gia vị, tôm bóc vỏ sơ chế qua, thêm vào đó chút giá sống. Khi chiên bánh khoái phải chú ý đến độ nóng của lửa để bánh được giòn và vàng. Nước chấm phải có hương vị đặc trưng, mùi thơm béo ngậy. Một bát nước chấm ngon cần phải có thịt nạc, cà chua, dứa, bánh quy, lạc rang…


Vào những ngày mát trời, thưởng thức một miếng bánh khoái nóng hổi thơm lừng với nước chấm đậm vị, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được cảm giác thú vị do món ngon này đem lại.