Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch tết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch tết. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Đón Tết thân thương tại các quốc gia châu Á

Có nhiều quốc gia ăn Tết Nguyên Đán tại châu Á, nhưng mỗi nơi lại có những phong tục tập quán và cách tổ chức khác nhau. Việc đi du lịch đón Tết cổ truyền tại một nước khác xứng đáng là một trải nghiệm đáng nhớ. 

Đón Tết thân thương tại các quốc gia châu Á

Trung Quốc 


Trung Quốc

Tết Nguyên Đán là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm tại Trung Quốc. Không khí khắp nơi đều vui vẻ, náo nhiệt, nhiều phong tục và lễ hội thú vị được tổ chức. Du khách có thể chọn đón tết tại thủ đô Bắc Kinh hiện đại, hoặc tới Phượng hoàng cổ trấn, nơi có lịch sử lâu đời và không gian cổ kính. Khắp các con phố tại Phượng Hoàng đều ngập tràn những chiếc đèn lồng đỏ tượng trưng cho sự trọn vẹn, viên mãn. 

Ô Trấn được ví như thành cổ đẹp nhất ở Trung Quốc, nơi sở hữu vẻ đẹp non nước hữu tình cũng là địa điểm nên ghé thăm vào dịp Tết. Đã hơn nghìn năm qua nhưng Ô Trấn vẫn duy trì cách phân chia các phường như thời trước, bao gồm sáu phường nhỏ là làng nghề truyền thống, làng cổ, làng văn hóa, làng ẩm thực, làng bán đò uống và chợ ven sông. 

Hàn Quốc 


Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tết cổ truyền được gọi với cái tên Seollal. Vào những ngày đầu năm mới, người dân Hàn Quốc sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống Hanbok làm nghi lễ cúng bái tổ tiên vào mùng 1 và ăn món tteokguk. 

Những năm gần đây người dân Hàn Quốc cũng chọn đón Tết bằng cách đi du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu trượt tuyết hoặc ghé thăm những làng nghề truyền thống, cung điện, bảo tàng… bởi nơi đây thường xuyên diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, những trò chơi dân gian, tuyền thống chào đón năm mới. 

Singapore 


Singapore

Tết Nguyên đán ở Singapore hấp dẫn với nhiều lễ hội mùa xuân như: Lễ hội đón năm mới tại khu phố người Hoa, Lễ diễu hành Chingay và Lễ hội River Hongbao. Du khách có thể tham gia nhiều trò chơi và thoải mái mua sắm tại các phiên chợ của người Hoa. Cùng với sư giao thoa văn hóa các nền dân tộc quanh khu vực, đến Singapore dịp đầu năm du khách còn được nhận những phong bao lì xì may mắn. 

Đài Loan 


Đài Loan

Tết Âm lịch tại Đài Loan kéo dài từ 30 Tháng Chạp cho tới ngày mồng 4 tháng Giêng. Cách người dân Đài Loan đón Tết có khá nhiều điểm tương đồng với nước ta như tục lễ tiễn ông Táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ áo mới, chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ để lễ ông bà tổ tiên, đi lễ Chùa vào dịp đầu năm mới để cầu may mắn cho cả năm. 

Đến Đài Loan ngày Tết, du khách không nên bỏ qua các khu chợ trải dài khắp các tỉnh từ Bắc tới Nam, mở cửa suốt ngày với đầy đủ các đồ ăn, thức uống hấp dẫn như hải sản chiên giòn, trứng tráng hàu, đậu phụ thối, trà sữa chuẩn vị xứ Đài… 

Ngoài việc đi lễ chùa cầu may vào ngày Tết, ở Đài Loan còn nhiều địa điểm tham quan, check-in đẹp lung linh như tháp Taipei 101, công viên quốc gia Tarako …Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhộn nhịp, náo nhiệt chỉ có ở ngày Tết như lễ hội thả đèn trời, đốt pháo, rước đèn… 

Nhật Bản 


Nhật Bản

Trước đây người Nhật cũng ăn Tết Nguyên Đán, tuy nhiên từ năm 1873 đến nay, họ chuyển sang đón năm mới vào ngày 1/1 Dương lịch nhằm tiết kiệm thời gian. Mặc dù vậy, Tết của người Nhật Bản vẫn giữ được những nét truyền thống, không bị mai một theo thời gian. 

Trong đêm giao thừa, du khách có thể thử ăn mì sợi dài toshikoshi-soba giống như người Nhật, sau đó tới thăm một ngôi đền hoặc chùa để cầu nguyện, uống rượu amazake được phát cho đám đông tại các đền thờ Thần đạo Shinto, rút quẻ đầu năm. Một số đền chùa nổi tiếng ở Nhật Bản dịp tết là đền Thiên Hoàng Minh Trị ở Tokyo, đền Fushimi Inari Taisha ở Kyoto, Sumiyoshi Taisha ở Osaka... 


Tổng hợp.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Đón Tết cực chất tại Bali

Bali tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có diện tích gần gấp 3 lần Sài Gòn với rừng, biển, núi lửa và vô vàn đảo nhỏ xung quanh. Thế nên chẳng có lý gì mà khách du lịch lại bỏ qua địa điểm này trên chặng đường du xuân ngày Tết cả. 

Đón Tết cực chất tại Bali

Đền Uluwatu 


Đền Uluwatu

Đây là ngôi đền có lịch sử lâu đời được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 với tên gọi đầy đủ là Pura Luhur Uluwatu. Cũng giống với rất nhiều ngôi đền khác ở Bali, nếu bạn muốn vào đền thì phải quấn sarong thuê ở phía ngoài đền. 

Đền mang nét đặc trưng của kiến trúc Bali với các tầng mái lợp lá cọ chồng xếp lên nhau. Và điểm ấn tượng với du khách nhất chính là ngôi đền nằm trên vách đá gồ ghề ven biển cao 76 m, được chạm khắc từ đá san hô đen. Hoàng hôn chính là thời điểm đền Uluwatu đẹp nhất, lúc này bạn có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp của vùng biển Ấn Độ Dương. 

Múa Kecak 


Múa Kecak
Ảnh: TripSavvy / Mike Aquino

Cũng vào thời điểm hoàng hôn tại đền Uluwatu, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bài múa Kecak hấp dẫn. Nội dung chính là các tích truyện về những vị thần Hindu trên đảo Bali với sự tham gia của đàn ông nhiều hơn phụ nữ, và tất cả đều mặc trang phục truyền thống. 

Sẽ có từ 30 đến cả trăm vũ công nam mình trần, phía dưới quấn sarong, tập trung thành vòng tròn bên những đống lửa bập bùng khi đêm xuống. Cả bài biểu diễn kéo dài khoảng hơn 1 giờ và cuối buổi diễn, du khách còn có cơ hội chụp ảnh cùng các vũ công và mua các món đồ lưu niệm thủ công có bán quanh khu vực. 

Bãi biển Virgin 


Bãi biển Virgin

Bãi biển Virgin, Perasi Beach, Pantai Pasir Putih hay "White Sand Beach" là một dải bờ biển hẻo lánh giữa hai ngọn đồi nằm giữa hai làng Bugbug và Perasi. Chính nhờ vào vị trí heo hút mà bãi biển vẫn còn phủ lên mình một vẻ đẹp hoang sơ, khiến bất kỳ du khách nào đặt chân đến đây cũng phải xiêu lòng. Vì bãi biển vẫn còn khá hoang sơ nên hàng quán ở đây đều do dân bản địa mở. Đa phần hải sản đều tươi, ngon và phong phú. 

Cung điện nước Hoàng gia Tirta Gangga 


Cung điện nước Hoàng gia Tirta Gangga

Tirta Gangga tọa lạc tại phía đông Bali, thuộc sở hữu của giới hoàng tộc Karangasem đã một thời thống trị cả miền Đông Bali. Theo nghĩa đen, Tirta Gangga có nghĩa là “nước từ sông Hằng”. Đền được tạo thành từ nhiều hồ bơi, đài phun nước, các tác phẩm chạm khắc đá và cả những khu vườn. 

Cung điện nước Hoàng gia Tirta Gangga là phép cộng của ba màu sắc kiến trúc từ Bali, Trung Quốc Châu Âu. Bởi thế mà nơi đây vừa có vẻ nên thơ, ma mị của Châu Á, vừa có nét cứng rắn và mạnh mẽ đến từ phương Tây. Điểm đặc sắc nhất nơi đây mà chắc hẳn ai cũng thích mê đó chính là đàn cá Koi vẩy vàng lóng lánh dưới hồ. 

Đền Tanah Lot 


Đền Tanah Lot

Đền Tanah Lot tọa lạc trên một cấu trúc đá lớn ngoài bờ biển Bali. Đây cũng là một trong những ngôi đền linh thiêng thờ phụng các vị thần Bali. Du khách đứng từ xa có thể trông thấy ngôi đền thấp thó trên một tảng đã lớn, bao quanh là biển nước trong xanh, gần như tách biệt với đất liền. Để chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp của điểm đến nổi tiếng này bạn có thể đợi lúc thủy triều lên và ngắm nhìn nó từ xa, bởi nước đã che hết các phiến đá dẫn lối vào đền. 

Đảo Lembongan 


Đảo Lembongan

Lembongan là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi ở bờ biển phía Đông Nam của đảo Bali. Đây là một phần của một nhóm 3 hòn đảo tạo nên quận Nusa Penida, trong đó đảo Lembongan nổi tiếng nhất. Đảo Lembongan có 4 km đường bờ biển cát trắng và nhiều rặng san hô chìm dưới làn nước trong veo. Trên đảo có rất nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, villa phù hợp với túi tiền. Có thể nói hòn đảo nhiệt đới khô cằn ngoài khơi bờ biển phía Nam của Bali này rất lý tưởng để lặn biển, bơi và lướt sóng trong những ngày Tết.


Tổng hợp.

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Những điểm đến tâm linh cho chuyến du xuân cùng gia đình

Vào những ngày Tết, các gia đình thường đi lễ đầu năm theo phong tục của người Việt Nam chúng ta. Đây cũng là một dịp để bạn có thể sắp xếp một chuyến đi du lịch ý nghĩa, bên cạnh việc cầu nguyện cho một năm mới an lành, nhiều sức khỏe và phát tài phát lộc. 

Những điểm đến tâm linh cho chuyến du xuân cùng gia đình

Mộ cô Sáu, Côn Đảo 


Mộ cô Sáu, Côn Đảo


Người dân Côn Đảo gần như ai cũng biết những về giai thoại linh thiêng của người anh hùng Võ Thị Sáu. Dân địa phương tại đây gọi cô bằng cái tên thân mật cô Sáu, và vẫn kể nhau nghe những câu chuyện về người con gái áo trắng bước ra hàng đêm từ mộ của cô. 

Mộ cô Sáu nằm ở nghĩa trang Hàng Dương, là một điểm đến tâm linh linh thiêng, thu hút bất cứ ai đặt chân đến Côn Đảo đều phải ghé thăm. Vào dịp năm mới, có rất nhiều du khách đến đây để cầu may mắn, nhờ cô giúp đỡ và che chở. Thế nên bạn có thể lựa chọn viếng thăm mộ cô vào những ngày đầu năm cùng gia đình, song song với du lịch khám phá Côn Đảo. 

Thông thường mọi người đến viếng mộ cô Sáu thường sẽ mang theo bộ lễ gồm có một nón lá, một xấp giấy tiền vàng bạc, một bộ lược gương, một xấp vàng thỏi, một chai nước suối, một bó nhang và đặc biệt là hoa trắng – bởi đây là màu hoa cô yêu thích. 

Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang 


Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang


Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Theo chiều dài lịch sử, những huyền thoại về ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ ngày càng nhiều hơn, phản ánh đức tin vào các thế lực siêu nhiên và luật nhân quả. Biến nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng biết đến. Do đó, du xuân cùng gia đình ở miếu Bà Chúa Xứ là một lựa chọn không tồi cho bạn và bố mẹ. Để được cầu an và trải nghiệm không gian văn hóa tâm linh nơi đây. 

Hàng năm, vào cuối tháng 4 âm lịch, hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi sẽ đổ về đây thắp hương, cúng bái ở miếu Bà Chúa Xứ. 

Với kiến trúc dạng chữ “Quốc”, nhìn từ xa ngôi miếu trông giống như một bông sen xanh nổi bật lên. Và khi đến gần hơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hoa văn đậm chất Ấn Độ ở chính điện. Tất cả các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ một cách tinh xảo, còn liễn đối, hoành phi thì luôn rực rỡ vàng son. 

Chùa Phổ Quang, TP.HCM 


Chùa Phổ Quang, TP.HCM


Chùa Phổ Quang là một ngôi chùa lớn lâu đời và rất nổi tiếng, đến mức những người con Sài Gòn không ai không biết tới. Ngôi chùa này nằm ở quận Tân Bình, có không gian rất bình yên, với tiếng chim kêu ríu rít cùng làn gió nhẹ, thu mình dưới bóng cây râm mát. 

Khung cảnh ấy khiến bất cứ du khách nào đặt chân tới đây cũng cảm thấy vô cùng thanh thản, mọi âu lo phiền muộn cùng những bon chen tất bật tan biến ngay trong chốc lát. Có lẽ cũng bởi lẽ đó mà chùa Phổ Quang được rất nhiều du khách đặc biệt ưu ái tìm đến để chiêm bái, vãn cảnh. 

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Huế 


Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Huế


Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát nằm tại núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một địa danh nổi tiếng linh thiêng thu hút hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi đến thắp hương và cúng bái. 

Trong chuyến du xuân đầu năm cùng gia đình, để lên được điểm đến tâm linh này, các bạn phải đi bộ qua 145 bậc cấp. Hàng năm, đặc biệt là những ngày đầu năm mới, mọi người từ trong và ngoài tỉnh đổ về đây cầu phúc lộc và mong một cuộc sống an lành. 

Thường thì những người đi lễ sẽ mang theo một chai nước suối và nén nhang để khấn vái Bồ Tát ban nước “cam lồ”. Sau khi cúng vái xong, người đi hành hương sẽ chờ đến khi nhang tàn và uống hết nước của mình, với mong muốn tẩy trừ mọi khổ đau, bệnh tật. 

Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh 


Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh


Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Nơi đây chính là một trong những địa điểm du lịch tâm linh vô cùng lý tưởng dành cho chuyến du xuân cùng gia đình đầu năm. 

Không chỉ là khu di tích lịch sử, mà ngôi đền này còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước đổ về hành hương xin lộc. Tương truyền theo dân gian, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để “vay tiền” làm ăn kinh doanh trong năm mới, và hy vọng có được một năm đầy ắp may mắn và thuận lợi trong công việc. 


Chùa Bái Đính, Ninh Bình 


Chùa Bái Đính, Ninh Bình


Chùa Bái Đính được nhiều người biết đến như là một địa điểm cầu may đầu năm. Đến du xuân cùng gia đình tại nơi đây, bạn không chỉ được hành hương lễ Phật, mà còn có thể kết hợp với việc đi du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh đặc sắc tại khu danh thắng Tràng An

Chùa Bái Đính không chỉ được biết đến như là một ngôi chùa cầu may linh thiêng dịp đầu năm, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn nắm giữ rất nhiều kỷ lục như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, chùa rộng nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam… 

Nguồn: Tổng hợp.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Du xuân cùng gia đình ở 4 quốc gia đón Tết Nguyên đán

Không chỉ Việt Nam, mà một số quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng có ngày Tết cổ truyền. Nếu bạn đang có ý định đi du lịch Tết Nguyên đán cùng gia đình, thăm thú nét đặc sắc văn hóa ngày Tết thì hãy cùng điểm qua những quốc gia sau đây. 

Du xuân cùng gia đình ở 4 quốc gia đón Tết Nguyên đán


1. Hàn Quốc 

Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán

Tại xứ sở kim chi xinh đẹp này, Tết cổ truyền được gọi với cái tên Seollal – là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất. Trước khi năm mới đến, người Hàn thường tắm nước nóng để gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ. Họ đốt lửa bằng những thanh củi trong đêm giao thừa, vì tiếng nổ của gỗ sẽ xua tan ma quỷ. 

Vào những ngày đầu năm mới, người dân địa phương Hàn Quốc sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống là Hanbok với đa dạng màu sắc. Sau đó họ sẽ làm những nghi lễ cúng bái tổ tiên vào mùng 1 và ăn món tteokguk. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều các nghi lễ cổ truyền được tổ chức tại Hàn Quốc. Ở một số nơi, họ còn chào đón năm mới bằng cách đi thăm bãi biển phía Đông – là nơi có thể nhìn ngắm những tia nắng đầu tiên của mặt trời. 


2. Singapore 

Singapore đón Tết Nguyên đán

Ngày Tết ở Singapore cũng được tổ chức cùng thời điểm với Tết Nguyên đán cổ truyền ở Việt Nam. Lễ hội mùa xuân tại Singapore diễn ra gồm 3 sự kiện chính đó là: Lễ hội đón năm mới tại khu phố người Hoa, lễ diễu hành Chingay và lễ hội River Hongbao. 

Đến du lịch Singapore trong dịp lễ Tết này, bạn và gia đình có thể tham gia nhiều trò chơi và thoải mái mua sắm tại các phiên chợ của người Hoa. Cùng với sự giao thoa văn hóa các nền dân tộc quanh khu vực, đến Singapore trong những ngày đầu năm, du khách còn có thể được nhận những phong bao lì xì may mắn. 

3. Mông Cổ 

Mông Cổ đón Tết Nguyên đán

Ngày Tết cổ truyền của người Mông Cổ được gọi là ngày Tsagaan Sar hoặc tết Tháng Trắng. Với người dân địa phương, Tsagaan Sar là lễ hội báo hiệu kết thúc một mùa đông kéo dài, lạnh lẽo và chào đón mùa xuân ấm áp tươi vui. Ngoài ra đây còn là dịp để gia đình và mọi người cùng nhau quân quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. 

Trong ngày Tết, người dân sẽ tụ họp lại trong nhà của người già nhất vùng để trao đổi các món quà cho nhau, đặc biệt là trẻ em. Sau đó, họ sẽ cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống như: cơm và sữa đông, cơm và nho khô, thịt cừu nướng,… Đặc biệt, thường những người phụ nữ trong gia đình Mông Cổ sẽ trữ một số lượng lớn bánh buuz trong dịp Tết để dùng nhiều ngày. 

4. Trung Quốc 

Trung Quốc đón Tết Nguyên đán

Ngày Tết ở Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam chúng ta vậy, bắt đầu từ mùng 8 tháng 12 âm lịch. Khi đó mọi người dân Trung Quốc trên khắp thế giới sẽ kéo về quê ăn tết đoàn tụ với gia đình. Bởi thế mà người dân Trung Quốc mới có cụm từ “Xuân vận” hay “Cuộc di cư mùa xuân”, là lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê ăn Tết Âm lịch. Đó là cuộc di cư thường niên lớn nhất của loài người trên Trái Đất. 

Trước ngày Tết, người ta sẽ làm vệ sinh nhà cửa để xóa đi xui xẻo và mua những cành đào về nhà trang trí, vì đào tượng trưng cho tài lộc. Người dân bản địa cũng chia ra các mùng riêng như mùng 1 là cầu rước thần linh, mùng 2 là tôn thờ các loại chó và cho chúng ăn thật no, mùng 3 – 4 là con rể sang nhà chào hỏi ba mẹ vợ, mùng 5 là lúc tất cả mọi người phải ở nhà đón thần tài… 

Có một điểm độc đáo là trong lịch của người Trung Quốc thì mỗi năm tương ứng với một con vật nên "năm của con vật” nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào ngày đầu năm. 

Nguồn: Tổng hợp.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Những món ăn mang đậm hương vị Tết

Mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu canh bóng hay thịt đông, người Huế yêu thích món tôm chua, còn dân Nam Bộ lại ưu chuộng món thịt kho tàu hay khổ qua nhồi thịt.

Mỗi vùng ở Việt Nam đều có cách đón Tết khác nhau và đặc biệt ẩm thực ngày Tết Nguyên đán cũng đậm nét truyền thống.

Bánh chưng, bánh tét


“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, tất cả hòa quyện vào nhau để cùng mang đến một cái Tết cổ truyền thấm đượm nét văn hóa của mảnh đất Việt khắp mọi nẻo đường. Có ai đã từng ngồi bên bếp lửa đêm khuya để giúp mẹ trông nồi bánh chưng Tết đang số ùng ục khi tiết trời còn đang se se lạnh, để hưởng trọn mùi thơm nức mũi tỏa ra vào những ngày giáp Tết. Có ai đã cùng mẹ tất bật ghé làng nấu bánh chưng để chọn những chiếc bánh xanh ngon và đẹp mắt nhất vì nhà giờ đây không còn nấu bánh đêm 30 Tết như xưa.

Canh bóng thập cẩm


Canh bóng thập cẩm là món ăn không thể thiếu cho mâm cỗ ngày Tết, thể hiện sự cầu kỳ với nhiều kỹ thuật ẩm thực phức tạp. Món ăn cũng được nhiều người ưa thích, thay vì canh măng móng giò vì hương vị thanh mát, không quá ngậy, phù hợp với nhu cầu ăn uống dịp Tết.

Để có một bát canh bóng đầy đủ, nguyên liệu không thể thiếu là bóng làm từ bì lợn, nấm hương, cà rốt, súp lơ, giò, mọc, trứng, thịt lợn thăn và tôm nõn. Các nguyên liệu được chuẩn bị và chế biến riêng trước khi cho vào nấu chung với nhau. Chính vì sự đa dạng của nguyên liệu nên để có được bát canh bóng ngon đòi hỏi người nấu phải kỳ công với từng nguyên liệu.

Thịt đông


Dù Tết luôn là thời điểm lạnh trong năm nhưng thịt đông vẫn là món ăn ưa thích của nhiều người dân miền Bắc. Theo truyền thống, thịt đông chủ yếu được ăn trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, món ăn này hiện giờ đã có mặt trong cả những bữa cơm gia đình hàng ngày.

Để nấu được một nồi thịt đông không dễ, từ việc chọn nguyên liệu tới thời gian hầm. Thông thường, thịt đông được nấu với thịt lợn, chân giò, tai lợn hoặc thịt gà với mộc nhĩ. Thời gian ninh tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Đến khi nào thịt mềm, nước có vị ngọt và trong thì múc ra để nguội, đổ vào bát và để vào tủ lạnh.

Tôm chua Huế


Người Huế đặc biệt cầu kỳ trong việc ăn uống, nhất là mâm cỗ ngày Tết. Món ăn phổ biến trong dịp năm mới của người Huế phải kể tới tôm chua. Tôm được dùng là tôm nước ngọt, tôm đồng với kích cỡ vừa phải, chắc và ngọt thịt. Sau khi được rửa sạch, bỏ vỏ, đầu, đuôi chỉ lấy phần thân, tôm được ngâm với nước phèn chua. Sau đó, người ta cho tôm vào ngâm với tỏi, ớt, măng, để ngoài trời nắng vài ngày trước khi đem vào trong bóng mát.

Khi ăn, thịt tôm mềm và chắc, xen chút vị chua cay của măng, ớt và nước. Món ăn thanh đạm này sẽ át đi vị ngậy của các món khác ngày tết và là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ của người Huế.


Thịt kho tàu


Với người dân Nam Bộ, thịt kho tàu là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Không chỉ vì hương vị thơm ngon, đậm đà, thịt kho tàu đầy đặn và màu sắc tươi sáng như tượng trưng cho một năm mới đủ đầy và sung túc.

Để có được nồi thịt kho tàu ngon, thịt được chọn phải là thịt ba chỉ hoặc thịt đùi, thái miếng to vuông để khi ăn miếng thịt ngọt và mọng nước. Món ăn được kho với lửa nhỏ liu riu, nước xâm xấp.

Một bát thịt kho hột vịt ngon đòi hỏi người chế biến phải khéo léo và cẩn thận. Thịt không được nát quá nhưng phải mềm và có màu vàng ươm, ngậy mùi nước cốt dừa. Trứng có màu vàng nâu tươi tắn, không bị thâm đen và đảm bảo chín đều từ lòng đỏ tới lòng trắng.

Khổ qua dồn thịt


Bên cạnh những món ăn nhiều đạm, các bà nội trợ cũng chú trọng đan xen nhiều món ăn thanh mát trong mâm cơm đầu năm. Với những nguyên liệu đơn giản và cách chế biến không cầu kỳ, khổ qua (mướp đắng) dồn thịt là món ăn được ưa thích của người miền Nam trong dịp Tết cổ truyền.

Người đầu bếp khéo léo sẽ biết cách chế biến để át đi vị đắng của khổ qua. Đúng như tên gọi của trái “khổ qua”, người dân miền Nam gửi ước nguyện về một năm mới đến thật nhẹ nhàng, qua đi bao muộn phiền, đau khổ của năm cũ.

Theo Vnexpress