Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Áp dụng ngay 3 tính năng dưới đây khi xây dựng website du lịch để tăng trải nghiệm cho khách hàng

Các website du lịch không chỉ đưa ra thông tin về các chuyến đi mà còn là nơi để khách hàng thực hiện đặt chỗ trực tuyến. Bởi vậy mỗi website cần được đầu tư về cả giao diện, nội dung và các tính năng nhằm đảm bảo khách hàng sẽ có được trải nghiệm tốt nhất trong quá trình khám phá và đặt mua dịch vụ.



Chia sẻ Reviews và Tips


Thế hệ trẻ ngày nay không còn thích đi du lịch với nhóm đông theo lịch trình cố định, họ thích tự mình khám phá mọi thứ và có một lịch trình linh hoạt có thể dễ dàng thay đổi dù bất kỳ tình huống nào xảy ra. Sự khám phá này một phần dựa trên kinh nghiệm của người khác, được chia sẻ rộng rãi trên các kênh truyền thông. Và sau chuyến đi, chính họ cũng sẽ viết lại những cảm nhận, kinh nghiệm của mình và đăng tải trên các mạng xã hội. Cứ như vậy, mỗi chuyến đi là một đúc kết, một trải nghiệm rất riêng và thú vị của mỗi cá nhân. 

Nắm bắt được xu hướng này, các đơn vị lữ hành đã thiết kế website du lịch với phần đánh giá và chia sẻ để các du khách có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình về các hành trình. Đây là nội dung rất quan trọng của một website du lịch vì các khách hàng có thói quen tìm hiểu về dịch vụ thông qua nhận xét của người khác, họ cảm thấy tin tưởng hơn những lời quảng cáo website đưa ra. 

Lời khuyên dành cho các đơn vị lữ hành là hãy khuyến khích khách hàng của mình để lại đánh giá và chia sẻ bí quyết du lịch trên website với những hình ảnh chân thật và sinh động nhất. 

Bên cạnh đó, một xu hướng cũng rất phổ biến trong thời gian gần đây là thực hiện các Vlog (Video blog). Nếu một bức ảnh nói một từ thì một video sẽ thể hiện một triệu từ. Các đoạn phim ngắn có khả năng thu hút sự quan tâm hơn rất nhiều so với các bức ảnh tĩnh bởi nó giúp người xem có cảm giác chân thực, như được sống trong những khoảnh khắc du lịch đó. 

Như vậy, bên cạnh lời đánh giá nhận xét của khách hàng thì chính các đơn vị lữ hành cũng có thể tự tạo các Vlog để thu hút khách hàng trên website du lịch của mình. 

Đặt chỗ trực tuyến


Lý do thực sự mọi người thích đặt chỗ trực tuyến là vì nó quá thuận tiện và dễ dàng. Chúng ta có thể kiểm tra thời tiết của điểm đến, đặt phòng, mua vé… tất cả được thực hiện trong vài giây chỉ với vài cú nhấp chuột hoặc vài cái chạm.

Chắc chắn website du lịch của bạn nên có hệ thống Booking online để khách hàng có thể truy cập và thực hiện việc đặt chỗ trực tiếp trên website. Đồng thời, bằng cách đặt mình vào vị trí của khách hàng, bạn có thể nhận ra những nhu cầu của họ khi thao tác trên website. Họ muốn tìm ngày khởi ngày có mức giá rẻ nhất trong tháng, muốn có dịch vụ đưa đón tại sân bay, hay muốn hủy bữa sáng tại khách sạn? Bạn hoàn toàn có thể đưa ra những dự đoán về hành vi của khách hàng và điều chỉnh hệ thống đặt chỗ trực tuyến để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. 

Một quy trình đặt dịch vụ được chuẩn hóa và tự động cũng giúp bạn tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm chi phí và giảm thiểu sai sót để đảm bảo trải nghiệm cho khách của bạn. Hơn nữa, với hệ thống đặt chỗ trực tuyến, bạn có thể nhận được yêu cầu từ khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Họ không cần đến văn phòng của bạn để thực hiện các thủ tục đăng ký, đóng tiền, chỉ đơn giản là ngồi ở nhà và thao tác trên các thiết bị điện tử của mình. 

Quảng cáo và khuyến mãi theo thời gian thực


Với website, bạn có thể cung cấp cho khách hàng những thông tin du lịch hữu ích (ở trong mục blog), các thông tin khuyến mãi đặc biệt (thường được làm nổi bật ở banner) và nội dung các hành trình. 

Website là nhân viên năng suất nhất của bạn vì nó hoạt động không ngừng nghỉ, nhờ vậy bạn có thể kết nối và tương tác với khách hàng mọi lúc mọi nơi. Khách hàng truy cập vào website để tìm kiếm thông tin, đặt chỗ bất cứ lúc nào họ muốn.

Hơn thế nữa, giờ đây khách hàng có thể đặt dịch vụ với mức giá tốt nhất chỉ trước giờ khởi hành vài tiếng trên website. Thậm chí cách làm này mang lại lợi nhuận cho các đơn vị lữ hành cao hơn nhiều so với trước đây - khách hàng phải đặt chỗ trước vài ngày mới nhận được mức giá ưu đãi.

Khả năng luôn luôn trực tuyến của website mang lại cơ hội cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Những người bận rộn có thể đặt chỗ cho chuyến đi của mình dù văn phòng lữ hành đã kết thúc giờ làm việc và các doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng của mình dù không có sự hiện diện của các nhân viên. 

Trên đây là 3 tính năng nên được áp dụng khi xây dựng website du lịch để tăng trải nghiệm cho khách hàng. 

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Làm thế nào thu hút khách hàng thông qua nội dung miêu tả tour?

Nội dung miêu tả tour có thể chỉ gồm một hoặc hai câu nhưng cần được viết chất lượng và chú trọng trên website. Nội dung miêu tả tour chính là nhân tố giúp bạn bán tour cho khách hàng tiềm năng, và nó cần hướng tới những du khách có ý định đặt tour. Mỗi tour cần có nội dung miêu tả có thể tạo nền tảng và thu hút sự quan tâm của khách hàng, bên cạnh đó nội dung này cũng cần được viết cẩn thận và rõ ràng để khách hàng có thể đặt tour phù hợp với mong muốn.


Làm thế nào thu hút khách hàng thông qua nội dung miêu tả tour?

Thủ thuật viết nội dung miêu tả tour chính xác và có tính chất kêu gọi:


Hãy mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thật chân thực và thành thật về tour mà bạn cung cấp. Bạn cần xác định mục đích của tour, phương tiện được sử dụng và những dịch vụ có bao gồm trong tour. Ví dụ, nếu bạn cung cấp tour theo thành phố với hình thức đi bộ thăm quan và đi bus, hãy nhắc tới điều này trong tour mà bạn cung cấp. Điều này giúp khách hàng hiểu hơn về dịch vụ mà bạn cung cấp và quyết định xem nó có phù hợp với nhu cầu của họ không.

Sử dụng những từ ngữ không chỉ miêu tả tour mà còn hướng đến đối tượng khách hàng phù hợp. Không phải tất cả các loại tour đều phù hợp với tất cả các du khách. Ví dụ, một số tour phù hợp với khách du lịch thích khám phá nhưng một số loại tour khác lại không phù hợp với loại hình khách du lịch này. Không nói đến việc bạn cần có một văn phong miêu tả chung đối với các loại hình tour khác nhau, bạn cần lưu ý đưa ra miêu tả rõ ràng đối với mỗi tour để có thể giúp khách hàng xác định và lựa chọn tour phù hợp.

Có một số loại tour phổ biến như du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch biển, du lịch gia đình…, và mỗi loại hình tour lại có một đặc thù riêng. Khi bạn miêu tả một tour leo núi và bạn muốn dùng các từ như “thách thức khả năng” và “trải nghiệm tuyệt vời” để miêu tả trải nghiệm thú vị và thách thức mà tour mang lại, đừng quên nhắc đến những từ khóa liên quan đến loại hình tour trong đoạn miêu tả và những trải nghiệm thực sự mà tour mang lại.

Miêu tả tour theo cách hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng loại bỏ những khách hàng không phù hợp với loại hình tour. Bạn muốn đảm bảo khách hàng trong tour của bạn thích những trải nghiệm mà tour mang lại, điều này có thể dẫn đến việc bạn vô tình loại bỏ đối tượng khách hàng tiềm năng khác. Ví dụ, khi bạn cung cấp tour du lịch gia đình và bạn muốn nhấn mạnh rằng khách hàng cần là những thành viên trong một gia đình . Điều này sẽ khiến những khách du lịch có ý định đi theo nhóm bị sao lãng và phân vân. Như vậy, thật tình cờ bạn đã bỏ lỡ một số khách hàng tiềm năng.

Đừng e ngại trước việc làm nổi bật phong cách của mình qua những gì bạn miêu tả đối với mỗi tour. Bạn có thể là một chuyên gia nhưng điều đó không có nghĩa là bạn biết tất cả mọi thứ. Hãy tạo ra những nội dung miêu tả tour thật chất lượng và lôi cuốn khách hàng để có thể bán được nhiều tour như bạn muốn.

Nguồn: Rezdy

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Du lịch cộng đồng: Sinh kế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây du lịch cộng đồng đang được phát triển mạnh mẽ ở khu vực miền núi phía Bắc. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn giúp người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.


Du lịch cộng đồng: Sinh kế mới cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách khi đến với các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… 

Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, tại Lào Cai hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt.

Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25-60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công (sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm…) được phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.

Cùng với Lào Cai, hiện nay du lịch cộng đồng đang được nhân rộng thành công tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng được coi là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng khi sở hữu những điều kiện thuận lợi thu hút du khách khám phá như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực độc đáo và kho tàng di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Theo TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, các di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Đặc biệt, chương trình biến di sản thành tài sản văn hóa được ngành Du lịch các địa phương tiến hành trong những năm gần đây đã gặt hái được nhiều thành công.

Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số dệt vải, làm đồ thủ công, tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình thì nay, dựa trên sự chắt lọc kho tàng di sản văn hóa truyền thống đã có nhiều ngành nghề được đầu tư để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể kể đến như khôi phục nghề thủ công truyền thống ở Lào Cai, Yên Bái; khơi dậy dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao; khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng ở Hà Giang; gắn kết nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm du lịch ở Mai Châu, Sa Pa (múa khèn của dân tộc H’Mông, múa chuông của dân tộc Dao, tính tẩu của dân tộc Thái…)

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã cải tạo, tu sửa ngôi nhà của mình thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách (homestay). Ngoài việc giữ nguyên kiến trúc và khuôn viên của ngôi nhà truyền thống, người dân còn đầu tư trang trí nội thất và đảm bảo điều kiện vệ sinh. Nhờ vậy, loại hình lưu trú homestay đã trở nên hấp dẫn và thu hút đông du khách. Có thể kể đến Điểm du lịch cộng đồng xóm Pom Coọng (Xóm Pom Coọng, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình), Cụm homestay Tả Van Giáy 1 (Làng Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai), Cụm homestay xã Mai Hịch (Xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình) và Dao homestay (Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, Hà Giang) là những đơn vị tiêu biểu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2017.

Ngày nay, khi đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng, khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của những điệu xòe Thái, trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, làm nhạc cụ hay thưởng thức các món ăn dân dã như thắng cố, rượu ngô… Đây sẽ là những trải nghiệm thực sự hấp dẫn và khó quên đối với du khách.

Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng từ sản phẩm văn hóa còn góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo Khánh Trang

Tổng cục du lịch Việt Nam

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Cuối tuần Sài Gòn đi đâu chơi?

Nếu như Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Thảo Cầm Viên đã trở nên quá quen thuộc, thì hãy đổi mới ngay với những địa điểm vui chơi thú vị và độc đáo khác ở Sài Gòn sau đây nhé.

Cuối tuần Sài Gòn đi đâu chơi?


Nhâm Nhi tách cà phê vợt 330 Phan Đình Phùng


Nhâm nhi tách cà phê vợt 330 Phan Đình Phùng

Đây là quán cafe lâu đời “cha truyền con nối” và đến nay là đời thứ 3 do ông Đặng Ngọc Côn 80 tuổi làm chủ. Cafe vợt thiếc ở đây có cách pha hết sức đặc trưng của người Sài Gòn xưa. Không dùng phin pha mà cho vào một túi vợt dài chừng 25cm, đường kính miệng khoảng 10cm, sau đó đổ nước sôi rồi đun cafe liên tục bằng bếp than. Khi có khách uống, cafe được rót ra ly nhỏ đã tráng nước sôi cho nóng. So với cách pha truyền thống, cách này giúp giữ được hương vị café, hơi nóng nồng giúp hương được giữ lâu.

Quán đông nhất vào mỗi sáng sớm, khách quen thường ghé làm một ly trước khi đi làm, hoặc bạn bè hẹn gặp nhau cùng hàn huyên trò chuyện. Quán không chỉ là điểm yêu thích của các bậc cao niên mà còn là nơi ghé thăm của các bạn trẻ yêu mến tìm hiểu khám phá văn hóa Sài Gòn xưa. 

Khu du lịch The BCR


Khu du lịch The BCR

Nếu yêu thích các trò chơi vận động thì địa điểm vui chơi dã ngoại The CBR sẽ là nơi bạn không thể bỏ qua đấy. Với địa thế đẹp, không gian xanh mát, sạch sẽ cùng nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn như bắn súng sơn, sung nước, làm nông trại, mini golf hay chèo thuyền kayak, bắn cung, bắn đạn chì, bắt cá tay không… nơi đây sẽ cho bạn là một ngày cuối tuần tuyệt vời.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ


Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Đường Nguyễn Huệ từ lâu đã là con đường huyết mạch của trung tâm thành phố. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, nơi đây tổ chức triển lãm đường hoa được người dân thành phố rất quan tâm yêu thích, và giờ đây con đường ấy đã trở thành con đường đi bộ với nhiều hạng mục công trình, phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi của người dân không chỉ vào dịp xuân mà còn tất cả các ngày trong năm.

Địa điểm này không chỉ thu hút khách du lịch khi ghé thăm thành phố mà còn là nơi tụ tập của giới trẻ mỗi ngày. Thời điểm phố đi bộ Nguyễn Huệ đông đúc nhất có lẽ là khi nắng tắt, thời tiết trở nên mát mẻ dễ chịu. Ở đây mỗi dịp cuối tuần sẽ rất đông đúc với nhiều hoạt động giải trí, các nhóm du ca biểu diễn... không khí rất cởi mở vui tươi.

Hồ Bán Nguyệt – Cầu Ánh Sao


Hồ Bán Nguyệt – Cầu Ánh Sao

Tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bắc qua rạch Thầy Tiêu nối khu Hồ Bán Nguyệt với khu kênh Đào, cầu Án Sao là một trong những điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ Sài Gòn với khung cảnh lung linh, lấp lánh khi về đêm, và là thiên đường cho những vị khách muốn tìm đến sự thoải mái, rộng lớn, yên bình bởi không gian rộng, thoáng đãng của của hồ Bán Nguyệt.

Gọi là cầu Ánh Sao vì nhìn từ xa, cầu như một dải sao lấp lánh trong ngân hà. Chiếc cầu được thắp sáng lung linh với hàng trăm bóng đèn sáng trắng, thành cầu được trang trí nổi bật với đủ màu sắc đèn khác nhau. Hai bên hông cầu ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi. Từ đó, tạo cho người đi trên cầu có cảm giác như đang bước đi trên những vì sao sáng giữa trời đêm.


Tổng hợp

Các vấn đề nan giải trong vận hành và quản trị doanh nghiệp du lịch thường gặp

Du lịch được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Để đi tới mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trụ cột và là lực lượng nòng cốt trong việc khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng của ngành. Đồng thời, doanh nghiệp du lịch cũng cần sáng tạo trong tư duy và đổi mới vận hành để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.


Các vấn đề nan giải trong vận hành và quản trị doanh nghiệp du lịch thường gặp

Thời gian qua, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp du lịch trong việc đưa du lịch Việt Nam phát triển ở một tầm cao hơn, tạo tiền đề cho ngành tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay tại đa số các doanh nghiệp du lịch vẫn tồn tại nhiều bất cập - cũng chính là những rào cản khiến doanh nghiệp chưa thể bứt phá trong vận hành và quản trị.

1. Lưu trữ và kiểm soát dữ liệu bằng excel


Theo thống kê, 95% doanh nghiệp du lịch hiện tại vẫn đang quản lý công việc bằng excel. Đây là công cụ văn phòng phổ biến được sử dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm như miễn phí, sử dụng thuận tiện và dễ dàng. Nhưng Excel lại không có những tính năng chuyên biệt dành cho ngành du lịch. Khi nguồn dữ liệu của doanh nghiệp tăng lên, Excel sẽ trở nên cồng kềnh, phức tạp, gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Đồng thời, Excel cũng có những nhược điểm phải kể đến như:

- Cách tạo tập tin, công thức sử dụng trong bảng phụ thuộc vào người thiết lập, nên những người đảm nhiệm công việc sau khó nắm bắt bởi không có một format chung.
- Khả năng dễ dàng chỉnh sửa khiến dữ liệu có thể được xóa bỏ nhanh chóng, không thể phục hồi. Tình trạng thất lạc thông tin là điều chắc chắn có thể xảy ra. 
- Excel cho phép xuất dữ liệu, chúng ta không thể đảm bảo lượng dữ liệu bấy lâu của doanh nghiệp sẽ còn nguyên vẹn khi một nhân viên nào đó nghỉ việc. 
- Mỗi phòng ban, mỗi nhân viên sẽ tự tạo một bảng Excel riêng, gây ra sự mất kết nối khi thực hiện nhiệm vụ chung. 

2. Tính giá tour thủ công 


Việc tính giá tour bằng các biện pháp thủ công như sổ sách hay excel chỉ phù hợp ở giai đoạn mới hình thành doanh nghiệp, lượng khách hàng chưa có nhiều. Tuy nhiên ở giai đoạn sau, việc tính giá tour thủ công như vậy sẽ khiến các nhân viên mất thời gian và không đảm bảo tính chính xác cũng như sự an toàn cho bảo mật dữ liệu. 

Hơn nữa, măc dù thao tác trên cùng một file nhưng theo thời gian và cách làm việc của mỗi nhân viên mà tính thống nhất của việc tính giá không còn được duy trì như ban đầu nữa. 

Ngoài ra, phải kể đến trường hợp giá cả được cập nhật liên tục. Làm thế nào để khi có thay đổi giá cả, tất cả mọi người trong doanh nghiệp đều được cập nhật nhanh chóng mà không phải hỏi nhau? Với cách làm thủ công như hiện nay, nhân viên kinh doanh nào có được giá tốt sẽ nhập trước, các nhân viên khác có thể không biết dẫn đến thiếu chuẩn xác khi đưa báo giá cho khách hàng. 

Đặc biệt đối với việc tạo báo giá, mỗi mùa du lịch trong mỗi thời điểm khác nhau các dịch vụ sẽ có mức giá thay đổi, việc tạo lại cũng chiếm một khoảng thời gian không hề ngắn.

3. Quản lý booking không chặt chẽ 


Quản lý booking là nhiệm vụ tất yếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, đang tồn tại những thực trạng và cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trong quản lý booking hiện nay:

Việc quản lý booking được thực hiện thủ công, không có quy trình dẫn đến kiểm soát lỏng lẻo, xảy ra nhiều sai sót. Các dữ liệu thuộc về booking được người thực hiện ghi nhận trên các công cụ văn phòng như word, excel hay thậm chí trên sổ sách.

Mỗi giai đoạn biến đổi của booking được thể hiện trên bảng làm việc bằng cách xóa tình trạng cũ và ghi lại tình trạng mới. Đây chính là một bất cập bởi khi phải quản lý khối lượng lớn booking, việc xóa - thêm mới không đảm bảo tính đầy đủ và chính xác. Nếu không được ghi nhận kịp thời, chúng ta không thể xử lý các booking đang trong quá trình chờ duyệt và từ đó ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ đối tác, khách hàng. 

Nhân sự cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Khi một nhân sự rời đi, doanh nghiệp hay chính nhân sự này cũng không dễ dàng bàn giao công việc cho người mới bởi trước đó việc ghi nhận thông tin không được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến hiện tại không nhận biết được đâu là booking đang hoạt động, đâu là booking cần đặt dịch vụ… 

4. Kiểm soát tài chính


Với tính chất đặc thù nên việc kiểm soát tài chính trong doanh nghiệp du lịch cũng mang những nét riêng. Tuy vậy, có hai vấn đề được xem là hay xảy ra nhất trong các doanh nghiệp du lịch hiện nay là: 

Bỏ sót nhiều khoản thu: Điều này rất dễ xảy ra ở các đơn vị lữ hành có lượng khách hàng lớn. Đối với những trường hợp khách hàng đặt cọc một phần giá trị của tour, Sales sẽ ghi nhận khoản tiền này và đánh dấu khoản tiền còn lại cần phải thu của khách hàng trong một thời gian nào đó hai bên thống nhất với nhau. Bộ phận kế toán sau đó sẽ phải tiếp nhận các thông tin này, tuy nhiên khi có một lượng khách hàng lớn, việc nhầm lẫn hay thậm chí quên các khoản này hoàn toàn có thể xảy ra. 

Đặt cọc không đúng ngày: Khi các đơn vị lữ hành trong vai trò là khách hàng làm việc với đối tác là các nhà cung cấp để sử dụng dịch vụ của họ (nhà hàng, khách sạn, vé xe....), chúng ta cũng sẽ cần có hạn đặt cọc. Tuy nhiên trường hợp tương tự như trên là việc nhầm lẫn hay quên ngày đặt cọc cũng thường xuyên xảy ra. Việc đặt cọc không đúng ngày dẫn đến giảm uy tín của doanh nghiệp với nhà cung cấp, làm mất đi nhiều cơ hội, ví dụ như quá đợt khuyến mại dịch vụ. Từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách hàng.

5. Không có môi trường làm việc thống nhất và bài bản 


Để phát triển bền vững, một doanh nghiệp du lịch cần có sự kết nối và thấu hiểu cao giữa các phòng ban nói chung và nhân sự nói riêng. Cách quản lý truyền thống khiến quy trình làm việc trở nên rời rạc và việc quản trị lỏng lẻo. Khi không có một môi trường làm việc thống nhất cũng như một quy trình bài bản, công việc giữa các cá nhân dễ bị chồng chéo, khó kiểm soát chất lượng. 

Ngoài 5 vấn đề kể trên, doanh nghiệp du lịch còn đối mặt với các khó khăn như: chưa biết cách phát triển Marketing, quy trình chăm sóc khách hàng chưa chuẩn mực, chưa có giải pháp phòng tránh tối đa các phát sinh khi làm việc với đối tác và khách hàng… 

Rõ ràng tất cả các vấn đề trên đây đều không hề đơn giản, đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản trị của các doanh nghiệp du lịch để thay đổi. Bạn đang tìm một giải pháp có thể xử lý những khó khăn trên? Và phần mềm TravelMaster - công cụ hỗ trợ vận hành doanh nghiệp du lịch tối ưu nhất hiện nay. 

Theo vietiso.com

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Giải pháp lâu dài trong mùa thấp điểm

Mùa thấp điểm là luôn là thực tế không thể tránh, khiến các doanh nghiệp phải lao đao, đặc biệt là các công ty kinh doanh lữ hành. Tập trung vào một vài tour tại các địa điểm nổi bật trong nước, giảm giá tour là các "chiêu" mà nhiều hãng lữ hành sử dụng nhằm kéo khách mùa thấp điểm,... Tuy nhiên, đó không phải là những biện pháp lâu dài. Vậy phải làm thế nào? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những giải pháp lâu dài giúp các doanh nghiệp thu hút khách hàng và kinh doanh ổn định cả năm.


Giải pháp lâu dài trong mùa thấp điểm

Đa dạng hóa sản phẩm


Nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội mùa thấp điểm như là một thời điểm lý tưởng để cung cấp các trải nghiệm đang dạng khác nhau tới khách hàng để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định cả năm. Ví dụ, một công ty thường  cung cấp các tour hiking vào mùa hè vào các tháng mùa đông ấm áp cũng có thể cung cấp các tour dã ngoại tới các địa điểm du lịch mùa đông tuyệt đẹp như Sapa, Mộc Châu,…

Các tour kết nối di sản miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên hay tham dự tuần lễ nghệ thuật đương đại với cộng đồng tại Flamingo Đại Lải. Các tour miền Bắc, đặc biệt là vùng cao Tây Bắc, ngắm lúa chín hay tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hoa cải trắng ở Mộc Châu (Sơn La)... Hay như xây dựng riêng chùm tour dành cho người cao tuổi. Điểm đến được giới thiệu là những nơi có thời tiết và khí hậu phù hợp với người lớn tuổi cùng các bữa ăn, lựa chọn phù hợp với sức khỏe… Với việc đưa ra giá cả hợp lý, các điểm du lịch đặc sắc ở trong nước sẽ thu hút một lượng khách nội địa.

Hơn thế nữa, mùa thấp điểm cũng là cơ hội tốt để cung cấp các dịch vụ tour, khách sạn,… tới những khách hàng không thích thời điểm du lịch đông người, muốn hoàn toàn được yên tĩnh để thư giãn, và nghỉ ngơi. Chỉ cần có một chiến lược marketing tốt và phù hợp tới nhóm đối tượng khách hàng này, các công ty có thể thu về một nguồn doanh thu ổn định trong mùa thấp điểm. Ngoài ra, khi cung cấp các tour du lịch cũng nên chú trọng đến những trải nghiệm địa phương thay vì hình thức du lịch thông thường, như vậy sẽ có sức thu hút lớn hơn. 

Tạo một hệ thống nội dung tốt


Một hệ thống nội dung được chuẩn bị và đầu tư kỹ sẽ giúp website của doanh nghiệp tăng traffic. Mục tiêu hàng đầu của website chính là thu hút các khách hàng tiềm năng. Nếu được xây dựng tốt, nó không đơn giản chỉ là tăng lượng tiếp cận nữa mà còn giúp tăng sự nhận diện thương hiệu, tăng hiệu quả kinh doanh. 

Tiêu chí hàng đầu của hệ thống nội dung website là thông tin. Chính vì vậy mà nội dung cần phải thật chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu. Một điều cũng khá quan trọng cần phải chú ý nếu muốn tăng lượng traffic  đó là viết blog. Mỗi website cũng đều nên có một blog. Ở đó sẽ chia sẻ các thông tin hữu ích về  điểm đến, tips du lịch, văn hóa của từng nơi, tin tức du lịch mới nhất,...

Việc này sẽ mang lại rất nhiều lượt view cho website, cũng  giúp tăng thứ hạng trên Google. Có rất nhiều khách hàng đều quyết định book tour, khách sạn hay các dịch vụ khác sau khi đọc các bài viết, các bài chia sẻ website. Đây cũng là một kênh marketing tốt trong mùa thấp điểm khi các doanh nghiệp có thể dùng blog để quảng cáo các tour, dịch vụ du lịch, điểm đến.  

Tập trung vào du lịch địa phương


Các doanh nghiệp du lịch thường bỏ qua cơ hội để bắt được “con cá lớn” trong mùa thấp điểm. Du khách thường là mục tiêu của các chiến dịch quảng cáo du lịch, nhưng các chủ doanh nghiệp địa phương cũng không thể bỏ qua một nhóm khách hàng rất tiềm năng chính là cộng đồng của họ - những người dân địa phương. Một dòng khách ổn định là những người dân địa phương còn giá trị hơn nhiều so với các du khách ở mùa cao điểm. 

Người dân địa phương tìm kiếm các cơ hội để dã ngoại, tham gia các hoạt động thú vị vào cuối tuần, đặc biệt là dành thời gian để thư giãn và khám phá chính nơi họ đang sống như chèo thuyền kayak, leo núi,… Những hoạt động này cũng rất được người rất địa phương ưa thích khi muốn tổ chức các sự kiện đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm.

Ngoài ra, bằng cách tiếp cận và thu hút công động xung quanh, các doanh nghiệp đang kéo thêm khách du lịch về cho mình. Vì hầu hết người dân địa phương đều có những người bạn hoặc các thành viên gia đình muốn đi du lịch nước ngoài thành phố, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải coi trọng chính người dân trong cộng đồng của mình.

Để có thể thu hút hiệu quả dân cư địa phương, các doanh nghiệp hãy xem xét đến việc cung cáp các ưu đãi hấp dẫn. Đây là một cơ hội tuyệt vời để khuyến khích người dân địa phương du lịch cũng như đảm bảo việc kinh doanh ổn định.

Quan trọng hơn tất cả là các doanh nghiệp hãy chủ động nghĩ ra những chiến lược lâu dài. Các chiến lược marketing không nên chỉ tồn tại trong một mùa, mà cần kéo dài cả năm. Các doanh nghiệp không nên chuẩn bị chiến lược cho chỉ một mùa thấp điểm hoặc tập trung vào mùa cao điểm mà hãy là cả hai. 

Theo Marketing du lịch



Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Một số lưu ý khi mua vé tại đại lý kinh doanh vé máy bay

Nhằm đảm bảo lợi ích của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của các Hãng hàng không Việt Nam và thực hiện thành công quá trình mua vé máy bay cho chuyến đi.


Một số lưu ý khi mua vé tại đại lý kinh doanh vé máy bay


Một số lưu ý khách hàng dễ dàng sở hữu được tấm vé máy bay mua tại đại lý kinh doanh vé máy bay

Đặt vé ở đơn vị tên miền website Việt Nam 


Khi lựa chọn đặt vé trực tuyến, khách hàng nên tìm đến những đại lý kinh doanh vé máy bay sở hữu website có đuôi tên miền là .com.vn. Bởi những tên miền này được nhà nước bảo hộ, các thông tin về Giấy phép Đăng ký kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại, số CMND,…đều được nhà nước quản lý và cho phép kinh doanh, nhờ đó khách hàng hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn dịch vụ đặt vé trực tuyến của đại lý. 

Tìm đến đơn vị uy tín


Khi mua vé máy bay, người tiêu dùng nên tham khảo và tìm kiếm những thông tin về đơn vị kinh doanh vé máy bay đó. Nếu đại lý đã từng có tiền sử lừa đảo, khách hàng nên chuyển hướng tìm nhà cung ứng mới để được an toàn. 

Ghi đúng thông tin khách hàng


Bên bán phải ghi đầy đủ và đúng những thông tin liên quan đến khách hàng. Khách hàng nên yêu cầu người bán kiểm tra kỹ và chính xác các thông tin.


Thanh toán vào tài khoản công ty 


Với mục đích tránh những trường hợp bị lừa đảo, đảm bảo lợi ích của khách hàng thì sau quá trình điền thông tin đặt vé thành công, người tiêu dùng được yêu cầu chuyển khoản. Trong hoàn cảnh này, tốt nhất là chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị kinh doanh vé máy bay đó và tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra. 

Kiểm tra thành công của quy trình đặt vé tại đại lý kinh doanh vé máy bay. 


Sau 3 ngày thanh toán cho người bán, khách hàng hãy gọi điện đến Hãng hàng không và yêu cầu kiểm tra xem mã chỗ ngồi của mình đã được thanh toán hay chưa. Và thông báo cho hãng không được hủy vé khi không có yêu cầu từ số điện thoại đăng ký mua vé. 

Lưu ý 5 yêu cầu trên, khách hàng dễ dàng đặt vé thành công tại đại lý kinh doanh vé máy bay và sở hữu tấm vé máy bay chất lượng cho hành trình chuyến đi của mình.