Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Về miền Tây thưởng thức các món bún ngon

Không chỉ nổi tiếng bởi các vườn cây trái sum suê, miền Tây còn thu hút du khách bởi những món ăn giản dị đậm chất miền sông nước, mà nổi bật là các món bún.

Về miền Tây thưởng thức các món bún ngon

Bún xiêm, Long An



Bún xiêm lo là điểm nhấn độc đáo trong ẩm thực Long An, gắn với địa danh Mộc Hóa ở đây. Món bún này ngọt vị cá, đậm màu vàng của nghệ, gồm da heo xắt miếng vừa ăn, cá lóc xé nạc hoặc quết nhuyễn, có khi thêm cả phần đầu cá hấp dẫn. Ăn kèm bún xiêm lo là giá sống, rau tai tượng xắt nhỏ, muối ớt chanh...

Bún mắm, Cần Thơ



Bún mắm là món ăn phổ biến ở miền Tây. Nếu muốn thưởng thức món bún đặc sắc này, bạn có thể đến Cần Thơ, thủ phủ của miền sông nước Cửu Long. Nước dùng trong bún mắm thường có màu nâu nhạt, vị đậm đà nhờ nấu từ mắm cá linh, mắm cá sặc... Tùy người chế biến, thành phần thêm vào tô bún mắm có thể là cá đồng, heo quay, tôm, mực...

Bún gỏi dà, Sóc Trăng



Bún gỏi dà được biết đến là đặc sản hấp dẫn ở Sóc Trăng. Thành phần của tô bún thường có bún trắng, tôm (tép) luộc chín đỏ au, thịt ba rọi thái sợi mỏng, thêm ít rau thơm, tương xay, đậu phộng... bày lên mặt bún và chan ngập nước dùng có vị me, vị tương.

Bún nước lèo, Trà Vinh



Bún nước lèo là món ăn hấp dẫn ở miền Tây, trong đó người ta thường nhắc đến bún nước lèo Trà Vinh. Để nước dùng đậm đà đặc trưng, người nấu có thể sử dụng mắm bò hóc (hoặc viết theo một số cách khác nhau) của người Khmer. Bún nước lèo còn có thêm thịt heo quay, cá đồng, các loại rau thơm, giá sống, bắp chuối bào, bông súng...

Bún cá bông điên điển, An Giang



Bún cá là đặc sản nổi tiếng của An Giang, gắn với các địa danh ở đây như Long Xuyên hay Châu Đốc. Món ăn này hấp dẫn bởi những miếng nạc cá lóc đồng vàng màu nghệ, những miếng heo quay béo, giòn, kết hợp cùng nước dùng đậm đà, dậy mùi mắm, nhất là không thể thiếu bông điên điển vị ngọt nhẫn ăn kèm.

Bún bì, Cà Mau



Món bún bì ở miền Tây vốn nhiều biến tấu khác nhau, có thể kết hợp với chả giò, thịt nướng, nem nướng... Về Cà Mau, du khách có thể thử qua món bún bì với các nguyên liệu như bì thịt, chả lụa, heo quay, đồ chua, rau thơm... Sợi bún trong món ăn này cũng to hơn, dai hơn thường thấy.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Du hí An Giang vui quên lối về

Không chỉ thu hút khách du lịch bằng vẻ đẹp hoang sơ đầy mê hoặc, những điểm đến ở An Giang còn được che phủ bởi một lớp màn bí ẩn gắn liền với những câu chuyện đầy huyền bí, khiến bất cứ ai cũng phải tò mò. 

Du hí An Giang vui quên lối về

Rừng tràm Trà Sư 


Rừng tràm Trà Sư

Trà Sư là khu rừng đặc trưng cho các loại rừng ngập nước của vùng Nam Bộ, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng cách biên giới Việt NamCampuchia khoảng 10 km. Hiện rừng có 140 loài thực vật, trong đó tràm bao phủ hầu hết diện tích. Những trải nghiệm thu hút du khách tại đây là lướt tắc ráng băng rừng, tham gia hái sen, hái ấu, chài cá và thưởng thức các đặc sản theo mùa. Vé vào cửa đã bao gồm thuyền đưa đi khám phá là 75.000 đồng một người. 

Hồ bơi vô cực 


Hồ bơi vô cực

Hồ bơi vô cực tọa lạc bên sườn một ngọn núi, trong resort Victoria Núi Sam Lodge và cách trung tâm An Giang khoảng 60 km. Đến đây chúng ta sẽ được dịp đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên mướt mát. Bạn có thể nghỉ tại resort để thư giãn trong hồ bơi hoặc mua vé vào tham quan 110.000 đồng một người. Hồ có hướng nhìn ra cánh đồng lúa, tạo cảm giác hết sức bình yên. Lúa ở đây thay đổi theo mùa với màu xanh – vàng. 

Chợ nổi Long Xuyên 


Chợ nổi Long Xuyên

Nằm trên khu vực sông Hậu, gần trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi được hình thành từ hàng chục năm về trước. Ngày nay, giao thông tuy đã phát triển nhưng chợ nổi vẫn còn giữ nguyên nếp sinh hoạt từ lâu nay. Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 5h sáng. 

Các dịch vụ du lịch tại đây chưa mấy phát triển như một số chợ nổi khác nhưng du khách có thể thuê thuyền với giá từ 200.000 đồng để khám phá chợ. Đến đây, du khách có thể thưởng thức bữa sáng trên sông, thử các loại trái cây miệt vườn và đừng quên chụp hình kỷ niệm. 

Chùa Tây An 


Chùa Tây An

Chùa Tây An nằm ở chân núi Sam được xây dựng vào năm 1847, mang dáng dấp của một công trình kiến trúc Ấn Độ. Ngôi cổ tự đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây cũng là ngôi chùa mang kiến trúc Việt kết hợp với Ấn Độ đầu tiên ở Việt Nam. 

Chùa nằm trên mảnh đất rộng, có khuôn viên thoáng mát được bao bọc bởi nhiều cây cối. Từ trung tâm thành phố Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy và chạy đến đây mất khoảng 30 phút. Chùa nằm trong quần thể văn hoá tâm linh nên bạn có thể sắp xếp thời gian để thăm thú những công trình gần đó như miếu bà Chúa Xứ. 

Cánh đồng cây thốt nốt 


Cánh đồng cây thốt nốt

Trên hành trình rong ruổi khám phá tỉnh miền Tây, du khách sẽ bắt gặp nhiều cánh đồng lúa bát ngát. Điểm nhấn ở các cánh đồng này là hàng cây thốt nốt vươn mình cao vút. Đây là loài cây có tuổi thọ hơn 100 năm. Những hàng cây cao vững chãi giữa cánh đồng, là điểm tựa, bóng mát cho người nông dân nghỉ trưa sau giờ lao động, là nơi trẻ con quanh vùng thường tụ tập. Chính vì lẽ đó, đã đến An Giang bạn đừng quên check-in với hình ảnh đặc trưng này. 

Bạn có thể tìm thấy những cánh đồng có cây thốt nốt trên đường từ trung tâm thị trấn Nhà Bàng đi rừng Trà Sư hay tại cánh đồng lúa ở Tà Pạ nổi tiếng. Bạn cũng đừng quên thưởng thức trái thốt nốt, được người dân chế biến thành món giải khát thanh mát giữa ngày nắng chói chang.


Tổng hợp.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Đi khắp thế gian thưởng thức đặc sản của các tỉnh thành Việt Nam

Các tỉnh 3 miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp mắt, con người hiền hòa mà còn có rất nhiều đặc sản "mê hoặc" du khách. Mỗi địa phương lại có một hoặc nhiều món ăn đặc trưng, để rồi bất kỳ ai đến đó đều tìm cho bằng được để thưởng thức.

Đi khắp thế gian thưởng thức đặc sản của các tỉnh thành Việt Nam

Bánh hoa tam giác mạch nướng, Hà Giang


Bánh hoa tam giác mạch nướng, Hà Giang

Được làm ra từ loài hoa thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm của núi rừng Đông Bắc Hà Giang – hoa tam giác mạch. 

Cuối mùa, người dân thu hoạch tam giác mạch, hạt của chúng được phơi khô, xay thành thứ bột thật mịn màng, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe. Bánh được hấp chín trên bếp lửa có vị ngọt thanh, mềm xốp, thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.

Bánh bèo Huế


Bánh bèo Huế

Một trong số những món ăn ngon đứng đầu bảng đặc sản trứ danh ở Huế đó là bánh bèo. Bí quyết tạo nên tiếng vang cho các loại bánh này là nước chấm ăn kèm. Nước chấm hòa quyện giữa đường, ớt, tỏi tạo nên vị ngọt và thơm cay. Mỗi loại có công thức, cách làm khác nhau, song đều mang trong mình triết lý ẩm thực của người Huế: khéo léo, tài tình ở cách chế biến, tinh tế ở cách trang trí, bày biện khiến các món ăn bình dân trở thành đặc sản nổi tiếng tứ phương.

Nho Phan Rang - Ninh Thuận


Nho Phan Rang - Ninh Thuận

Nho là loại trái cây đặc trưng cho vùng đất này khi chúng ta nhắc đến đặc sản Phan Rang thì mọi người sẽ nghĩ đến Nho đầu tiên. Không giống những vườn nho nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp, nho ở Phan Rang được trồng theo lối mắc giàn trên cao. Giống nho cho ra quả có hạt, vị ngọt nhẹ và màu tím hồng khi chín. Nho chỉ dùng ăn tươi, làm rượu và tách hạt làm nho khô ăn rất tuyệt vời.

Hồng Đà Lạt


Hồng Đà Lạt

Không chỉ là thức quả thơm ngon, các vườn hồng Đà Lạt còn được nhiều bạn trẻ tìm đến check – in chụp những bức ảnh đẹp thần sầu mỗi dịp ghé thăm Đà Lạt. Quả hồng chín dưới bàn tay tỉ mỉ của người dân Đà Lạt có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hồng sấy, mứt hồng ... Có một điều đặc biệt trong cách chế biến hồng ở đây chính là hồng treo. Hồng sau khi chín sẽ được thu hoạch sẽ được sơ chế rồi buộc dây treo lên, được biết treo hồng chỗ càng thoáng gió thì sẽ giữ được hương vị, bảo quản lâu hơn và nhanh được thưởng thức hơn.

Bánh bò thốt nốt An Giang


Bánh bò thốt nốt An Giang

Bánh bò thốt nốt là món ăn dân dã, quen thuộc của mảnh đất An Giang. Bánh được làm từ bột gạo xay, trộn với đường thốt nốt. Để tạo ra được món ăn này, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, ủ bột gạo, hấp chín... Bánh bò thốt nốt có vị ngọt thanh, không gắt, bạn có thể ăn kèm bánh bò với dừa nạo để giúp món ăn hấp dẫn và kích thích hơn.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ


Bánh tét lá cẩm Cần Thơ

Chỉ người miền Tây chính gốc mới “rành sáu câu” lá cẩm – thứ lá mảnh dẻ vắt ra có màu tím thẫm đã làm nên danh tiếng cho bánh tét lá cẩm xứ Bình Thuỷ, Cần Thơ - loại bánh tím thẫm, mùi thơm ngọt dịu quấn lấy đầu mũi khi chỉ mới nhón tay bốc thử một khoanh. Bánh tét lá cẩm có 4 loại bánh được phân chia theo từng loại nhân: nhân thịt muối thập cẩm, nhân mỡ, nhân chuối và đậu ngọt.


Tổng hợp

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Đặc sản mùa nước nổi - Bánh xèo bông điên điển, lẩu cá linh non

Nếu hỏi du lịch An Giang mùa nào đẹp nhất, thì xin thưa đó là mùa nước nổi. Hình ảnh gắn liền với mùa nước nổi là cây điên điển trổ bông, đây là nguyên liệu của nhiều món ăn độc đáo, đặc biệt là bánh xèo và lẩu cá linh – món ngon mà bạn không thể bỏ qua khi về Châu Đốc.

Đặc sản mùa nước nổi - Bánh xèo bông điển điển, lẩu cá linh non

Bánh xèo bông điên điển


Bánh xèo bông điên điển

Bông điên điển được xem là một loại rau đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Người ta sử dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, ăn kèm với lẩu, bún... đặc biệt là làm bánh xèo.

Bột làm bánh xèo bông điên điển sẽ là bột gạo. Người dân nơi đây thường pha chung bột làm bánh với nước cốt dừa để tạo nên hương vị thơm béo cho món bánh. Ngoài ra, người đầu bếp sẽ thêm trứng vịt đồng và nước cốt nghệ để món bánh thêm hương sắc. Sau cùng, người ta thả hành lá thái nhuyễn và nêm nếm cho vừa ăn.

Bánh xèo bông điên điển

Bông điên điển sau khi được người dân hái về sẽ được nhặt bỏ những bông hư, rửa thật sạch rồi để cho ráo nước. Củ sắn gọt vỏ, rửa sạch rồi thái sợi mỏng, vắt nước ráo. Tôm nhặt sạch. Thịt heo chọn thịt ba chỉ tươi ngon, sau đó rửa sạch, thái nhỏ, xào tôm với thịt chín rồi nêm nếm cho vừa ăn rồi cho bông điên điển vào đảo chung.

Nước chấm bánh xèo cũng phải pha chế công phu. Tỏi, ớt bằm nhuyễn, nước chanh pha chung với đường, và nước mắm ngon. Xắt thêm sợi củ cải, đu đủ, cà rốt bóp sơ qua nước muối, xả lại nước lạnh vắt khô rồi thả vào chén nước mắm.

Bánh xèo bông điên điển

Bánh xèo bông điên điển có mùi vị rất đặc trưng. Vị chua chua ngọt ngọt bùi bùi của loài hoa này hòa quyện cùng vị ngọt của tôm sông, hương thơm của rau sống, giá, củ sắn cùng nước mắm chua ngọt sẽ mang đến cho người thưởng thức hương vị bánh xèo mới lạ đến khó quên.

Lẩu cá linh non bông điên điển


Lẩu cá linh non bông điên điển

Cá linh được xem là đặc sản của vùng sông nước, cùng với bông điên điển nở vàng các mé sông, tạo thành món ăn bình dị mà khó quên.

Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch, bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo, ướp cho thấm gia vị. Chặt một trái dừa tươi đổ vào nồi lẩu để nấu, dằn vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước chua rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi riu lên. Vì cá linh rất mềm và mau chín, nên trước khi ăn mới trút nhẹ cá linh vào nồi. Vừa ăn, vừa nhúng bông điên điển để giữ độ giòn và ngọt từ bông.

Lẩu cá linh non bông điên điển

Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị từ bông điên điển. Chính nhờ tất cả hương vị đặc trưng của cá, bông điên điển quyện cùng gia vị càng làm cho món ăn trở nên lạ miệng và quyến rũ. Món ăn thơm ngon, quyến rũ, dậy mùi thơm phức khiến người dù khó tính cách mấy khi vừa cảm nhận cũng phải hài lòng và tấm tắc khen ngon.


Tổng hợp

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Những điểm đến tâm linh cho chuyến du xuân cùng gia đình

Vào những ngày Tết, các gia đình thường đi lễ đầu năm theo phong tục của người Việt Nam chúng ta. Đây cũng là một dịp để bạn có thể sắp xếp một chuyến đi du lịch ý nghĩa, bên cạnh việc cầu nguyện cho một năm mới an lành, nhiều sức khỏe và phát tài phát lộc. 

Những điểm đến tâm linh cho chuyến du xuân cùng gia đình

Mộ cô Sáu, Côn Đảo 


Mộ cô Sáu, Côn Đảo


Người dân Côn Đảo gần như ai cũng biết những về giai thoại linh thiêng của người anh hùng Võ Thị Sáu. Dân địa phương tại đây gọi cô bằng cái tên thân mật cô Sáu, và vẫn kể nhau nghe những câu chuyện về người con gái áo trắng bước ra hàng đêm từ mộ của cô. 

Mộ cô Sáu nằm ở nghĩa trang Hàng Dương, là một điểm đến tâm linh linh thiêng, thu hút bất cứ ai đặt chân đến Côn Đảo đều phải ghé thăm. Vào dịp năm mới, có rất nhiều du khách đến đây để cầu may mắn, nhờ cô giúp đỡ và che chở. Thế nên bạn có thể lựa chọn viếng thăm mộ cô vào những ngày đầu năm cùng gia đình, song song với du lịch khám phá Côn Đảo. 

Thông thường mọi người đến viếng mộ cô Sáu thường sẽ mang theo bộ lễ gồm có một nón lá, một xấp giấy tiền vàng bạc, một bộ lược gương, một xấp vàng thỏi, một chai nước suối, một bó nhang và đặc biệt là hoa trắng – bởi đây là màu hoa cô yêu thích. 

Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang 


Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang


Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Theo chiều dài lịch sử, những huyền thoại về ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ ngày càng nhiều hơn, phản ánh đức tin vào các thế lực siêu nhiên và luật nhân quả. Biến nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng biết đến. Do đó, du xuân cùng gia đình ở miếu Bà Chúa Xứ là một lựa chọn không tồi cho bạn và bố mẹ. Để được cầu an và trải nghiệm không gian văn hóa tâm linh nơi đây. 

Hàng năm, vào cuối tháng 4 âm lịch, hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi sẽ đổ về đây thắp hương, cúng bái ở miếu Bà Chúa Xứ. 

Với kiến trúc dạng chữ “Quốc”, nhìn từ xa ngôi miếu trông giống như một bông sen xanh nổi bật lên. Và khi đến gần hơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hoa văn đậm chất Ấn Độ ở chính điện. Tất cả các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ một cách tinh xảo, còn liễn đối, hoành phi thì luôn rực rỡ vàng son. 

Chùa Phổ Quang, TP.HCM 


Chùa Phổ Quang, TP.HCM


Chùa Phổ Quang là một ngôi chùa lớn lâu đời và rất nổi tiếng, đến mức những người con Sài Gòn không ai không biết tới. Ngôi chùa này nằm ở quận Tân Bình, có không gian rất bình yên, với tiếng chim kêu ríu rít cùng làn gió nhẹ, thu mình dưới bóng cây râm mát. 

Khung cảnh ấy khiến bất cứ du khách nào đặt chân tới đây cũng cảm thấy vô cùng thanh thản, mọi âu lo phiền muộn cùng những bon chen tất bật tan biến ngay trong chốc lát. Có lẽ cũng bởi lẽ đó mà chùa Phổ Quang được rất nhiều du khách đặc biệt ưu ái tìm đến để chiêm bái, vãn cảnh. 

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Huế 


Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Huế


Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát nằm tại núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một địa danh nổi tiếng linh thiêng thu hút hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi đến thắp hương và cúng bái. 

Trong chuyến du xuân đầu năm cùng gia đình, để lên được điểm đến tâm linh này, các bạn phải đi bộ qua 145 bậc cấp. Hàng năm, đặc biệt là những ngày đầu năm mới, mọi người từ trong và ngoài tỉnh đổ về đây cầu phúc lộc và mong một cuộc sống an lành. 

Thường thì những người đi lễ sẽ mang theo một chai nước suối và nén nhang để khấn vái Bồ Tát ban nước “cam lồ”. Sau khi cúng vái xong, người đi hành hương sẽ chờ đến khi nhang tàn và uống hết nước của mình, với mong muốn tẩy trừ mọi khổ đau, bệnh tật. 

Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh 


Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh


Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Nơi đây chính là một trong những địa điểm du lịch tâm linh vô cùng lý tưởng dành cho chuyến du xuân cùng gia đình đầu năm. 

Không chỉ là khu di tích lịch sử, mà ngôi đền này còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước đổ về hành hương xin lộc. Tương truyền theo dân gian, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để “vay tiền” làm ăn kinh doanh trong năm mới, và hy vọng có được một năm đầy ắp may mắn và thuận lợi trong công việc. 


Chùa Bái Đính, Ninh Bình 


Chùa Bái Đính, Ninh Bình


Chùa Bái Đính được nhiều người biết đến như là một địa điểm cầu may đầu năm. Đến du xuân cùng gia đình tại nơi đây, bạn không chỉ được hành hương lễ Phật, mà còn có thể kết hợp với việc đi du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh đặc sắc tại khu danh thắng Tràng An

Chùa Bái Đính không chỉ được biết đến như là một ngôi chùa cầu may linh thiêng dịp đầu năm, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn nắm giữ rất nhiều kỷ lục như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, chùa rộng nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam… 

Nguồn: Tổng hợp.