Hiển thị các bài đăng có nhãn Canh chua. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Canh chua. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Canh chua 3 miền Bắc – Trung – Nam có gì khác biệt?

Ẩm thực Việt Nam mới thật đa dạng làm sao, khi mà chỉ mỗi món canh chua thôi cũng có thể có nhiều điểm khác biệt. Miền Bắc đặc trưng với vị chua thanh với mẻ, miền Trung lại có vị chát nhẹ của khế và vị cay của ớt, còn miền Nam thì có một chút ngọt đậm đà của đường.

Canh chua 3 miền Bắc – Trung – Nam có gì khác biệt?

Miền Bắc


Ẩm thực miền Bắc phần nhiều đều mang nét thanh đạm nên các món chua cũng có một chất thanh rất riêng. Canh chua miền Bắc không quá chua, chỉ ở mức nhè nhẹ, mang hương thơm cùng sự tinh tế. Vị chua trong canh thường được tạo nên bởi những loại trái cây đặc thù trong mùa như quả sấu, quả khế, quả me, quả dọc hoặc một số loại gia vị lên men tự nhiên như giấm, mẻ… Đặc biệt, miền Bắc có món canh sấu được xem như món canh chua mùa hè phổ biến nhất. Canh sấu ăn cùng với rau muống và vài quả cà muối xổi là một trong những cách để xua đi cái nóng bức ngày hè miền Bắc.

Miền Bắc

Đề cao vị chua thanh nhẹ, thịt cá đi cùng canh chua cũng phải có vị ngọt dìu dịu. Phổ biến nhất là các loại cá sông ngon lành tươi mát, hoặc tôm, tép loại nhỏ. Đặc biệt ở miền Bắc còn có món riêu như một phiên bản sáng tạo của canh chua. Bao lâu nay bát riêu cá, riêu ốc, riêu cua với màu nước vàng óng và chút chua chua rất nhẹ nhàng vẫn đủ làm người ăn nhớ hoài, tiếc mãi. Người Bắc cho ít ớt và không cho đường vào món canh bởi thích vị chua ngọt nhẹ nhàng tự nhiên.

Miền Trung


Vị chua trong ẩm thực miền Trung phổ biến nhất là khế, thơm (dứa), cà chua, quả tai chua, dưa cải. Bên cạnh chất chua luôn có lẫn thêm chút ngòn ngọt, thơm thơm hòa hợp một cách đặc trưng cùng vị chát rất đặc biệt của miền Trung.

Miền Trung

Chẳng có thịt thà nhiều, người dân miền Trung tận dụng hải sản để nấu canh như một thói quen giản dị mà thân thương. Cũng bởi thường xuyên nấu cùng hải sản mà canh chua nơi đây được nấu với vị chua-chát để át đi mùi tanh cá tôm. Một bát canh chua điển hình sẽ mộc mạc và thô sơ hệt như con người miền đất này, nhưng vẫn đủ quyến rũ lòng người bằng tất cả những dung dị vốn có.

Tô canh chua miền Trung cũng thường tận dụng các loại rau củ quả muối lên men như măng ngâm chua, dưa cải, cà muối… Ngày xưa vào những mùa "thóc cao gạo kém", hay ngập lụt khiến mùa màng thất bát, người dân lại có món nhút dân dã, được xem là món ăn "con nhà nghèo" nhưng vẫn rất hấp dẫn. Nhút được làm từ quả mít, muối mặn rồi ăn kèm cơm, nhưng cũng có thể kết hợp được để tạo ra những món ăn khác như canh chua nhút. Nhút kết hợp với thực phẩm nào cũng có thể tạo thành món canh chua ngon, từ mớ tép, hến xúc dưới cồn hay sang hơn là thịt ba chỉ hay thịt bò bằm nhuyễn, nêm bằng rau răm.

Mặt khác, cũng như bao món ăn miền Trung khác thì canh chua nơi đây không thể thiếu vị cay từ ớt được rồi. Tô canh chua miền Trung có thể đơn giản, song thường đủ vị chua, cay, mặn ngọt.

Miền Nam


Bát canh chua miền Nam cũng thể hiện tính chất trù phú của vựa lúa lớn nhất đất nước, khi độ “hoành tráng” về nguyên liệu khiến người ta phải bất ngờ. Nào là thịt cá tôm cua, cá cắt khúc lớn, nước canh đậm đà và rau phải thật nhiều. Thưởng thức canh chua miền Nam cũng giống như ta đã thưởng thức trọn vẹn cái đa dạng, phong phú của ẩm thực miệt vườn, tuy nhiều chủng loại mà kết hợp vẫn hài hòa, khéo léo.

Miền Nam

Vị chua Nam bộ được tạo từ những loại trái dân dã như trái giác, trái bần, chùm ruột vốn mọc hoang bờ bãi khắp nơi. Mùa cá đồng rộ, hái trái bần, trái giác chín về cho vào nước sôi dằm ra, cùng với bông so đũa, điên điển là có được nồi canh chua ngọt lành. Vùng đất này cũng phong phú các loại lá chua như lá giang, lá me, lá giấm… hợp với những người thích vị chua thanh nhẹ.

Cũng như món canh chua của miền Trung thường đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Tuy nhiên, canh chua ở miền Nam thường sẽ có vị ngọt hơn so với canh chua của người miền Bắc và miền Trung.


Tổng hợp